MTTQ các cấp tỉnh Ninh Bình khẳng định vai trò trong công tác bầu cử

(Mặt trận) -Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Ninh Bình đã chủ động, tích cực tham gia công tác chuẩn bị bầu cử, đảm bảo dân chủ, đúng luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu thực sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào các cơ quan dân cử, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh, của đất nước.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình  tổ chức hội nghị hiệp thương để lựa chọn lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Với vai trò, chức năng của mình trong công tác bầu cử, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở tham gia công tác chuẩn bị bầu cử với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm cao. Ngay từ khi triển khai công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND tỉnh để thành lập ủy ban bầu cử tỉnh gồm 31 thành viên theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đảm bảo đúng tiến độ, thời gian. 

Đồng thời triệu tập hội nghị trực tuyến quán triệt các văn bản của Trung ương và triển khai nhiệm vụ công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử cho gần 300 đại biểu là cán bộ, nhân viên cơ quan MTTQ tỉnh, lãnh đạo các tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh, chủ tịch ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. 

Sau hội nghị, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác bầu cử cho cán bộ Mặt trận các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong toàn tỉnh để phổ biến, quán triệt các văn bản của Trung ương về công tác bầu cử và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh về triển khai thực hiện công tác bầu cử. 

Cùng với nhiệm vụ phối hợp trong công tác bầu cử, ủy ban MTTQ tỉnh đã thể hiện rõ vai trò chủ trì trong công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026. MTTQ tỉnh luôn chủ động triển khai các bước của quy trình hiệp thương theo đúng luật định. Kết quả sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Theo đó, tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã nhất trí lập danh sách sơ bộ 10 vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh và 100 vị ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026. Từ ngày 24/3 đến 10/4/2021, toàn tỉnh đã tổ chức 7 hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 79 hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của tri nơi cư trú đối với 100 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026, các vị ứng cử viên đều đạt số phiếu tín nhiệm rất cao. 

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức xong hội nghị hiệp thương lần thứ ba và Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh đã bàn giao danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 cho ủy ban Bầu cử tỉnh. 

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba (ngày 16/4/2021) đã thỏa thuận lập danh sách 8 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (trong đó nữ có 4 vị bằng 50%; ngoài Đảng có 1 vị bằng 12,5%; trẻ tuổi dưới 40 tuổi có 2 vị bằng 25%; tái cử có 2 vị). Về trình độ chuyên môn: đại học, cử nhân có 8/8 vị bằng 100%. Trình độ lý luận chính trị: cử nhân có 1 vị bằng 12,5%; cao cấp có 5 vị bằng 62,5%; trung cấp có 1 vị bằng 12,5%. Học hàm, học vị: phó giáo sư, tiến sỹ có 1 vị bằng 12,5%; thạc sỹ có 6 vị bằng 75%). 

Đối với đại biểu HĐND tỉnh cũng đã thỏa thuận lập danh sách 85 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XV để bầu lấy 50 người (trong đó: tỷ lệ nữ có 34 vị bằng 40%; ngoài Đảng có 8 vị bằng 9,4%; dân tộc có 3 vị bằng 3,53%; tôn giáo có 4 vị bằng 4,7%; trẻ tuổi dưới 40 tuổi có 30 vị bằng 35,3%; tái cử có 22 vị…)

Có thể nói, MTTQ tỉnh đã triển khai thực hiện tốt 5 bước của Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng của đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình đảm bảo đúng tiến độ, dân chủ, khách quan, đúng luật và thành công, qua đó tạo tiền đề rất quan trọng để các bước tiếp theo của cuộc bầu cử diễn ra thuận lợi, đạt kết quả cao. 

Bên cạnh đó, ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử nhằm nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đồng thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, vi phạm để kiến nghị có biện pháp khắc phục kịp thời. 

Theo đó, từ ngày 30/3/2021 đến ngày 5/4/2021, các đoàn kiểm tra, giám sát của ủy ban MTTQ tỉnh đã tiến hành kiểm tra giám sát công tác bầu cử (đợt 1) tại 4 huyện, thành phố và 3 xã, phường, thị trấn (thuộc thành phố Ninh Bình, huyện Gia Viễn, Yên Khánh). ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp với HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát tại 2 huyện, thành phố và 3 xã, phường, thị trấn (thuộc huyện Kim Sơn, thành phố Tam Điệp). Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế và kiến nghị với ủy ban Bầu cử tỉnh, các ngành có liên quan để thực hiện tốt công tác bầu cử. 

Đồng chí Đinh Trường Sơn, Trưởng Ban Dân chủ- pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Từ nay đến ngày bầu cử, công việc của ủy ban MTTQ tỉnh còn rất lớn, để góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Ban Thường trực ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ủy ban Bầu cử, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận để triển khai đúng các nội dung của công tác bầu cử theo luật định. 

Trước mắt, chủ trì phối hợp với UBND ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị cử tri để các ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử; tiếp nhận và phân loại, xử lý các loại đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác bầu cử; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của ủy ban Bầu cử tỉnh và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri, việc lập, niêm yết danh sách người ứng cử… 

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của cuộc bầu cử; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân cũng như quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân trong bầu cử, từ đó để cử tri hăng hái tham gia bầu cử, lựa chọn, bầu được những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân vào Quốc hội và cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương. 

Thùy Phương