(Mặt trận) - Chất vấn là một phương thức kiểm soát quyền lực hiệu quả của Quốc hội, thu hút sự quan tâm, chú ý của đại biểu Quốc hội, cũng như của đông đảo cử tri. Để hoạt động chất vấn đạt hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội giữ vai trò quan trọng, quyết định. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn, trước tiên phải nâng cao năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội thể hiện ở năng lực lựa chọn vấn đề chất vấn, năng lực thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trình bày câu hỏi chất vấn, kỹ năng tranh luận, thảo luận tận cùng vấn đề.
Thực trạng năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam
Chất vấn là quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, được ghi nhận trong cả 5 bản Hiến pháp của Việt Nam. Hiến pháp 1992 quy định tại Điều 98: "Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao… Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang trả lời về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm". Hiến pháp năm 2013, Điều 80 quy định về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội tương tự như Điều 98, Hiến pháp năm 1992, nhưng tăng thêm một đối tượng phải trả lời chất vấn nữa là Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội thể hiện ở năng lực lựa chọn vấn đề chất vấn, năng lực thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trình bày câu hỏi chất vấn, kỹ năng tranh luận, thảo luận tận cùng vấn đề... Thời gian qua, nhiều đại biểu đã học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chất vấn của mình thể hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, năng lực lựa chọn vấn đề chất vấn, tìm hiểu và xử lý thông tin
Các chất vấn của đại biểu Quốc hội Việt Nam thời gian qua cho thấy, các đại biểu đã có sự đầu tư công sức để cập nhật các thông tin cụ thể, chính xác, khá phong phú, đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau để đưa ra những nhận định, đánh giá, những yêu cầu cấp thiết, xác đáng. Nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội đã có trọng tâm, trọng điểm, phản ánh được những vấn đề nổi cộm, bức xúc, có nhiều vấn đề vướng mắc, hạn chế trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm. Các chất vấn tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, đất đai, môi trường… cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội với hoạt động nghị trường, giữa ý kiến cử tri với chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Thứ hai, về kỹ năng chất vấn của đại biểu Quốc hội
Cách thức, kỹ năng thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội được nâng lên rõ rệt, câu hỏi chất vấn nhìn chung ngắn gọn, súc tích, nội dung rõ ràng, đề cập đến những vấn đề mang tính vĩ mô, xác định đúng đối tượng chất vấn. Trong thời gian quy định, đa số các đại biểu Quốc hội đã đưa ra chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề quan tâm và đỏi hỏi các thành viên Chính phủ làm rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm người đứng đầu, những giải pháp, thời gian cần thiết để khắc phục. Đa số các chất vấn có chứng minh rõ ràng, lập luận lôgic, lý lẽ thuyết phục. Có đại biểu Quốc hội mang đến Quốc hội cả hình ảnh chụp được khi đang đi thực tế, làm dẫn chứng cho chất vấn của mình khi đề cập đến các công trình giao thông. Một số đại biểu Quốc hội đã kiên trì theo đuổi các nội dung chất vấn của mình qua từng kỳ họp. Tại các phiên họp chất vấn trực tiếp, các đại biểu đã phân tích, trao đổi, tranh luận với người bị chất vấn để phát triển nội dung chất vấn, đi đến tận cùng của vấn đề, làm rõ trách nhiệm cá nhân, đòi hỏi phải có những giải pháp, chủ trương, chính sách, pháp luật để giải quyết thỏa đáng những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong thực tiễn trên tinh thần thực sự chân thành, xây dựng. Mỗi khi thành viên Chính phủ trả lời chất vấn chưa đúng và trúng vấn đề, chưa thỏa đáng, đã có sự tranh luận, đối thoại để đi đến làm rõ vấn đề đặt ra.
