Người cán bộ Mặt trận hết lòng vì công việc

(Mặt trận) -Thân thiện, cởi mở, gần gũi là những điều mà ai cũng có thể cảm nhận khi gặp anh Chá Văn Dia, Chủ tịch MTTQ xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Hơn 5 năm gắn bó với công tác Mặt trận, anh Chá Văn Dia đã lăn lộn, phối hợp, giúp đỡ chính quyền làm được nhiều việc tốt, góp phần giữ bình yên cho vùng “phên dậu” của Tổ quốc.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Anh Chá Văn Dia thường xuyên đến từng nhà để động viên, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho bà con.

Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, anh Chá Văn Dia nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, để từ đó góp phần cùng tập thể ban thường trực ủy ban MTTQ xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác mặt trận. Anh Chá Văn Dia chia sẻ: Người Mông có tính bảo thủ nhưng thật thà và hay tin người. Đặc biệt là với người dân sinh sống tại các bản vùng sâu, hẻo lánh. Chính vì đặc tính này mà bà con thường bị một số đối tượng xấu đã lợi dụng, tuyên truyền lôi kéo để chống phá chính quyền, vận chuyển, tàng trữ ma túy trái phép. Xác định làm công tác mặt trận là đoàn kết là vận động, là thuyết phục, rồi thống nhất hành động. Do vậy, cán bộ mặt trận phải thường xuyên về với bà con, đến từng nhà để động viên, tuyên truyền chứ không phải lâu lâu tổ chức một hội nghị, mời mọi người đến để nghe về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Anh Dia cho biết, xã Pù Nhi có đường biên giới quốc gia dài 15km với 3 mốc giới (305, 306, 307); giáp với các bản: Phiền Cần, Phiền Kay, Khăm Nàng, Na Hàm, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào). Trong những năm gần đây, do chính sách mở cửa hội nhập kinh tế nên hoạt động đi lại thăm thân, giao lưu, trao đổi mua bán hàng hóa của người dân trở nên nhộn nhịp. Tình hình an ninh trật tự có phần diễn biến phức tạp, tình hình vi phạm hành chính, tình trạng trộm cắp tài sản, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới... vẫn còn xảy ra.

Trước những vấn đề nổi cộm này, anh Dia đã cùng với MTTQ xã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể kịp thời tuyên truyền trong các tầng lớp Nhân dân, đấu tranh, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, ý đồ hoạt động tuyên truyền tổ chức móc nối, lôi kéo người Mông sang Lào theo phỉ, di cư tự do, triển khai các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với các loại tội phạm: mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ; mua bán, trao đổi tiền giả; mua bán người... Trong 5 năm làm công tác mặt trận, anh Chá Văn Dia đã cùng với các lực lượng chức năng phát hiện xử lý tại xã và chuyển cơ quan cấp trên xử lý 102 vụ việc, bắt 20 vụ/24 đối tượng người địa bàn buôn bán, tàng trữ chất ma túy; điều tra, xử lý 32 vụ trộm cắp tài sản công dân; xử lý 20 vụ/38 người gây rối trật tự; thu hồi 303 khẩu súng săn; xử lý 2 vụ phát nương làm rẫy trái phép, 12 vụ/12 người qua lại biên giới trái phép.

Tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, cứ tuần 1 lần anh Dia cùng với các trưởng bản Cơm, bản Pù Ngùa đi tuần, kiểm tra các cột mốc, vừa để phát quang đám cây dại mọc che lấp, vừa để cảnh giác đám người xấu xâm hại cột mốc. Chia sẻ với chúng tôi, anh Chá Văn Dia, cho biết: “Đi tuần cũng là dịp để ghé thăm bà con dân bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và tuyên truyền về các chính sách đúng đắn của Nhà nước trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao; phổ biến những chính sách, pháp luật để người dân cùng chung tay bảo vệ an ninh trật tự vùng biên. Với tôi, cột mốc không đơn thuần là thứ định mốc giới mà còn là nơi đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Bảo vệ cột mốc cũng là bảo vệ những điều yêu thương, máu thịt của mình!”.

Với những thành tích đạt được, anh Chá Văn Dia đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác mặt trận giai đoạn 2015-2020, cùng nhiều phần thưởng của các cấp, các ngành khác.

Quang Nhật