Minh bạch hóa hoạt động thiện nguyện

(Mặt trận) -Là tỉnh thường xuyên bị thiên tai, Quảng Trị luôn trở thành mối quan tâm của người dân cả nước mỗi khi bị bão lũ quét qua. Chia sẻ với những khó khăn do bão lũ gây ra, nhiều tổ chức, cá nhân sẵn sàng ủng hộ tiền, vật tư, hàng hóa, giúp các gia đình bị ảnh hưởng phần nào ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động thiện nguyện ở nhiều nơi mang tính tự phát đang bộc lộ những bất cập cần được điều chỉnh để sự giúp đỡ của Nhân dân cả nước thực sự có ý nghĩa. Nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện để đảm bảo công khai, minh bạch các nguồn hỗ trợ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và minh bạch hóa các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Để giúp người dân Quảng Trị khắc phục thiệt hại trong đợt lũ năm 2020, đã có hơn 5.060 đoàn thiện nguyện đến Quảng Trị hỗ trợ. Với sự trợ giúp của Chính phủ, bộ, ngành, các địa phương, đơn vị, nhà hảo tâm thì lượng nhu yếu phẩm, tiền hỗ trợ trực tiếp cơ bản đảm bảo mỗi hộ bị ảnh hưởng có từ 2 - 3 lượt nhận quà, giúp bà con vùng lũ có thêm nguồn động viên vượt qua khó khăn trước mắt.

Tuy nhiên, từ trận lũ này cũng phát sinh rất nhiều khó khăn và bất cập trong việc nắm bắt thông tin cần hỗ trợ của người dân và công tác thiện nguyện. Các đội, nhóm thiện nguyện ồ ạt đi vào vùng lũ nhưng không thông báo với chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng dẫn đến phát sinh rất nhiều vấn đề bất cập và rủi ro khó lường như: Tình trạng không đồng đều nguồn hỗ trợ; việc đi làm từ thiện không an toàn; hàng cứu trợ không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không phù hợp...

Vấn đề đặt ra là cần một hệ thống hỗ trợ thông tin về lũ lụt, sạt lở và thiệt hại của người dân, đồng thời, kết nối người thiện nguyện với người dân được chính quyền, ban cứu trợ, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thẩm định các nhu cầu và người thiện nguyện một cách hiệu quả nhất, tạo sự hài hoà trong công tác thiện nguyện, tránh nhiều điều đáng tiếc xảy ra trong quá trình thực hiện.

Từ thực tế đó, nhóm tác giả xây dựng đề tài “Xây dựng hệ thống phần mềm hỗ trợ thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành để đảm bảo tính kịp thời, chính xác, an toàn và minh bạch hóa các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” trên đa nền tảng phục vụ công tác cứu trợ, thiện nguyện trên địa bàn tỉnh.

Nội dung đề tài tập trung nghiên cứu xây dựng quy trình tiếp nhận, hỗ trợ, phân bổ cứu trợ trên địa bàn tỉnh (hệ thống văn bản, quy trình tổ chức thực hiện, hướng dẫn); bộ tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân với các chương trình, phong trào, cuộc vận động do ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát động. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng phần mềm đa nền tảng (Web; android; IOS) phục vụ công tác cứu trợ kết nối người thiện nguyện với người dân có đầy đủ chức năng như: Thông tin, cảnh báo tình hình thiên tai trên địa bàn, những thông tin được người dùng ghi lại tại hiện trường gửi lên hệ thống, trước khi cập nhật lên hệ thống được cán bộ chính quyền và mặt trận địa phương xác nhận.

Cung cấp thông tin người dân bị thiệt hại do thiên tai. Quản lý điều hành hoạt động cứu trợ, thiện nguyện, cụ thể: Người dân, tổ chức, đơn vị đăng thông tin về cảnh báo thiên tai trên địa bàn; nhu cầu hỗ trợ, yêu cầu được hỗ trợ, nhu yếu phẩm cần thiết. Chính quyền, ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã: Xác nhận thông tin về cảnh báo thiên tai, thông tin cần hỗ trợ của người dân, đăng thông tin cảnh báo thiên tai (tình hình ngập lụt, lở đất, nhà sập, tốc mái, các vấn đề liên quan…); cung cấp cơ sở dữ liệu dân cư, danh sách người dân cần được hỗ trợ khẩn cấp và lâu dài. Chính quyền, ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện:

