Mùa xuân đầu tiên ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Tròn 30 năm kể từ ngày xảy ra trận hải chiến Gạc Ma, Trường Sa, nhưng đến nay, nhiều liệt sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn chưa tìm được thi thể.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma nhìn từ trên cao.

Các anh đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, song thể xác vẫn còn mãi nằm lại với lòng biển lạnh. Nhưng đến bây giờ, tháng 3 không còn là nỗi khắc khoải ngóng chờ của những người mẹ, người vợ của họ, thay vì đó họ hẹn nhau cùng đến viếng thăm hoặc ngưỡng vọng về Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) - công trình được xây dựng bởi sự đóng góp của cán bộ công nhân viên chức lao động, các nhà hảo tâm, đồng bào trong và ngoài nước…

Công trình từ triệu tấm lòng

Biển có thể xoá nhoà mọi dấu vết, song không thể xoá đi những ký ức về những con người quả cảm của Tổ quốc. Nhất là khi tên các anh, chiến tích của đồng đội đã được khắc lên bia đá, dựng thành tượng đài. Không chỉ thân nhân các gia đình liệt sỹ, các cựu binh Gạc Ma, mà đầu tháng 3 năm nay, rất đông các bạn trẻ đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thăm quan, ghi lại những dòng cảm xúc tri ân trong trang lưu niệm.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh lịch sử nào, hình ảnh những người con nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cho tổ quốc đều đi vào bất tử trong lịch sử dân tộc. Song, bên cạnh những vinh dự to lớn về sự hy sinh quả cảm vì tổ quốc, dân tộc, vì sự toàn vẹn lãnh thổ của các anh, thì vẫn còn đó nhiều quân nhân khó khăn vất vả trong cuộc mưu sinh sau ngày trở về, nhiều gia đình thân nhân họ còn cơ cực trong cuộc sống cho đến ngày hôm nay...

Chính vì vậy mà từ tháng 3.2014, Tổng LĐLĐVN, Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm Lòng Vàng Lao Động phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”. Thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện, lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, giáo dục ý thức tự hào lịch sử dân tộc và phát huy truyền thống gìn giữ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của những thế hệ cha ông.

Với mục đích xây dựng 1 tượng đài trong quần thể 1 công viên văn hóa tâm linh, nhằm tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển đảo quê hương Việt Nam, tri ân và tôn vinh 64 liệt sỹ đã hy sinh và những quân nhân còn sống sót trong trận hải chiến Gạc Ma - Trường Sa, thăm hỏi và hỗ trợ thân nhân và gia đình các liệt sỹ Trường Sa… Với nhiều mục đích hết sức ý nghĩa như vậy, nên vừa phát động, chương trình đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ đồng bào cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn CĐCS trong cả nước đồng tình hưởng ứng chương trình, hàng trăm nghìn đoàn viên lao động và nhân dân chung tay “góp những viên đá” xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Tháng 3.2015, viên đá đầu tiên của công trình đã được đặt nền móng. Sau 3 năm phát động, quyên góp xây dựng thì Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã hình thành từ hàng triệu người “góp đá”. Tôi không quên cảm xúc đến nghẹn ngào khi tiếp nhận hơn 10 triệu đồng từ những con heo đất các em học sinh Trường tiểu học Vạn Thạnh (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) ủng hộ chương trình. Hay số tiền 10 triệu đồng lương hưu ít ỏi của bà Nguyễn Thị Mười (TPHCM) để dành trong hơn 2 năm gửi cho quỹ để xây nhà cho chiến sĩ Gạc Ma và chăm lo cho thân nhân các liệt sĩ... Tôi không quên bởi vì ý nghĩa khi xây dựng tượng đài này cũng nhằm nhớ về lịch sử, hướng tới tương lai, thắp sáng tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc thì bây giờ đã thành hiện thực.

Ngày 27.7.2017, công trình Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma chính thức khánh thành giai đoạn 1 với các công trình chính gồm: Cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, khu bia mộ gió, khu bảo tàng ngầm. Ngày khánh thành, gần 300 thân nhân, đồng đội, cựu binh 64 gia đình liệt sĩ đã có mặt ở đây. Cụ Hà Thị Liên (92 tuổi, trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) - mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương nghẹn ngào nhìn di ảnh con cùng đồng đội đã được tạc trên dòng bia mộ gió, bà ôm ngực, lặng người: “Các con đã được lo chốn đi về, tôi cũng yên lòng”.

