(Mặt trận) - Làng Triều Khúc (Thanh Trì – Hà Nội) xưa kia có tên gọi là Đơ Thao hay Kẻ Đơ. Hiện, làng còn lưu giữ nhiều văn hóa cổ của Thăng Long ngàn năm văn hiến. Một trong những văn hóa đặc sắc còn lưu giữ đến ngày nay, đó là múa bồng.
Múa Bồng tại Hội làng Triều Khúc năm 2017. Ảnh: Bình Minh
Múa bồng có từ bao giờ?
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, múa bồng xuất hiện cách đây 7 - 8 thế kỷ; theo tài liệu lịch sử còn lưu giữ năm 791, khi vua Phùng Hưng đem quân đi giải phóng thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) để dẹp ách đô hộ của nhà Đường. Trên đường đi nhà vua cho quân đóng tại Triều Khúc. Để động viên tướng sĩ đánh trận, dân làng Triều Khúc biểu diễn múa bồng cho vua Phùng Hưng và tướng sĩ xem. Trận chiến đó quân ta thắng lớn, nhân dân tôn vua Phùng Hưng là Bố Cái Đại vương và cũng từ đó, múa bồng trở thành điệu múa truyền thống không thể thiếu được trong các nghi lễ sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng Triều Khúc.
Trong một lần về Triều Khúc, tôi được gặp một người mang nhiều đam mê nghiên cứu múa bồng, đó là thầy Nguyễn Duy Huệ, Hiệu trưởng trường THCS Tân Triều. Thầy Huệ tốt nghiệp chuyên ngành Văn và làm nghiên cứu sinh về Quan hệ quốc tế, nhưng văn hóa nông thôn, văn hóa truyền thống như mạch nước ngầm luôn trở về thôi thúc thầy tìm hiểu, nghiên cứu để gìn giữ và phát triển vôn văn hóa quý giá ấy; thầy Huệ cho biết: múa Bồng có 36 thế múa, trong đó có hai thế múa chủ đạo: vuông - tròn luôn đi với nhau, hài hòa, quấn quýt, nương tựa vào nhau xuyên suốt từ đầu đến cuối điệu múa. Theo thuyết âm - dương, thì vuông tượng trưng cho trái đất, tròn tượng trưng cho trời. Thế múa vuông - tròn tạo nên tính chất phồn thực của điệu múa, thể hiện ước muốn của cư dân văn hóa nông nghiệp là con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
Từ đặc sắc múa bồng Triều Khúc
Múa Bồng có mặt ở nhiều làng quê, như: Thụy Khuê, Thủ Lệ, Nhật Tân, Hào Nam, Cầu Đơ (Lệ Mật), Đa Hòa… Tuy nhiên, ở mỗi địa phương múa bồng mang những đặc trưng khác nhau. Cũng với trang phục rực rỡ, quần trắng, áo the, yếm lá sen, thắt lưng nhiễu hồng, đầu chít khăn mỏ quạ đỏ; người múa thì má phấn môi son, mắt lúng liếng… nhưng ở Triều Khúc người múa là trai giả gái. Giải thích về điều này, thầy Huệ cho biết: do là điệu múa thờ, diễn ra trong các điện thờ thần linh, mà lễ giáo phong kiến lại kiêng không cho phụ nữ vào chốn tôn nghiêm, nên người múa bồng phải là trai giả gái - Chính điều này lại tạo nên đặc sắc của múa bồng Triều Khúc.
Ở Triều Khúc, cứ vào những ngày lễ hội của làng, người xem hội được thấy từng cặp trai giả gái trong trang phục rực rỡ, đứng múa trong tư thế đối xứng nhau. Trong tiếng trống náo nhiệt, tiếng thanh la rộn rã, người múa đưa các động tác uốn tay khéo léo theo hình hoa, khi thì lượn xuống vuốt trống, khi vung lên cao đầy khoáng đạt. Rồi những bước đi đánh ngang, xoay vòng, những bước chân nhún nhảy khi khum gối, sải chân. Ánh mắt thì lẳng lơ, lúng liếng… gợi nhiều ý nghĩa.
