Một số vấn đề về đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài ở Việt Nam

(Mặt trận) - Đào tạo sau đại học và bồi dưỡng nhân tài ở Việt Nam đã và đang được quan tâm phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự phát triển đó là quá mức so với năng lực hiện có và đã nảy sinh nhiều bất cập do các nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối. Tác giả cho rằng, việc đào tạo không nên tập trung phát triển về số lượng mà phải lấy chất lượng là chính.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

Đào tạo và bồi dưỡng nhân tài ở Việt Nam

Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn coi trọng và quan tâm tới công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Bác từng nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Thấm những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đi lên của đất nước, trong đó công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng đã được xác định: “Nhân tài không phải sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu”. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cán bộ, nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội X, Đảng xác định có nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng Chiến lược quốc gia về nhân tài và Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Cho đến nay, công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài được nêu trong các văn kiện của Đảng, đã được xây dựng thành các chương trình, đề án để triển khai và đã thu được một số kết quả. Ở Trung ương có Văn phòng Đề án 165 (Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước). Ở địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cũng đã xây dựng đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Thành phố Đà Nẵng cũng có chương trình “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” theo Đề án 922.

Một số kết quả đã đạt được trong đào tạo và bồi dưỡng nhân tài

Sau 3 năm triển khai Đề án 165, đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cử tuyển được hàng trăm cán bộ đi học “những kiến thức ta cần” tại Trung Quốc, Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Nga, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Australia, Newzealand, Singapore…

Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây có chương trình đào tạo 300 thạc sĩ, tiến sĩ trẻ; tiếp theo các chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ trẻ. Từ năm 2001 đến năm 2014 đã tuyển chọn được 700 học viên (là cán bộ, công chức trẻ có triển vọng thuộc diện quy hoạch của các đơn vị, sinh viên giỏi và con em các gia đình chính sách, gia đình có truyền thống cách mạng) để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ có trình độ cao cho các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong số 566 cán bộ, công chức (chiếm 74,57%) và 193 sinh viên, nhân viên các công ty tư nhân (chiếm 25,43%) đã đưa đi đào tạo 639 người (trong nước là 341 người, nước ngoài là 282 người, liên kết giữa trong nước và nước ngoài là 16 người) theo các chương trình đào tạo tiến sĩ (59 người), thạc sĩ (580 người) theo yêu cầu của thành phố trong các lĩnh vực khác nhau: Quản lý nhà nước về kinh tế, đô thị, thương mại quốc tế, các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, phần lớn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao (đạo đức, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, chịu khó nghiên cứu sáng tạo). Đến năm 2014, có 400 học viên hoàn thành chương trình đào tạo, bố trí về công tác tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp.

Thành phố Đà Nẵng trước đây có Đề án 393 đào tạo 100 tiến sĩ và thạc sĩ ở các cơ sở đào tạo nước ngoài; tiếp theo là Đề án 922 đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thành phố Cần Thơ và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có chương trình Mekong 1.000 với tổng kinh phí dự kiến 50 triệu USD, 5 năm qua tuyển chọn được 556 học viên (có 381 học viên đào tạo ở nước ngoài, đã về nước 200 học viên).

Một số kinh nghiệm trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

1. Cần thống nhất về quan niệm xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá nhận diện nhân tài. Các vấn đề đặt ra: Thế nào là nhân tài? Có thể hiểu là, nhân tài là có tài năng xuất sắc, năng lực vượt trội trong một số lĩnh vực, có nhiều đóng góp cho lợi ích xã hội, cho nhân loại. Khả năng đặc biệt, tài năng xuất sắc cũng một phần có từ năng khiếu bẩm sinh, cộng với sự nỗ lực học tập, lao động và tu dưỡng đạo đức suốt đời mới có được. Về phẩm chất trí tuệ, nhân tài thường có ý tưởng độc đáo, sáng tạo hơn người, luôn tìm tòi cái mới, hoàn thiện hơn cái đã có. Về đạo đức nghề nghiệp, họ rất say mê học tập, nghiên cứu và lao động, luôn mong muốn cống hiến cho xã hội… Hẳn quan niệm và nhận thức về người tài như vậy thì rất dễ đồng tình, thống nhất.

Về phân loại người tài, cũng tạm phân ra mấy loại: Nhân tài trong lãnh đạo, quản lý; nhân tài là trí thức; nhân tài trong lao động sản xuất...

