Nâng cao hiệu quả hoạt động ban công tác Mặt trận ở khu dân cư

(Mặt trận) -Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có vai trò trực tiếp vận động, tập hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

 Các mô hình hay, hiệu quả do Ban Công tác Mặt trận thôn Khuân Bang, xã Như Cố (Chợ Mới) phối hợp tổ chức thực hiện đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của người dân (Ảnh: Nhiều hộ dân ở Khuân Bang có thu nhập khá từ cây chè).

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.310 Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Mỗi ban công tác Mặt trận ở khu dân cư có nhiệm vụ hết sức quan trọng và mang yếu tố quyết định là tuyên truyền, vận động, tổ chức để Nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, các ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã tích cực phối hợp với trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, các tổ chức hội, đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động Nhân dân; trực tiếp tham gia giải quyết những vướng mắc nảy sinh ở địa bàn dân cư; thu thập, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri và Nhân dân với cấp ủy, chính quyền và Uỷ ban MTTQ Việt Nam cấp xã. Động viên, hướng dẫn Nhân dân giám sát hoạt động của đại biểu dân cử, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cư trú trên địa bàn khu dân cư. Phối hợp thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia hòa giải ở cộng đồng dân cư; thực hiện quy ước, hương ước của khu dân cư.

Qua thực tế cho thấy, ban công tác Mặt trận ở khu dân cư đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động được phát động ở địa phương. Trong đó, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Đoàn kết sáng tạo”.

Bên cạnh đó, ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động chung gắn với các mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát huy tình đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân rộng, như: “Khu dân cư hài hòa xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường”; “Khu dân cư sáng, xanh, sạch đẹp”; “Khu dân cư không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”…

Các phong trào thi đua do ban công tác Mặt trận phát động, triển khai đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Có thể kể đến như, Ban Công tác Mặt trận thôn Khuân Bang, xã Như Cố (Chợ Mới) duy trì hiệu quả các mô hình: “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Hộ an toàn, thôn bản bình yên”, “Chi hội Nông dân đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông”. Các mô hình này được gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tác động tích cực đến nhận thức, hành động của người dân. Các hộ dân đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đưa những cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều hộ có thu nhập khá từ trồng rừng, trồng chè, dưa lê, dưa hấu… Kinh tế phát triển nên đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. Kết thúc năm 2021, Khuân Bang có 96,7% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, toàn thôn có 16/61 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa” 03 năm liên tục; thôn đã hơn 10 năm được công nhận “Khu dân cư văn hóa”, thu nhập bình quân đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cũng cho thấy, hoạt động của ban công tác Mặt trận ở khu dân cư vẫn còn một số mặt hạn chế, như: Công tác tham mưu cho chi ủy, chi bộ lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động ở một số nơi còn chưa cụ thể; ban công tác Mặt trận một số nơi chưa kịp thời nắm bắt, kiến nghị và phối hợp giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; việc thực hiện cơ chế giám sát chỉ dừng lại ở mức độ “theo dõi - phát hiện”, nội dung kiến nghị còn chung chung, chưa theo sát việc giải quyết của các cơ quan liên quan đến nội dung đã kiến nghị…

Từ kết quả đạt được và những mặt hạn chế còn tồn tại, để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, của chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể từ xã, đến cấp thôn/tổ. Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ thôn, tổ dân phố đối với hoạt động của Ban công tác Mặt trận. Thường xuyên kiện toàn ban công tác Mặt trận ở khu dân cư, trong đó chú trọng thành phần là người có uy tín tiêu biểu, người có thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã cần tăng cường công tác hướng dẫn hoạt động, thường xuyên tập huấn cho trưởng ban và các thành viên ban công tác Mặt trận ở khu dân cư. Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư cần chú trọng xây dựng quy chế hoạt động có sự phân công cụ thể cho các thành viên; chú trọng triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, phát huy vai trò tích cực của các tập thể, cá nhân điển hình, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo; động viên mỗi cá nhân, từng gia đình trong phong trào tự quản và tương thân, tương trợ giúp đỡ nhau, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng./.

H.V