Đối với nhiều vấn đề mà người trả lời có dấu hiệu thoái thác trách nhiệm hoặc trả lời lan man sang những vấn đề khác đã bị một số đại biểu truy vấn đến cùng. Ví dụ hoạt động chất vấn tại phiên họp 4, Quốc hội khóa XIII (ngày 21 - 22/8/2012) đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về các vấn đề liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải pháp tổng thể để giải quyết những vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những vụ liên quan đến đất đai, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra. Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Như Tiến đặt câu hỏi: "Vì sao Thanh tra Chính phủ thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng lại rất ít phát hiện được tham nhũng, đặc biệt số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra rất hiếm (chưa đầy 1%)". Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh lý giải "Quá trình thanh tra, khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng thì chuyển sang cơ quan điều tra theo quy chế phối hợp hai bên đã ký kết. Sở dĩ thanh tra nhiều, nhưng phát hiện tham nhũng được ít là do tội phạm tham nhũng tinh vi, phức tạp, là "tội phạm ẩn", đồng thời năng lực, trình độ cán bộ thanh tra còn hạn chế". Không đồng ý với lý giải này, đại biểu Lê Như Tiến truy vấn "Nói tham nhũng tinh vi, phức tạp thì cách đây 10 năm, 20 năm tôi đã nghe rồi. Phải chăng ở đây có vấn đề lợi ích nhóm, bao che, dung túng, chứ không nên chỉ quy cho tội phạm phức tạp với năng lực cán bộ hạn chế". Việc truy vấn của đại biểu được cho là "khơi" đúng suy nghĩ mà nhiều người vẫn hiểu nhưng ngại nói. Chính từ việc tranh luận đã làm rõ không ít vấn đề còn hạn chế, bất cập trong cơ chế chính sách, pháp luật, trong cơ chế điều hành của Chính phủ và bộ, ngành. Trên cơ sở ấy, các nhà làm luật, nhà hoạch định chính sách đưa ra được những quy định đúng thực tế xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công trong thực hiện hoạt động chất vấn, năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội Việt Nam vẫn còn có những hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động chất vấn, cụ thể là:
Về năng lực lựa chọn vấn đề chất vấn và tìm hiểu, xử lý thông tin
Tại một số phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vẫn bắt gặp những câu hỏi không rõ ý hoặc dựa vào dư luận chung, từ những cảm nhận chủ quan của người chất vấn, thiếu thông tin thực trạng, tình hình cụ thể từ các cơ quan, người có trách nhiệm cung cấp chính thức. Nhiều thông tin còn thiếu tính chọn lọc. Còn tồn tại chất vấn không đúng chủ thể có thẩm quyền.
Về kỹ năng thực hiện hoạt động chất vấn
Năng lực của đại biểu Quốc hội để thực hiện hoạt động chất vấn tốt, gồm: năng lực tiếp xúc rộng rãi với cử tri, năng lực nắm bắt nhanh và đúng ý kiến, nguyện vọng của cử tri, năng lực phân tích sâu tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, năng lực tham gia thảo luận, tranh luận tại nghị trường, năng lực trình bày ý kiến một cách rõ ràng, có sức thuyết phục… Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội còn thiếu những kỹ năng này. Thực tế cho thấy, nhiều câu hỏi chất vấn còn dài, nhưng lại không rõ nội hàm, làm cho người bị chất vấn khó trả lời trúng ý người hỏi. Lại có đại biểu hỏi mà như thảo luận kinh tế - xã hội, nói hết cả 7 phút (trong khi quy định chỉ 2-3 phút) mà chưa rõ chất vấn vấn đề gì. Nhiều vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội còn chung chung, chưa xác định vấn đề tốt, khả năng trình bày câu hỏi còn yếu, chưa lôi cuốn sự quan tâm của người nghe.
Việc thiếu kỹ năng chất vấn của một số đại biểu Quốc hội có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là, số lượng đại biểu kiêm nhiệm của Quốc hội nước ta còn nhiều. Nhiều đại biểu Quốc hội vừa là đại biểu của cử tri, vừa là người điều hành hoạt động trong bộ máy nhà nước, do đó sau khi được bầu là đại biểu Quốc hội, họ lại chỉ nặng về công tác chuyên môn, coi nhẹ công tác đại biểu. Có những đại biểu vì quyền lợi của địa phương nên né tránh chất vấn, tranh luận với các thành viên của Chính phủ. Thứ hai là, đại biểu Quốc hội của Việt Nam, tỷ lệ tái trúng cử còn ít, đa phần là đại biểu hoạt động lần đầu. Thông thường 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội nước ta là những người mới. Các đại biểu Quốc hội phải mất một thời gian mới có thể tích tụ được các kiến thức, kỹ năng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó có hoạt động chất vấn.
