MTTQ các cấp TP Đà Nẵng tiếp tục phát huy hiệu quả tổ chức ngày hội 'Đại đoàn kết toàn dân tộc'

(Mặt trận) -Phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc", giai đoạn 2003-2023 vào sáng 29-8, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng yêu cầu các cấp Mặt trận tiếp tục phối hợp với chính quyền, đoàn thể cùng cấp phát huy hiệu quả tổ chức ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc".

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (giữa) trao Bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023

Dự hội nghị có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng nhấn mạnh, Mặt trận các cấp cần tiếp tục quán triệt, khẳng định vai trò của ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” để có những hành động cụ thể hướng đến người dân ở từng địa bàn khu dân cư (KDC). Mỗi cấp, mỗi địa phương, đơn vị cần có kế hoạch cụ thể, làm tốt công tác tuyên truyền, xem đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng. Thông qua việc tổ chức ngày hội, định hướng và tổ chức tốt các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn.

Đồng thời, cần tiếp tục chủ động tham mưu với các cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, huy động các tổ chức thành viên tích cực tham gia trong việc tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở KDC; phát huy sự năng động, sáng tạo của các Ban Công tác Mặt trận trong việc đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tổ chức ngày hội theo hình thức liên KDC để tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, gắn kết giữa các KDC với nhau. Mặt trận thành phố khuyến khích các KDC tổ chức ngày hội tại các di tích lịch sử, đình làng, nhà văn hóa,... để kết hợp tuyên truyền, thắp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tôn vinh các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, các phong tục, tập quán tốt của đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm (thứ 6, trái sang) trao Bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023 

Theo báo cáo, sau gần 20 năm triển khai, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã tạo nên những điểm nhấn, sắc thái riêng của mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư, đã cổ vũ, động viên tinh thần của Nhân dân hưởng ứng thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc chủ trì. Nhiều khu dân cư trên địa bàn thành phố đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa gắn kết cộng đồng, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thông qua Ngày hội, Mặt trận các cấp đã vận động nhân dân xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng tổ dân phố, thôn văn hóa. Năm 2022, toàn thành phố có 91,1% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 86,3% tổ dân phố, thôn đạt danh hiệu “Tổ dân phố, thôn văn hóa”. Nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ với các hộ gia đình khó khăn, các trường hợp đặc biệt khó khăn trong cộng đồng dân cư.

20 năm qua, Mặt trận các cấp đã vận động, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5.698 nhà với tổng số tiền 102,2 tỷ đồng; Hỗ trợ 203.590 gia đình gặp khó khăn với kinh phí 61,6 tỷ đồng. Thực hiện thăm hỏi 118.065 lượt gia đình chính sách, với tổng số tiền 47,402 tỷ đồng. Các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”… đã được tôn vinh và nhân rộng trên địa bàn thành phố. Thông qua Ngày hội, đã trao quà tiếp sức đến trường cho 112.404 học sinh, sinh viên với số tiền gần 40 tỷ đồng.

Nhiều khu dân cư đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, có 44.202 lượt người cao tuổi được chăm sóc với tổng số tiền là 26,271 tỷ đồng.

Năm 2020 và 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, Ngày hội được tổ chức linh hoạt theo tình hình của từng địa phương và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch do Trung ương, thành phố quy định.

Các hoạt động trước, trong, sau Ngày hội đồng loạt được thay thế bằng các phong trào hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, như: Phong trào “San sẻ yêu thương - Vượt qua đại dịch”, đã vận động được 150.641 suất quà, suất ăn với các loại rau củ quả, nhu yếu phẩm trị giá ước tính hơn 21,354 tỷ đồng. Phong trào “Giảm tiền trọ” vận động được 9.645 chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê cho 28.552 phòng, căn hộ, giúp người lao động, công nhân, sinh viên vượt qua khó khăn với số tiền miễn giảm lên gần 29 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn (thứ 7, trái sang) trao Bằng khen cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023 

Nhân dịp Ngày hội, nhiều công trình dân sinh xây mới được bàn giao đưa vào sử dụng. Toàn thành phố có 555 công trình với số tiền 24,515 tỷ đồng, như: nhà sinh hoạt cộng đồng, cổng chào khu dân cư, cổng làng, sân tập thể thao, thư viện, phòng đọc sách cho thiếu nhi, công viên vườn dạo mini, vườn hoa thanh niên, tuyến đường tự quản...

Giai đoạn tới, Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” sẽ được Mặt trận thành phố và các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng đáp ứng với tình hình mới. Cụ thể như: lựa chọn chủ đề phù hợp hằng năm, tăng tính hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; khuyến khích tổ chức Ngày hội theo hình thức liên khu dân cư; gắn kết tổ chức Ngày hội với các hoạt động tri ân, an sinh xã hội…

Dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng trao bằng khen cho 34 tập thể, 13 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” giai đoạn 2003-2023.

NGUYỄN QUANG