Tổng hợp báo cáo tình hình thiên tai trên địa bàn; điều phối, tiếp nhận hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện trên địa bàn huyện. Chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh: Điều phối, tiếp nhận hỗ trợ các đoàn thiện nguyện giữa các huyện, thị xã, thành phố. Đoàn thiện nguyện (cá nhân, tổ chức, đơn vị): Cung cấp thông tin đoàn, tiền hoặc nhu yếu phẩm muốn hỗ trợ đến người dân...

Thực hiện đề tài là một bước chuyển đổi số mạnh mẽ; ứng dụng đồng bộ Công nghệ thông tin (CNTT), các phần mềm quản lý trong cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và cơ quan ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện; triển khai các đề án, dự án ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, đảm bảo an toàn, an ninh mạng đối với MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh; nâng cao kỹ năng số cho cán bộ mặt trận các cấp. Những sản phẩm của đề tài là sự tham gia mạnh mẽ của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động quản lý - điều hành vận động, điều phối cứu trợ, hoạt động thiện nguyện trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng đề tài cũng tham gia thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Trong đó, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả các hoạt động cứu trợ Nhân dân; xây dựng và triển khai thống nhất cơ chế vận động cứu trợ và các hoạt động cứu trợ trong toàn tỉnh thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 và các nền tảng truyền thông là vấn đề thực tiễn đang có yêu cầu cấp bách, là tiền đề quan trọng trong quản lý cần thiết phải được số hoá.

Triển khai hệ thống tài khoản người dùng đến tất cả ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và Ban công tác mặt trận trong toàn tỉnh, xem đây là quy trình bắt buộc để các đơn vị có thể tiếp nhận hỗ trợ và phân bổ hỗ trợ từ cấp trên; đưa việc ứng dụng CNTT vào quản lý các hoạt động cứu trợ và thiện nguyện trên địa bàn tỉnh. Là kênh thông tin chính thống giúp các tổ chức, cá nhân trực tiếp (hoặc gián tiếp) làm công tác thiện nguyện, cứu trợ có công cụ để tra cứu, tìm kiếm nhanh các thông tin cần thiết, từ đó lựa chọn đúng địa chỉ, số lượng và tên mặt hàng cần cứu trợ… để nhanh chóng đến được với đối tượng cần cứu trợ. Giúp chính quyền địa phương, ban cứu trợ, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và tổ chức, cá nhân tham gia thiện nguyện tránh lãng phí thời gian, công sức, kinh phí…

Công khai đầy đủ thông tin một cách minh bạch giúp hạn chế được các hoạt động thiện nguyện mang tính trục lợi, giúp người dân hoặc tổ chức, cá nhân làm thiện nguyện tin tưởng đến chính quyền hơn khi tổ chức các hoạt động thiện nguyện… Là kênh thông tin hỗ trợ người dân tham gia xây dựng chính quyền, phản ánh nhu cầu cộng đồng, tấm gương người tốt, việc tốt… góp phần thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đánh giá về lợi ích của đề tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, chủ nhiệm đề tài Đào Mạnh Hùng cho biết: “Việc chuyên nghiệp hoá hoạt động thiện nguyện chính là để thể hiện sự trân trọng và trách nhiệm với những đồng tiền thiện nguyện, đưa chúng đến đúng địa chỉ, giúp đúng người, đúng việc, bảo đảm sự tiết kiệm cho toàn xã hội. Đề tài góp phần tạo sự công bằng xã hội, “không ai bỏ lại phía sau”, tạo sự phát triển hài hoà giữa các khu vực dân cư, tránh lãng phí các nguồn lực của xã hội; khuyến khích đối tượng thụ hưởng có thể tự vươn lên, tiến tới tự lập cả về tinh thần và thể chất. Đề tài cũng tạo sự minh bạch, trách nhiệm giải trình làm cơ sở cho sự tin cậy giữa tổ chức thực hiện thiện nguyện, cứu trợ với nhà tài trợ, giữa tổ chức thực hiện và đối tượng thụ hưởng”.

T.L