“Tôi đã đi đến nhiều làng quê xem múa bồng và ghi hình từng động tác múa, mới thấy múa bồng Triều Khúc mang những đặc sắc riêng, rất khác biệt”; Chẳng hạn như ở Cầu Đơ (Lệ Mật) từng đôi nam nữ đủ các lứa tuổi (từ thiếu niên đến những người già) đi thành 2 hàng song song, vừa rước lễ vừa biểu diễn múa. Cũng vẫn là xoay vòng các động tác, nhưng bàn tay chụm vào mang tính thành kính. Ở Nhật Tân thì múa bồng lại là nữ với điệu múa khoan thai, nhẹ nhàng, duyên dáng. Còn ở Triều Khúc là những động tác múa đầy mạnh mẽ, phóng khoáng của những chàng trai giả gái, nhất là khi người múa dựa lưng vào nhau và lắc, mình uốn lượn mang ý nghĩa thụ hưởng niềm hạnh phúc…” - vừa giảng bài, tay thầy vừa rê rê phím chuột trên chiếc laptop chứa đầy tư liệu về múa bồng để minh chứng cho tôi xem, đôi mắt thầy Huệ ánh lên niềm say mê.
Múa bồng Triều Khúc được giới nghiên cứu đánh giá cao về giá trị nghệ thuật; do vậy, đội múa nghiệp dư của làng đã có mặt ở nhiều sự kiện văn hóa lớn, như: Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp, Hội nghị APEC lần thứ XIV, Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội đón Xuân Kỷ Sửu 2009. Múa bồng Triều Khúc cũng là một trong chín điệu múa cổ biểu diễn trong ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Múa bồng có thể xem là báu vật của dân làng Triều Khúc. Từ xa xưa đến nay, các nghệ nhân múa bồng Triều Khúc không truyền cho con gái, cũng không truyền cho người ngoài làng. Người được chọn vào múa bồng phải là con nhà có giáo dục, ngoan ngoãn, lễ giáo; có gương mặt khôi ngô, cơ bắp dẻo dai, có tài nhảy múa; đặc biệt phải say mê với múa bồng. Chính vì vậy, chọn được một người hợp với múa bồng rất lâu và đào tạo cũng lắm công phu. Người múa phải thuộc lòng 36 thế múa, vừa sử dụng linh hoạt, uyển chuyển theo tiếng thanh la, trống, vừa nhập tâm, thể hiện thần thái điệu múa (từ các động tác múa, đến biểu diễn khuôn mặt).
Tính đến nay, người theo nghiệp múa bồng chỉ tính trên đầu ngón tay. Từ người theo múa lâu năm nhất là cụ Bùi Văn Tốt, đến thế hệ thứ hai là ông Vạn Thúy, ông Sim, ông Vũ Văn Đông, ông Triệu Đình Hồng thì nay tuổi đã cao và đến thế hệ ngày nay, như: anh Cao Duy Tiện, Bùi Văn Đạt…
Ông Triệu Đình Hồng, người thể hiện thành công nhất múa bồng hiện nay và là người trực tiếp phụ trách đào tạo múa bồng cho thế hệ trẻ làng Triều Khúc, cho biết: “Dù khó khăn, vất vả, thời gian qua, làng đã đào tạo được hơn 10 cháu và hiện đã đưa đi biểu diễn. Nhưng việc các cháu có gắn bó lâu dài hay không thì chưa thể chắc chắn, bởi múa bồng cũng chỉ là nghiệp dư, khó đảm bảo cuộc sống”. Đó là nỗi lo lắng của người hơn 30 năm “ăn cơm nhà vác tù và… múa bồng”, mê múa bồng hơn hết thảy mọi thứ trên đời.
Đến ý tưởng “Du lịch lễ hội”
Múa bồng lưu truyền trong dân gian và tồn tại đến ngày nay, thể hiện sức sống mãnh liệt của nó trong dòng biến chuyển chung của văn hóa Thăng Long. Đã có lúc múa bồng đi vào khúc ngoặt, tưởng như thất truyền. Nhớ lại những ngày này, ông Hồng nói: “Đó là vào những năm 1978 - 1979, đời sống kinh tế khó khăn; người làng Triều Khúc dạt đi khắp nơi để còn lo làm ăn, nên múa Bồng đành gác lại”. Nhưng có một người chẳng dám xa quê nhà, làm tất cả mọi việc có thể, từ hoạn lợn, đánh trống thổi kèn cho phường bát âm… để nuôi gia đình và níu lấy múa bồng Triều Khúc, đó là ông Triệu Đình Hồng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nếu tiếp tục để múa bồng phát triển theo cách tự nhiên thì điệu múa này sẽ có nguy cơ mai một. Những người giữ lửa múa bồng như ông Hồng, ông Đông đều đã “về chiều” và cũng đâu còn nhiều, thế hệ tiếp nối thì như “tìm kim đáy bể”. Đào tạo nhiều, nhưng lưu giữ lại không được bao nhiêu, bởi cuộc sống mưu sinh khiến trai làng tản đi nhiều vùng miền để làm ăn. Đến giờ, người mà ông Hồng hy vọng có thể gửi gắm báu vật múa bồng là anh Bùi Tiến Đạt - cháu họ cụ Bùi Văn Tốt. Đạt mê múa bồng từ nhỏ, đến năm 18 tuổi thì được ông Hồng trực tiếp truyền dạy. Đạt đã lấy vợ ở quê, điều đó khiến ông Hồng sung sướng, bởi như vậy “cu cậu sẽ không đi đâu nữa” sẽ ở làng để cùng ông giữ lửa múa Bồng. Và thật đáng mừng, ngoài những buổi tập và diễn múa bồng, Đạt còn làm nghề bốc thuốc nhuộm cho một xưởng dệt tư nhân trong làng để có kinh tế chăm lo gia đình.
