Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên được tổ chức vào các ngày 9 hoặc 10/11

(Mặt trận) -Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11), nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết, củng cố niềm tin trong các tầng lớp nhân dân. Năm nay, ngày hội Đại đoàn kết được đồng loạt tổ chức ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên vào ngày 9 hoặc 10/11.

Rộn ràng đón Ngày hội Đại đoàn kết ở bản Gia Khâu 1

Ấp Trà Kháo tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Quảng Bình: Bản đầu tiên tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Tùy theo đặc điểm từng nơi để tổ chức cho phù hợp

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên vừa có hướng dẫn về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi khu dân cư lựa chọn tổ chức trong 1 ngày, vào ngày 9/11 (thứ bảy) hoặc ngày 10/11 (chủ nhật).

 Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là sự gắn kết của các cộng đồng dân cư, qua đó tăng cường phát huy sức mạnh cộng đồng, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Đây là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ. Ngày hội là dịp xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống nhân dân.

Phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân và khẳng định vai trò của cộng đồng dân cư trong thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngày hội cũng là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với việc ghi nhận, biểu dương các cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư.

Để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong toàn tỉnh, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên đề nghị cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, phối hợp chỉ đạo thống nhất giữa chính quyền và MTTQ các cấp, đồng thời coi đây là dịp để cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý được tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, động viên Nhân dân hăng hái thi đua sản xuất.

Phát huy vai trò, thế mạnh của các tổ chức thành viên trong việc vận động đoàn viên, hội viên của mình tham gia tổ chức, thực hiện các nội dung của ngày hội. Coi trọng công tác tuyên truyền, làm cho đông đảo người dân hiểu hơn về lịch sử, truyền thống của MTTQ, về những kết quả đạt được trong các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” và các phong trào, cuộc vận động của các tổ chức thành viên, qua đó tạo động lực để xây dựng và phát triển khu dân cư an toàn, lành mạnh, văn minh, giàu đẹp.

Đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên cũng lưu ý, việc tổ chức ngày hội cần phát huy sự sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp. Khuyến khích các khu dân cư tổ chức ngày hội theo hình thức liên khu dân cư, nhằm tạo điều kiện trao đổi, học tập lẫn nhau, tạo sự gắn bó, đoàn kết giữa các khu dân cư. Phần lễ và phần hội đảm bảo yêu cầu vui tươi, phấn khởi, không phô trương, hình thức. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương mà tổ chức bữa cơm đại đoàn kết tại khu dân cư cho phù hợp. 

MTTQ các cấp cần bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên ở cơ sở; đa dạng hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ cho các khu dân cư để tổ chức ngày hội thiết thực và hiệu quả. Chú trọng phát hiện, tôn vinh và biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, các mô hình hữu ích cho cộng đồng... làm cơ sở thu hút, tập hợp và phát huy các giá trị trong tổ chức ngày hội tại địa phương.

Củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, từ việc tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, sự gắn kết của các cộng đồng dân cư được tăng cường, phong trào thi đua yêu nước được phát huy, sức mạnh cộng đồng, sức mạnh đoàn kết được tăng lên. Đó là nền tảng để Phú Yên thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động nói riêng, cũng như phát triển KT-XH nói chung.

Ông La Chí Tùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Sơn Hòa cho hay: MTTQ các cấp thường gắn tổ chức ngày hội với việc tổng kết và triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các hoạt động cụ thể, như xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn; nhất là tổ chức bữa cơm đại đoàn kết được đông đảo cộng đồng dân cư hưởng ứng bởi tạo cơ hội để mọi người cùng giao lưu, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Do đó, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng có ý nghĩa với cộng đồng.

Với hơn 600 khu dân cư, những ngày này, ban công tác mặt trận các khu dân cư tích cực chuẩn bị cho ngày hội. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) cho biết: Bên cạnh ôn lại truyền thống lịch sử văn hóa địa phương, lịch sử MTTQ, báo cáo đánh giá công tác mặt trận trong năm… của phần lễ, ngày hội của khu dân cư sẽ tổ chức các trò chơi dân gian theo truyền thống, phong tục địa phương nên ai cũng háo hức về ngày hội này.

Ghi nhận tại các địa phương cho thấy, việc chuẩn bị tổ chức ngày hội tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đang nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, bao gồm: tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở. Điều đó càng nói lên tầm quan trọng cũng như ý nghĩa đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Những hoạt động thiết thực hướng về cơ sở, hướng về người dân, mà việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là minh chứng rõ nhất bởi sau mỗi ngày hội, tinh thần đại đoàn kết dân tộc thêm một lần được củng cố và lan tỏa, trở thành nền tảng tinh thần, động lực nội sinh giúp khơi dậy niềm tin của Nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, hy vọng rằng, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh sẽ đáp ứng được yêu cầu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. 

Những kết quả và kinh nghiệm quý báu có được trong quá trình vận động, tập hợp nhân dân tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là tiền đề, cơ sở thực tiễn để tiếp tục duy trì, củng cố, đổi mới và ngày càng mở rộng sự kết nối cộng đồng, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững.

Đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Yên

THÚY HẰNG