Nhà Đại đoàn kết - 'cứu cánh' của gia đình có hoàn cảnh khó khăn

(Mặt trận) -Nhà Đại đoàn kết đang được xem là “cứu cánh” cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tại tỉnh Quảng Trị, gia đình mới được khởi công xây nhà Đại đoàn kết thì háo hức chờ ngày khánh thành, nhà đã được xây thì người dân lấy đó làm nền tảng để nỗ lực làm việc, phát triển kinh tế.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Mỗi năm tỉnh Quảng Trị cũng như nhiều địa phương trong dải đất miền Trung thường hứng chịu rất nhiều những đợt bão lũ. Đây hiểm họa khôn lường với mỗi người đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang phải sinh sống trong các ngôi nhà tạm bợ.

Họ - những người đang sinh sống trong những ngôi nhà tạm bợ đều mong ước có được chỗ ở kiên cố. Dẫu vậy, trong khả năng, để họ tự tay xây dựng cho gia đình mình một ngôi nhà kiên cố dường như là điều “bất khả thi”. Do đó, trong những năm trở lại đây, việc Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị phát động hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết đang được xem là “cứu cánh” cho những gia đình khó khăn.

Chúng tôi đã về thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường (Hải Lăng, Quảng Trị) tìm gặp gia đình chị Lê Thị Biên (42 tuổi) - một trong số 4 hộ được Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị và chính quyền địa phương tổ chức khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết vào cuối tháng 4/2022.

Chị Biên chia sẻ, chị không có chồng và hiện đang sống cùng người con gái nhỏ học lớp 2. Bản thân chị thì bị gai đôi cột sống nên thường ngày chỉ làm được các công việc như đi hái cây tràm (làm dầu tràm) hoặc đi bóc vỏ thông về bán kiếm tiền mua gạo ăn. “Thường ngày thì chỉ có cơm trắng với rau dưa qua ngày thôi. Thỉnh thoảng có đoàn thiện nguyện nào đó về địa phương thì mẹ con tôi có thêm bao gạo, chai dầu ăn hay thùng mì tôm…” - chị Biên nói.

Trước việc được Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 60 triệu đồng để xây nhà, chị Biên phấn khởi chia sẻ, chị sẽ đi vay mượn thêm ngân hàng để xây căn nhà khoảng 100 - 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, chị sẽ tranh thủ, tự thực hiện những công việc mình có thể làm để giảm bớt tiền công.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Kham (53 tuổi, trú tại đội 6, thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường) cho hay, gia đình chị Biên là một hộ nghèo trong thôn, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Trường hợp chị Biên được xây dựng nhà Đại đoàn kết là vô cùng xứng đáng.

Rời nhà chị Biên, chúng tôi đến thôn Tây Chánh, xã Hải Trường (Hải Lăng) để gặp một trường hợp khác cũng mới được khởi công xây nhà Đại đoàn kết trong tháng 4/2022 - hộ bà Nguyễn Thị Chắt. Bà Chắt năm nay 80 tuổi vì bệnh tình không thể trò chuyện với chúng tôi, anh Đoàn Văn Giai (44 tuổi - con trai bà Chắt) chia sẻ, nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt là Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ nên anh quyết tâm vay mượn thêm để cất dựng lại căn nhà cũ của gia đình.

“Mẹ tôi đang đau ốm tuổi già và thường nằm một chỗ, tôi mong mỏi có một căn nhà kiên cố, sạch sẽ để bà thoải mái an dưỡng và cũng là để các thành viên trong gia đình có không gian sống tốt hơn. Vừa qua gia đình tôi được Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 60 triệu đồng (đã giải ngân được 20 triệu đồng) tôi vay mượn thêm và dự kiến nhà hoàn thiện sẽ hết khoảng 200 triệu đồng. Thay mặt mẹ và gia đình tôi rất cảm ơn MTTQ tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể” - anh Giai nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Trị cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Theo ông Tá, thời gian vừa qua trên địa bàn huyện, việc xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang được thực hiện rất tốt. Đồng thời, các gia đình đã được xây dựng nhà Đại đoàn kết ngoài sự yên tâm sinh sống đặc biệt trong mùa mưa bão thì còn lấy đây làm động lực để làm việc, phát triển kinh tế.

Tùng Lâm