MTTQ các cấp trong cuộc chiến chống ma túy, bảo vệ an ninh cộng đồng vùng Tây Bắc

(Mặt trận) - Những thập kỷ gần đây, tệ nạn ma túy ở nước ta có xu hướng gia tăng. Đáng lo ngại nhất là những người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) ngày càng nhiều, gây hậu quả khôn lường cho cộng đồng xã hội. Một trong những “điểm nóng” ma túy ở nước ta, đó là vùng Tây Bắc.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Những điều kiện khách quan và chủ quan khiến Tây Bắc trở thành “chảo lửa” của tệ nạn ma túy

Về mặt tự nhiên

Tây Bắc là một vùng phức hợp của những bồn địa lớn, nhỏ nằm xen kẹt giữa các dãy núi cao có địa hình hiểm trở, đường biên giới dài tới 1.098 km, trong đó có 620 km đường biên của 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên giáp với các tỉnh Hủa Phăn, Phong Xa Lì và Luông Pha Băng của Lào và 478,5 km đường biên của tỉnh Lai Châu và Lào Cai giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) nên việc mua bán vận chuyển ma túy dễ dàng, mà việc kiểm soát của cơ quan chức năng lại rất khó khăn. Tại Sơn La, với 250km đường biên giới, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, dân trí thấp lại rất gần tam giác vàng, nên tỉnh này được các đối tượng buôn bán ma túy chọn làm “căn cứ địa hoạt động”. Riêng tuyến đường biên này quan trọng có tới 2 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu quốc gia và 6 cửa khẩu địa phương. Cộng đồng dân cư ở các khu vực biên giới thường sống khá co cụm, biệt lập… nên khó thâm nhập và kiểm soát.

Về mặt xã hội: 

Tất cả những khó khăn, thuận lợi của tự nhiên đều trực tiếp tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng. Tây Bắc có gần 20 dân tộc thiểu số với tổng dân số 82.069.8 người (TCTK, 2009). Tuy nhiên, tổng hợp của Ủy ban dân tộc và nghiên cứu đều cho thấy, đây là các dân tộc thiểu số có tỷ lệ nghèo cao và có tới 50% dân tộc thiểu số có xếp hạng chỉ số phát triển con người (HDI) dưới mức trung bình. Đặc biệt, một số cộng đồng trong vùng, như: H’Mông, Mảng, La Hủ, Si La, là các dân tộc thiểu số đứng vị trí thấp nhất trong 54 dân tộc thiểu số trong cả nước.

Một nguyên nhân khác của việc gia tăng tệ nạn ma túy trong cộng đồng dân cư Tây Bắc là do: “Người dân tộc gốc ở đây có mối quan hệ đồng tộc rất sâu sắc với người H’Mông ở Lào và Trung Quốc. Vì vậy, người dân thường hay di cư tự do, xuất cảnh trái phép đi chơi, thăm bạn bè và khi về thì mang, xách ma túy theo cho cộng đồng sử dụng và buôn bán xuyên biên giới theo kiểu nhỏ lẻ”1.

Bản thân người dân nơi đây đã có tập quán trồng và hút thuốc phiện từ lâu đời. Hầu hết những người nghiện thuốc phiện vùng Tây Bắc có trình độ văn hóa và kinh tế đều rất thấp: có từ 10 đến 30% người nghiện là không biết chữ; từ 30 - 50% số người nghiện là thành viên các gia đình thuộc diện đói nghèo. Đây là khó khăn, thách thức lớn đối với công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện tại các tỉnh vùng Tây Bắc.

Về điều kiện kinh tế của cộng đồng

Ở vùng Tây Bắc đồng bào chủ yếu vẫn sản xuất nông nghiệp phương thức truyền thống, tự cung tự cấp; chăn nuôi theo hộ gia đình, làm một số nghề thủ công, thực hiện nhiều hình thức chiếm đoạt các nguồn lợi tự nhiên sẵn có trong rừng. Ở một số vùng đã xuất hiện việc trồng cây công nghiệp, trồng cây ngô và lúa giống mới, mở rộng chăn nuôi đại gia súc và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, tập quán trồng trọt ở các vùng thung lũng, vùng rẻo cao vẫn là cách làm ăn này chủ yếu đã tồn tại qua hàng nghìn năm canh tác của họ, trong đó có cả cây thuốc phiện1.

Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, dân trí thấp, chưa nhận thức đầy đủ về hiểm họa của ma túy là trực tiếp dẫn đến cái chết, cho nên chỉ cần nghe kẻ xấu dụ dỗ là bà con nghe ngay và làm theo, hi vọng sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Nhiều đối tượng mua hàng về nghiền ra, trộn thêm hóa chất, rồi đóng lại thành bánh, làm như vậy lợi nhuận sẽ tăng gấp rưỡi. Điều đó dẫn đến tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở các tỉnh Tây Bắc đang diễn biến rất phức tạp trên cả 3 lĩnh vực: mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tái trồng cây thuốc phiện và tình trạng sử dụng và nghiện ma túy.

Tình hình sử dụng ma túy trong cộng đồng vùng Tây Bắc 

Hiện, Tây Bắc có 4,5 triệu người, chiếm 4,83 % dân số cả nước, tuy nhiên số người nghiện ma túy trong vùng lại chiếm tới 27,2% số người nghiện ma túy của cả nước. Tỷ lệ người nghiện ma túy trong khu vực này là 291 người/100.000 dân. Đặc biệt, một số tỉnh Tây Bắc có tỷ lệ người nghiện trên 10.000 dân như: Điện Biên (1.248 người, gấp 7,1 lần so với tỷ lệ chung của cả nước), Sơn La (986 người, gấp 5,6 lần), Lai Châu (684 người, gấp 3,9 lần), Lào Cai (489 người, gấp 2,8 lần) và Bắc Kạn, Yên Bái (381 người, gấp 2,2 lần)2. Điều đáng buồn, tại một số tỉnh như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… lực lượng chức năng còn phát hiện giáo viên, cán bộ, viên chức cũng nghiện ma túy. Tại các địa phương này, tỷ lệ tái nghiện cao (70- 80%), cũng là tuyến nóng bỏng nhất nước về ma tuý thẩm lậu từ ngoài vào. Các ''điểm nóng'' là khu vực giáp cửa khẩu Pa Háng (Mộc Châu), Cò Nòi (Mai Sơn), Chiềng Khương (Sông Mã - Sơn La), Tây Trang (Điện Biên), Mường Lát, Quan Sơn - Thanh Hóa…3.

Ở Tây Bắc đang có xu hướng trẻ hóa độ tuổi nghiện ma túy, có tới hơn 70% người nghiện ma túy ở Tây Bắc dưới 35 tuổi. Trong đó có những địa phương tăng khá cao, như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La... Sự gia tăng số người nghiện và tội phạm ma túy ở Tây Bắc không chỉ do những điều kiện tự nhiên và mối quan hệ dòng họ trong nội bộ các tộc người.

Sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình, buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái hay nuông chiều thái quá, để giao du, chơi bời quá trớn, bị đối tượng xấu lôi kéo vào con đường nghiện ngập và bị trói chặt vào đó.

Hệ lụy của tệ nạn ma túy đối với cộng đồng dân cư các tỉnh Tây Bắc

Gia tăng những “người bệnh, người không có khả năng lao động” hoặc người chết trẻ ở cộng đồng

Ở Sơn La có tới gần 2% dân số nằm trong tuổi lao động, nhưng đã hoàn toàn mất khả năng lao động. Nhiều người trong số họ vẫn biết nghiện thuốc phiện là sẽ dẫn đến cái chết trắng, nhưng họ không chống lại được sự cám dỗ của ma túy. Vì vậy, cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Bắc vốn đã có tuổi thọ không cao, nay càng thấp (số người tử vong do ma túy hầu hết từ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi và ngày càng trẻ hóa).

Tây Bắc cũng có những mảnh đất “cạn kiệt con trai” như khu vực: xã Tân Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Trên ba địa bàn nhức nhối về ma túy nhất của Hòa Bình cũng như Tây Bắc nói chung là : Hang Kia, Pà Cò, Lóng Luông, Tân Sơn như một mắt xích để nối những khu vực nguy hiểm này. Xã Tân Sơn có khoảng 200 hộ dân, nhưng đến thời điểm này, mỗi thôn trung bình cứ 10 hộ lại có một hộ “dính” đến ma túy và có thôn chỉ còn lại… 7 đàn ông. Ở Tân Sơn hiện nay, nhiều gia đình có 4 - 5 con trai khỏe mạnh, lành lặn, nhưng khi “cơn lốc” ma túy đến, tất cả họ đều bị cuốn vào và làm tiêu tan tài sản gia đình. Thực trạng trên là một cảnh báo cấp thiết về sự suy giảm chất lượng và số lượng dân số, từ đó dẫn đến sự khánh kiệt nguồn nhân lực của địa phương.

