Người Nhật, người Nga dọn rác, còn nhiều người Việt nên biết "xấu hổ"

Việc xả rác là một điểm trừ của nhiều người Việt, trong khi lại có những “ông Tây” từ xa xôi đến Việt Nam tình nguyện dọn rác.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Cổ động viên Nhật Bản và Senegal dọn rác tại World Cup 2018 (ảnh: REUTERS).

Cách đây hơn 2 năm là trường hợp “ông Tây” dọn rác ở mương thối tại Hà Nội. Khi ấy, James Joseph Kendall (người Mỹ) thổ lộ rằng bản thân anh không ngờ rằng hành động của mình lại gây được chú ý đến vậy. Bởi anh chỉ nghĩ đơn giản rằng, việc làm của anh giúp cho đoạn mương sạch hơn và góp phần thay đổi nhận thức về việc xả rác ra môi trường.

Không ít người thấy lạ lẫm với việc làm của James Joseph Kendall bởi trong chúng ta không có mấy người sẵn sàng tự nguyện đi dọn rác, đặc biệt là trong tình trạng rác nghẽn tại những đoạn mương cực kì hôi thối.

Đêm 24.6, một cổ động viên Nhật Bản có tên Yoshida sau trận đấu giữa đội nhà với đội Senegal đã tham gia dọn rác tại sân vận động Ekaterinburg Arena (Nga) hồn nhiên cho biết: “Ở Nhật Bản có một câu nói: Chúng tôi phải để lại mọi thứ sạch sẽ hơn cả khi chúng tôi đến...”. Còn cổ động viên Senegal thì muốn dọn sạch rác nơi họ sẽ rời đi để luôn được chào đón ở những điểm đến trong tương lai. Đêm đó, người hâm mộ Nhật Bản đã vui vẻ cùng các fan Senegal dọn rác tại sân vận động. Trước đó, họ cũng đã dọn rác sau trận đấu với Colombia và Ba Lan.

Cách đây khoảng một tuần trước, nhiều trang mạng đã đưa tin về nhóm hơn 10 người Nga đã cùng nhau dọn nhặt rác bãi biển Nha Trang chỉ vì thấy “thiên nhiên Việt Nam đẹp, người Việt Nam cũng rất thân thiện, nhưng ý thức bảo vệ môi trường của người Việt Nam chưa được tốt lắm…”. Và họ đã làm công việc “cha chung không ai khóc” này hàng tháng ròng.

Vâng, hãy nhìn thẳng vào sự thật: Không phải ý thức chung về bảo vệ môi trường của người Việt “chưa được tốt lắm” mà là “đang rất tệ hại” vì thế mới trố mắt ngạc nhiên khi thấy “ông Tây” trần mình giữa mương thối đầy rác.

Hiện nay, hầu như nhà trường nào cũng dạy các em, các cháu không xả rác bừa bãi. Song những điều đúng đắn và tốt đẹp được giáo dục trong nhà trường mà không được tiếp tục nuôi dưỡng bồi đắp trong xã hội nên không thể phát triển và nhân rộng những hạt giống tốt. Người Nhật đã không chỉ phát triển được hạt giống tốt đó trong dân tộc họ mà còn truyền được cảm hứng và nhân rộng đến những dân tộc khác.

Trong một chuyến đi dã ngoại, anh bạn tôi nói rất hay ho và đanh thép rằng chúng ta cần phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường… Bất chợt đứa con trai nhỏ của anh chạy đến, bóc chiếc bánh và hỏi “ba ơi rác quăng ở đâu hả ba?”. Đang dở câu chuyện anh buột miệng “cứ vứt đại đi con” khiến tôi chưng hửng.

Những hạt giống trẻ không phát triển và nhân rộng được là do người lớn chứ còn ai?