Cũng phải chú ý sự khác nhau giữa quy hoạch nhân tài với quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Quy hoạch nhân tài phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng nhân tài trước mắt và trong tương lai, mở rộng việc tìm kiếm nhân tài đưa vào quy hoạch, chủ động tạo nguồn nhân tài trong từng ngành, từng lĩnh vực… Còn quy hoạch lãnh đạo, quản lý phải theo phương châm “động” và “mở”; một vị trí có thể quy hoạch 2 - 3 người và một người có thể quy hoạch 2 -3 chức danh, để có thể sử dụng bố trí vào một chức danh ở một thời điểm nhất định, tùy theo yêu cầu có thể biến động, thay thế khi đã có sẵn,...

Dù như thế nào thì thực tế vẫn diễn ra phức tạp, vẫn có thể có nhiều khe hở bị lợi dụng, tạo phe cánh, lợi ích nhóm,... Vì thế, phẩm chất và tư duy của người lãnh đạo, của cấp ủy, của chính quyền nơi quy hoạch phải trong sáng, phải đề ra tiêu chuẩn cụ thể, bàn bạc tập thể và theo đúng nguyên tắc…

2. Cần đổi mới chế độ thi, tuyển tạo nguồn, phát hiện và lựa chọn nhân tài để đào tạo bồi dưỡng.

3. Cải cách phương thức đào tạo nhân tài.

4. Xây dựng hệ thống trường đại học trong nước hiện đại, chuẩn quốc tế và lựa chọn các trường đại học quốc tế có kiểm chuẩn và được công nhận.

5. Cải cách thể chế quản lý giáo dục, mở cửa, quốc tế hóa các trường đào tạo nhân tài.

Những thành tựu và một số hạn chế của đào tạo sau đại học ở nước ta

Đào tạo sau đại học với mục tiêu trang bị những kiến thức sau đại học và nâng cao kỹ năng thực hành nhằm xây dựng đội ngũ những người làm khoa học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ của đất nước. Đào tạo sau đại học được tổ chức thực hiện và đã đi vào cuộc sống, từng bước tạo ra chuyển biến tích cực về quy mô, tốc độ đào tạo không ngừng tăng lên. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta, đối tượng tuyển sinh hầu hết mới tốt nghiệp dưới 5 năm; chất lượng luận văn thấp; một số cơ sở thiếu giảng viên cơ hữu. Xuất hiện xu hướng theo đuổi mục tiêu hiệu quả tài chính bằng việc cắt giảm chương trình, thu hút học viên quá năng lực đào tạo cho phép. Thực tế cho thấy, tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong nước ngày càng ít người nộp hồ sơ vào những trường đại học lớn, mà thường chỉ tập trung vào các cơ sở ngoài công lập. Hiện nay, có quá nhiều cơ sở đào tạo, cả nước hiện có khoảng 140 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và gần 180 đơn vị đào tạo trình độ thạc sĩ, với quy mô 13.500 nghiên cứu sinh và 105.000 học viên cao học. Như vậy, thực tế là không phải chỉ tăng nhiều về số lượng mà các ngành đào tạo còn trùng lặp giữa các trường (thạc sĩ trùng lặp khoảng 48%, tiến sĩ là trên 28%). Mặt khác, không thể phủ nhận một khoảng chênh lệch quá xa trong xét tuyển đầu vào của các trường. Ngay cả một số trường nước ngoài đào tạo ở Việt Nam cũng chỉ xét tuyển, không cần thi và được “nợ” cả đầu vào tiếng Anh.

Vấn đề đáng quan tâm là đào tạo phải cạnh tranh bằng chất lượng, nếu buông lỏng chất lượng là thất bại, các trường đại học lớn cần giữ vững sự tồn tại của mình là chất lượng.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về “Đào tạo sau đại học trong điều kiện tự chủ và hội nhập quốc tế (do 3 trường kinh tế Hà Nội - Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức). Hội thảo có các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên và nhà tuyển dụng trong lĩnh vực đào tạo sau đại học, nhằm tạo ra các chiến lược, giải pháp thúc đẩy phát triển đào tạo sau đại học. Ý kiến chung là đào tạo sau đại học có bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể là nhiều cơ sở đào tạo mới được phép tham gia đào tạo sau đại học; số trường đào tạo liên kết với nước ngoài tại Việt Nam ngày càng tăng; chương trình đào tạo được hoàn thiện, phát triển một số chương trình mới, chất lượng cao. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo sau đại học không nên đào tạo dàn trải theo số lượng, mà nên chuyên sâu theo thế mạnh riêng của từng trường. Tăng cường hợp tác quốc tế với các trường có uy tín trong khu vực và thế giới ở những ngành trọng điểm. Đồng thời, quản lý, kiểm tra chặt chẽ, thực hiện nghiêm thời gian dạy và học. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết và trách nhiệm cao.