Nhiều gia đình đi đến khuynh gia bại sản

Tây Bắc là vùng nghèo nhất cả nước, cuộc sống các cộng đồng ở Tây Bắc vốn đã rất khó khăn, nay còn trở nên khánh kiệt bởi ma túy. Khi mắc nghiện, người nghiện không chỉ mất khả năng lao động, chăm sóc gia đình, mà trở thành gánh nặng cho các gia đình.

Có hàng ngàn gia đình giống như gia đình ông Lý Nhà Sở, bản Ngải Thầu 1, tỉnh Sơn La. Khi người đàn ông trong gia đình vướng vào nghiện thuốc phiện, mọi thành quả lao động của cả gia đình gây dựng dần tan theo những cơn nghiện với tần suất ngày càng dày lên. Đến nay, tài sản của gia đình ông chỉ là túp lều dột nát, chiếc giường với chăn màn cũ kỹ và mấy chiếc xoong, nồi méo mó. 10 đứa con sinh ra thiếu sự chăm sóc, yêu thương của bố mẹ nên đứa nào cũng còi cọc, chậm lớn. Kinh tế gia đình khánh kiệt vì ma túy nên khi con cái ốm đau, bệnh tật. Vì thế, 6/10 đứa con đã mất khi còn rất nhỏ tuổi không có tiền chữa trị.

Những đứa trẻ sinh ra không có tương lai

Rất nhiều đứa trẻ được sinh ra tại một số địa phương giữa lòng chảo ma túy, nhưng không có người nuôi dưỡng và không có tương lai. Bố mẹ chúng nghiện ma túy, chúng được sinh ra, lớn lên mà không có tương lai. Nhiều đứa trẻ đã phải bỏ học để làm trụ cột gia đình ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Ở tuổi thiếu niên, chúng phải vừa làm chị, vừa phải “làm mẹ” của lũ em nhỏ, nhặt nhạnh rau cháo trong rừng ăn qua ngày, lúc nào cũng chỉ có một chờ đợi bao giờ có gạo để ăn. Đến Tân Sơn, nỗi đau lớn nhất còn lại ấy là những đứa trẻ côi cút vì bố mẹ chúng bị tù đầy, bị chết vì ma túy. Những đứa trẻ ấy đều đang trong độ tuổi non nớt, nhưng đều thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ, mỗi đứa dạt về một nơi quen biết để tìm sự sống cho mình.

Tình hình an ninh cộng đồng địa phương trở nên cực kỳ phức tạp

Tệ nạn ma túy là nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội khác như: cờ bạc, trộm cắp… ảnh hưởng đến an ninh trật tự các thôn bản vùng cao, biên giới. Nguyên nhân chính là do có quá nhiều người nghiện khiến các địa phương gặp không ít khó khăn trong triển khai công tác xóa đói giảm nghèo và triển khai các chính sách an sinh xã hội. Ngoài ra, do có nhiều người nghiện ma túy, nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phức tạp với những vụ trộm cắp, ẩu đả, cướp của, giết người…

Tân Sơn hiện là xã nghèo nhất huyện Mai Châu. Hiện tại, thu nhập bình quân của người dân ở đây chỉ đạt khoảng 7.000.000 đồng/người/năm.

Mặt trận Tổ quốc các địa phương vùng Tây Bắc trong cuộc chiến chống ma túy

Ngay từ sau khi trở thành thành viên của 3 công ước quốc tế về kiểm soát ma túy của Liên hợp quốc, việc thành lập một ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối hoạt động phòng, chống ma túy các bộ, ngành, địa phương với tên gọi Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy đã được xúc tiến. Nhiệm vụ phòng ngừa lạm dụng ma túy đã trở thành một phần không thể thiếu được trong các chương trình, kế hoạch lớn của Chính phủ trong thời gian tới: Chiến lược quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thực tế này đã làm cho công việc “phòng” và “chống” ma túy ngày càng cân bằng hơn, phù hợp hơn với xu thế của thế giới.

Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, coi cuộc chiến chống ma túy là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành, mọi cơ quan và tổ chức xã hội. Để phòng chống ma túy đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình và Chiến lược quốc gia về phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, tầm nhìn 2030, cả hệ thống chính trị cần đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong Đảng và trong nhân dân với nhiều hình thức phong phú để mọi người dân đều nhận thức rõ mối hiểm họa khôn lường từ ma túy và  tính cấp bách của công tác phòng, chống ma túy ở nước ta.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức kinh tế - xã hội khác ở các tỉnh Tây Bắc đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, chính quyền các cấp vận động, giáo dục các hội viên của mình tích cực tham gia công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo đã góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc.

Với hàng trăm mô hình phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2015, như: “Khu dân cư, thôn bản không có tội phạm”; “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”; “Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật”; “Câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng”, “Gia đình không có người nghiện ma túy”; “Dòng họ không có người mắc tệ nạn xã hội”; ''Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Đội xung kích an ninh”, “Khu dân cư an toàn lành mạnh, không có tệ nạn ma túy”...

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chú trọng xây dựng các kế hoạch thực hiện công tác giám sát việc thi hành nội dung Luật Phòng, chống ma túy của các cơ quan chức năng; giám sát việc cấp, phát và hỗ trợ thuốc cai nghiện thay thế ma túy bằng Methadone ở các cơ sở y tế; phối hợp kiến nghị đề xuất mở rộng các hình thức xã hội hóa trong công tác cai nghiện, phục hồi sau cai ở cộng động… Qua giám sát, đã từng bước làm rõ thêm việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền giáo dục thực hiện giải pháp phòng, chống ma túy trong học đường; giải quyết việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện; tham gia kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, giới thiệu việc làm cho người nghiện sau cai phù hợp với từng địa phương. Tính trong 4 năm (2013 - 2017), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức nhiều hội nghị tập huấn và trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tội phạm, ma túy ở cộng đồng dân cư cho cán bộ Mặt trận, Công an xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đặc biệt, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh Tây Bắc.

Cùng với việc phòng ngừa cho toàn xã hội, thời gian gần đây, công tác phòng ngừa chuyên biệt dành cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đã được các địa phương dành nhiều sự quan tâm hơn trước. Thông qua các hoạt động tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, tiếp cận trực tiếp với “nhóm thanh niên thích làm giàu”,… các kỹ năng cần thiết như: kỹ năng nhận biết và đánh giá nguy cơ mắc nghiện, cách thức hóa giải các vướng mắc về tâm lý trong cuộc sống, kỹ năng từ chối các cám dỗ,... thường có trong các nhóm đối tượng “có nguy cơ mắc nghiện cao” đã giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn, tự bảo vệ mình trước sự tấn công mạnh mẽ của hiểm họa này.

Hiện nay, do áp lực của tình hình ma túy và tệ nạn ma túy trên thế giới cùng các nước trong khu vực luôn gia tăng, đặc biệt ở Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Myanma… công tác phòng, chống ma túy ở nước ta nói chung và vùng Tây Bắc đang trong giai đoạn rất khó khăn, quyết liệt. Hoạt động của tội phạm ma túy chưa có dấu hiệu thuyên giảm và vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Việc phòng, chống ma túy phải được đặt ra như một nhiệm vụ hàng đầu với những biện pháp ngăn chặn tệ nạn ma túy ở vùng Tây Bắc. Chỉ như vậy, Tây Bắc mới có thể chuyển mình phát triển và cộng đồng dân cư mới sớm thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trịnh Thị Kim Ngọc

PGS, TS Khoa học, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1.        Đây là nhận xét của Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Công an huyện Điện Biên Đông.

2.        Chảo lửa ma túy Tây Bắc. Theo Chinhphu.vn và  http://congannghean.vn/phap-luat/201702/chao-lua-ma-tuy-tay-bac-721129/

3.        Nhật Phương. Hệ lụy ma túy ở Nà Bủng - Điện Biên. unhrhttp://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/155225/he-luy-ma-tuy-o-na-bung.

Tài liệu tham khảo

1.        Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2011-2015, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2.        Báo cáo số: 473/BC-MTTW-BTT ngày 28/11/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy.

3.        Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.