“Check in” ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Lần theo thanh công cụ tìm kiếm qua mạng facebook và google, chúng tôi ngạc nhiên bởi con số bạn trẻ trong và ngoài nước tìm đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hơn 150.000 người. Theo Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, từ ngày 16.7.2017 đến ngày 15.2.2018, khu tưởng niệm đã đón 250 đoàn với 23.300 lượt khách đến viếng. Trong đó, đoàn có số lượng nhiều nhất là 1030 người của Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (TPHCM). Đặc biệt, có 4 đơn vị tổ chức Lễ kết nạp Đảng viên, 3 đoàn tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên Đoàn TNCSHCM và nhiều đoàn đến sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Đặc biệt hơn, nhiều bạn trẻ đã tìm đến đây để chụp hình cưới. Các công ty du lịch cũng chọn Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình đưa du khách tham quan khám phá xứ trầm, biển yến. Ban quản lý đã tiếp nhận 32 chiếc ghế đá, 4 chậu cây cảnh, 115 triệu đồng tiền công đức do các tổ chức, cá nhân đóng góp cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Số tiền trên được theo dõi và mở sổ sách theo đúng quy định và nộp về LĐLĐ tỉnh.

Góp phần làm cho Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thêm đẹp đẽ, LĐLĐ tỉnh Tiền Giang đăng ký trao tặng 2 tủ thờ vào ngày 14.3.2018. Ngoài việc tổ chức lễ tưởng niệm cho các đoàn đến viếng, ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã có đề xuất và được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đồng ý cho tổ chức lễ tưởng niệm định kỳ vào ngày rằm, mùng một (âm lịch) hàng tháng. Tết nguyên đán Mậu Tuất, ban quản lý đã tổ chức lễ tưởng niệm trang trọng theo phong tục truyền thống của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho biết, Sở Du lịch dự kiến đưa Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma vào tour, tuyến du lịch của tỉnh nhằm tạo điểm đến cho du khách trong nước và quốc tế về sự kiện lịch sử quan trọng này. “Kế hoạch đưa vào vận hành khai thác điểm du lịch này như thế nào thì chúng tôi đang chờ LĐLĐ tỉnh trả lời” - bà Thanh cho biết.

Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, khi nào công trình chính thức đi vào hoạt động, tỉnh có chủ trương và giao cho đơn vị nào quản lý, khai thác thì lúc đó, Sở Du lịch sẽ thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp biết để họ có kế hoạch. Hướng dẫn viên Quang Dũng (Cty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist) cho biết, anh đã nhiều lần đưa du khách đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.

Với lòng thành kính tri ân, tưởng nhớ các chiến sĩ, gần như lần nào du khách cũng giành 1 phút mặc niệm trước khi dâng hương tại nơi đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng công trình và cụm tượng đài chính. Hình ảnh người chiến sĩ dưới bàn tay của các nghệ nhân tạc tượng Ninh Bình được tái hiện rất có hồn. Khi đến, nhiều người xúc động rơi nước mắt, khi rời khỏi ai nấy đều lưu luyến, bịn rịn. Đặc biệt là du khách nước ngoài, họ vô cùng cảm phục tinh thần gìn giữ non sông đất nước của người Việt thông qua công trình nhân văn này.

Sau khi tiếp nhận bàn giao công trình từ Tổng LĐLĐ VN, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa đã thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý, bảo quản cơ sở vật chất tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, đồng thời kịp thời đề nghị các nhà thầu thi công công trình khắc phục, sửa chữa các hư hỏng về điện, nước và các hư hỏng do bão số 12 gây ra. LĐLĐ tỉnh cũng đã kịp thời hợp đồng khoán việc chăm sóc cây xanh toàn khu với số tiền 10 triệu đồng/tháng cho đến khi hoàn thành việc thi công hệ thống tưới nước tự động.

Sau hơn 7 tháng đi vào hoạt động, cơ sở vật chất, cây xanh của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được chăm sóc, bảo dưỡng đạt yêu cầu. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh, vệ sinh toàn khu sạch, đẹp. Qua sổ lưu niệm, có thể thấy, du khách và các đoàn đến viếng đều xúc động, vừa lòng.