Một số nhận xét về công tác đào tạo sau đại học ở Việt Nam thời gian qua

1. Đào tạo sau đại học đã phát triển mạnh mẽ trong vài thập niên qua ở Việt Nam là một cố gắng đáng kể của cả hệ thống các trường đại học, các viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Kết quả này là một phát triển tất yếu, trở thành lực lượng chính trong việc đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước, đáp ứng cho sự phát triển về kinh tế - xã hội, phát triển khoa học công nghệ, đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học kể cả các ngành mũi nhọn để theo kịp sự phát triển chung của khu vực và thế giới.

2. Đào tạo sau đại học phát triển quá nhiều, so với năng lực hiện có, nên có nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan chi phối. Vì vậy, không nên tập trung phát triển về số lượng, mà phải lấy chất lượng là chính. Việc số lượng thí sinh giảm xuống từ con số đỉnh cao là hàng chục ngàn học viên mỗi năm cùng sự đào tạo dễ dãi, tràn lan, với “bằng thực và chất lượng giả”. Thậm chí có viện nghiên cứu được xem ở top đầu nhưng hàng năm “sản xuất” ra hàng loạt tiến sĩ với một số tên đề tài ngây ngô và quá non nớt, thì thử hỏi chất lượng tiến sĩ như thế nào?

3. Thước đo của chất lượng đại học (kể cả đại học và sau đại học) cần được kiểm định ở các cơ quan kiểm định đạt chuẩn quốc tế, tiến tới hệ thống bằng cấp được công nhận tương đương. Hiện nay, Singapore là một quốc gia có nhiều bước tiến nhảy vọt trong khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, vươn lên từ một nước đang phát triển. Hãy xem cách thức đầu tư của họ và thực thi các định hướng một cách nghiêm ngặt và xuất sắc tới mức nào? Ngay tại thời điểm này, chất lượng của họ được khẳng định là việc làm của sinh viên và cũng từ đó họ chú trọng đào tạo các kỹ năng thực tế theo yêu cầu của xã hội và biết cách khởi nghiệp.

4. Vấn đề chất lượng là thế mạnh hiện có của từng trường, là chương trình đào tạo, là đội ngũ giảng viên, đội ngũ hướng dẫn khoa học, là sự kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ các quy chế, quy định, quy trình và cần sự ràng buộc pháp lý cho từng cơ sở đào tạo và cá nhân người đứng đầu nếu việc đào tạo sau đại học ở đó không đảm bảo đúng các yêu cầu và chất lượng kém.

5. Về đào tạo, bổ sung sử dụng nhân tài cần được tính toán, hoạch định một cách cẩn thận, khoa học và chính xác để mang lại lợi ích lớn, tầm nhìn xa để tránh lãng phí một số tiền của khá lớn của nhân dân, kể cả ngân sách Trung ương và địa phương. Cần cân nhắc chính sách xã hội hóa, vừa Nhà nước, địa phương, các doanh nghiệp và gia đình có điều kiện tham gia chính sách này và có những cam kết ràng buộc mang tính pháp lý. Một số địa phương, tuy số lượng không nhiều nhưng đặt ra việc đền bù lại ngân sách cấp cho những người được chọn cử đi học không trở về phục vụ địa phương như cam kết? cũng cần tham khảo “Chiến lược cường quốc nhân tài” như của Trung Quốc trước đây, khi đi học thì về cũng được, không về cũng được, cũng coi là các hạt giống được ươm mầm,  trở thành chuyên gia giỏi, thậm chí là chuyên gia đầu ngành từng lĩnh vực, họ có thể góp phần xây dựng đất nước từ xa, hoặc sau này có chính sách thu hút, hấp dẫn, có thể bằng hoặc hơn ở nước ngoài, họ đã trở về ồ ạt, góp phần tham gia xây dựng đất nước phát triển.

Bên cạnh sự thiếu hụt về nhà quản lý, chuyên gia giỏi, còn thiếu cả thợ lành nghề - một lực lượng góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của đất nước, chúng ta cần có cách nhìn chung để hoạch định và xâu chuỗi một cách chặt chẽ mới tạo ra được một sự chuyển biến như mong đợi.

Nguyễn Ngọc Minh

Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường của Ủy ban Trung ương  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.