Những giá trị văn hóa và lịch sử của múa bồng Triều Khúc đã được khẳng định, nhưng giữ gìn và lưu giữ văn hóa cổ quý giá ấy như thế nào vẫn còn nhiều gian nan. Từ năm 2006, Dự án khôi phục các điệu múa cổ của Hà Nội đã được Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội triển khai. Nhiều phương án được đưa ra, như dùng đội múa chuyên nghiệp rồi dạy họ múa theo các điệu múa cổ, nhưng như thế không thể hiện được thần thái của nó. Múa cổ nói chung và múa bồng Triều Khúc nói riêng chỉ có thể là đúng nó khi được chính những con người sinh ra từ đấy, lớn lên trong tiếng thanh la, tiếng trống của hội làng… mới thể hiện hết được cốt của nó. Bởi văn hóa ấy đã là phần hồn của làng xã. Nhưng để tìm các nghệ nhân, quy tụ những người có khả năng theo học, rồi mở lớp đào tạo, nuôi dưỡng… đòi hỏi công sức và nguồn kinh phí lớn, trong khi ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn.
Hiện, các cơ quan quản lý đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức Liên hoan múa cổ Thăng Long – Hà Nội, là bước khởi đầu cho việc phục hồi múa cổ ở các làng xã Hà Nội. Liên hoan là sự tụ hội trình diễn của các nghệ nhân và các diễn viên không chuyên của chính các làng xã, đã tô đẹp thêm bức tranh nhiều màu sắc của văn hóa Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Ở góc độ nghiên cứu cá nhân, thầy Nguyễn Duy Huệ trăn trở: “múa bồng Triều Khúc cùng với các điệu múa cổ Thăng Long – Hà Nội muốn duy trì và phát triển bền vững cần phải gắn với du lịch, tạo thành sự liên hoàn Du lịch – Văn hóa lễ hội. Du lịch đưa bước chân du khách tới thưởng thức những giá trị văn hóa truyền thống không đâu có được và ngược lại Văn hóa lễ hội tạo nên sức hấp dẫn, níu chân du khách”. Không chỉ nằm trong ý nghĩ, mà thầy Huệ đã bắt tay vào viết giáo trình Du lịch đồng bằng sông Hồng và giảng dạy trong các trường du lịch. Từ những quan sát thực tế cuộc sống, từ những chuyến du lịch ra nước bạn và chính thầy lại đưa những người bạn quốc tế đi thăm thắng cảnh đất nước mình, thầy nghiệm ra một điều văn hóa truyền thống có sức hút đặc biệt với du khách. Chẳng hạn, như: Hội làng Lệ Mật, những người bạn phương Tây của thầy đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tham gia vào không gian lễ hội, thấy người dân đội 13 mâm lễ vật tượng trưng cho lòng thành của con cháu 13 ấp Thăng Long xưa về đình làng để dâng hương. Truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đó thể hiện trong dân gian mà ở các nước phát triển không thể gìn giữ được. Rồi múa rồng ở Hội Đình Nhật Tân; thi thả thơ, hát ca trù ở Hội Đình Vẽ; hát trống quân ở Hội làng Thượng Phúc…
Giáo trình “Du lịch đồng bằng sông Hồng” của thầy Huệ thể hiện một không gian Du lịch - Văn hóa lễ hội với tất cả những giá trị văn hóa độc đáo của Thăng Long - Hà Nội được đưa vào các tour du lịch. Nếu thực hiện được, Văn hóa lễ hội sẽ có hướng để phát triển và chắc chắn Du lịch - Văn hóa lễ hội ấy sẽ làm háo hức không chỉ du khách quốc tế mà còn cả trong nước, bởi những báu vật ấy đâu phải nhiều người đã biết và được thưởng thức nó.
Đặng Hồng Vân