Giải pháp nâng cao năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội
Thứ nhất, một số yêu cầu về năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội
Năng lực lựa chọn nội dung, tìm hiểu thông tin liên quan đến nội dung chất vấn của đại biểu là rất quan trọng vì nội dung, thông tin trong câu hỏi chất vấn quyết định đến khả năng kiểm soát quyền lực nhà nước của hoạt động chất vấn. Nội dung chất vấn phải là những vấn đề lớn, ở tầm khái quát, vĩ mô hoặc những vấn đề nổi cộm, bức xúc, có tính nghiêm trọng được cử tri, nhân dân quan tâm, những vấn đề đang cần tập trung giải quyết chứ không phải là những vấn đề nhỏ lẻ, cá nhân. Mục đích của chất vấn là buộc những người có trách nhiệm quản lý phải có biện pháp để khắc phục những yếu kém trong vấn đề, nội dung chất vấn được nêu ra. Những vấn đề chất vấn cũng phải thuộc chức năng, quyền hạn và trách nhiệm giải trình của đối tượng chất vấn. Có như vậy thì đối tượng chất vấn mới có thể giải trình, làm rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm về mình và tìm giải pháp khắc phục, từ đó mới đạt được mục tiêu của chất vấn. Mục đích của chất vấn là làm rõ trách nhiệm của người bị chất vấn với kết quả thực hiện các chính sách, quy định pháp luật… của Nhà nước. Do đó, những thông tin mà đại biểu Quốc hội đưa ra làm cơ sở cho câu hỏi chất vấn phải chính xác, tin cậy, cụ thể, không thể từ dư luận xã hội chung chung hoặc do cảm quan nhìn nhận của đại biểu. Những thông tin đó phải thể hiện rõ vấn đề đang xảy ra, đã xảy ra và hậu quả còn ảnh hưởng đến hiện nay hoặc trong tương lại gần thuộc thẩm quyền quản lý của người bị chất vấn. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát hoàn toàn hoặc bắt nguồn từ chính sách quản lý của người bị chất vấn. Từ đó mới có thể yêu cầu người bị chất vấn phải giải trình về nguyên nhân theo hướng khách quan và đưa ra giải pháp khắc phục, yêu cầu rút kinh nghiệm trong hoạt động quản lý, đồng thời đại biểu Quốc hội mới có thể cân nhắc trách nhiệm của người bị chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, các đại biểu cần có kỹ năng thuyết trình, sử dụng ngôn ngữ, diễn giải vấn đề cần hỏi, kỹ năng trình bày ý kiến một cách rõ ràng, có sức thuyết phục. Như vậy thì người bị chất vấn cũng như các đại biểu trong hội trường và người theo dõi có thể hiểu được vấn đề cần chất vấn là gì. Đó là cơ sở để cho người trả lời chất vấn giải trình về nguyên nhân của vấn đề, trách nhiệm cá nhân để xảy ra vấn đề đó cũng như giải pháp khắc phục. Vì vậy, đại biểu Quốc hội cần có kỹ năng tham gia thảo luận, tranh luận tại nghị trường để đi đến tận cùng của vấn đề, buộc người trả lời phải thừa nhận trách nhiệm và đưa giải pháp. Các kỹ năng chất vấn cũng là một yếu tố quan trọng để hoạt động chất vấn đạt mục đích. Do đó, nó cũng là tiêu chí để đánh giá hoạt động chất vấn.
Thứ hai, giải pháp nâng cao năng lực chất vấn của đại hiểu Quốc hội
Một là, chú ý đến năng lực của đại biểu trong quá trình bầu cử và lựa chọn. Năng lực của đại biểu Quốc hội có quan hệ chặt chẽ với đổi mới cơ cấu và thành phần đại biểu Quốc hội. Điều này đòi hỏi cơ chế giới thiệu và tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội cần phải được đổi mới. Việc cơ cấu đại biểu là hoàn toàn cần thiết cũng như cơ chế Đảng cử dân bầu vẫn có ưu thế và tính thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, cần chú ý năng lực và sự tự vận động của người ra ứng cử.
Hai là, tăng số lượng đại biểu chuyên trách cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong thời gian tới, cần tăng cường hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách lên 50%, thậm chí 70% tổng số đại biểu, những người dành toàn bộ thời gian của mình cho hoạt động của Quốc hội. Cùng với việc nâng cao năng lực, trình độ của đại biểu Quốc hội nói chung, cần chú ý coi trọng công tác bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu nói chung và kỹ năng chất vấn nói riêng. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng chất vấn cho đại biểu (kỹ năng đặt câu hỏi và trình bày câu hỏi chất vấn, kỹ năng tranh luận, kỹ năng phân tích chính sách, kỹ năng tạo sức ép dư luận đối với vấn đề chất vấn, kỹ năng giám sát việc thực hiện các vấn đề đã được làm sáng tỏ tại phiên chất vấn.).
Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu Quốc hội, đặc biệt là kỹ năng chất vấn
Công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chất vấn cho đại biểu Quốc hội cũng cần chú ý đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức cho phù hợp với đại biểu Quốc hội, trong khi phần đa vẫn hoạt động kiêm nhiệm. Đồng thời cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của cơ quan phụ trách công tác đào tạo kỹ năng cho đại biểu Quốc hội. Cần chú ý phát triển Trung tâm đào tạo kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội gắn với cơ cấu tổ chức Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện nay, đây là 2 tổ chức không gắn kết với nhau mà tương đối độc lập trong tổ chức hoạt động (là 2 tổ chức thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Nếu gắn 2 trung tâm này với nhau sẽ là cách thức gắn nghiên cứu khoa học với thực thi, nghiên cứu khoa học với trau dồi kỹ năng.
Năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, hiệu lực của hoạt động chất vấn. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực chất vấn của đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ quá trình chuẩn bị bầu cử đến quá trình hoạt động của Quốc hội và từ sự nỗ lực rèn luyện, trau dồi của bản thân mỗi đại biểu Quốc hội.
Vũ Thị Hồng Trang* - Cao Thị Thu Trang*
Thạc sĩ, Học viện Chính trị khu vực I