Mặt trận Tổ quốc xã Phú Thuận phát huy vai trò của Nhân dân xây dựng nông thôn mới nâng cao

(Mặt trận) -Cụ thể hoá phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, Mặt trận và các tổ chức thành viên xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã phát huy vai trò của người dân trong việc giám sát thực hiện các chủ trương, nghị quyết cũng như vai trò chủ thể trong việc đồng hành ủng hộ xây dựng NTM nâng cao.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Hiệu quả tuyên truyền

Bà Võ Tú Quyên, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Phú Thuận, cho biết, góp phần cùng Ðảng bộ xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023, Ban công tác Mặt trận các ấp đã đăng ký xây dựng, nhân rộng và duy trì 17 mô hình. Bên cạnh đó, chi bộ, chính quyền 6/6 ấp ra quân hàng tuần vận động bà con tổng vệ sinh môi trường, cải thiện cảnh quan gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh.

 Bà Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Tân, trao hỗ trợ vốn sinh kế cho chị Trần Thị Út.

“Năm 2022, xã phát động, tổ chức cuộc thi xây dựng cảnh quan môi trường “Sáng, xanh, sạch, đẹp” cấp xã và tích cực tham gia cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Qua 3 cuộc thi, có trên 1.500 lượt hộ dân hưởng ứng phong trào và hơn 120 hộ dân tham gia. Cho thấy, Mặt trận và các đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và được người dân đồng tình hưởng ứng”, bà Tú Quyên cho hay.

Góp phần xây dựng, duy trì xã đạt chuẩn NTM còn có các mô hình hiệu quả như: mô hình Dân vận khéo, kè chống sạt lở, tuyến đường "mỗi hố rác một cây xanh", phong trào "5 không, 3 sạch", giờ cao điểm giữ gìn vệ sinh hàng tuần…

Là người trực tiếp tham gia cuộc thi và đoạt giải cao, chị Bao Hồng Chi, ấp Giáp Nước, chia sẻ: “Hồi trước nhà không hố rác, không trồng hàng rào cây xanh, rác có khi vứt bỏ không ý thức. Từ khi được tuyên truyền, gia đình tôi trồng hàng rào cây xanh; rác hữu cơ thì ủ làm phân trồng cây, những loại rác không phân huỷ được thì đốt”.

Theo chị Chi, hiệu quả của cuộc thi là nhiều gia đình sinh hoạt nền nếp hơn trước, khuôn viên nhà thoáng mát, sạch sẽ, gọn gàng, con cái theo cách sống đó mà tiến bộ hơn. Qua cuộc thi cũng đã tạo ra nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Là một trong những hộ dân tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, ông Nguyễn Rạng Ðông, ấp Giáp Nước, chia sẻ: “Ðã qua, Mặt trận ấp, xã thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền về xây dựng NTM, bên cạnh đó hướng dẫn từng gia đình làm thế nào để phát triển kinh tế. Bà con ở xóm cũng học hỏi nhau, trao đổi kinh nghiệm về những mô hình hay, việc làm thiết thực”.

Huy động nguồn lực

Về công tác giảm nghèo, qua rà soát những hộ gia đình có điều kiện thoát nghèo trong năm 2023, Mặt trận xã Phú Thuận đã hỗ trợ khoa học - kỹ thuật và xây dựng 4 phương án giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo để được Mặt trận huyện hỗ trợ vốn sinh kế.

“Trong quá trình thực hiện, Mặt trận đã lập danh sách những hộ có điều kiện thoát nghèo gửi gắm cho các cơ sở thu mua tôm hỗ trợ về con giống. Ðến thời điểm này, đã hỗ trợ được 116 hộ (thời gian 9 tháng) với tổng số tiền trên 150 triệu đồng. Mục tiêu cuối năm nay xã giảm 15 hộ nghèo và 32 hộ cận nghèo”, bà Tú Quyên cho biết.

Song song đó, Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã chọn ấp Ðất Sét xây dựng mô hình “xoá trắng hộ nghèo”; công tác giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn luôn được quan tâm.

Ðến thăm gia đình chị Trần Thị Út, ấp Ðất Sét, đúng vào dịp Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện trao 10 triệu đồng hỗ trợ vốn sinh kế. Ðón nhận số tiền trợ lực, chị tươi tắn, niềm tin hy vọng hiện rõ qua nụ cười. Chị Út bày tỏ: “Tôi bệnh suy tim nên chỉ nội trợ, chồng thì thu mua phế liệu, thu nhập bấp bênh; 2 con nhỏ chưa đến tuổi lao động. Có được số vốn này, tôi mua ít vịt, gà về nuôi; phần còn lại mua vỏ máy mới cho chồng tôi đi thu mua phế liệu”.

Không chỉ trợ vốn, việc vận động mái ấm an cư cũng được Mặt trận các cấp chú trọng. Mới đây, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện và Sư cô Thích Nữ Diệu Minh, Trụ trì chùa Vạn Phước (huyện Phú Tân) đã khởi công xây dựng 6 căn nhà Ðại đoàn kết do thầy Hoàng Quý Sơn, Quỹ Làng Ta tài trợ, với tổng số tiền 300 triệu đồng (3 căn ở xã Phú Thuận, 2 căn ở xã Rạch Chèo và 1 căn ở Tân Hưng Tây). Tính từ cuối năm 2021 đến nay, được sự kết nối của Sư cô Diệu Minh, thầy Hoàng Quý Sơn đã tài trợ gần 50 căn nhà Ðại đoàn kết, giúp hộ nghèo, cận nghèo an cư lạc nghiệp, góp phần cho địa phương thực hiện tiêu chí nhà ở trong lộ trình xây dựng NTM.

Ðón nhận bảng tượng trưng 50 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà, ông Nguyễn Việt Phương, ấp Giáp Nước, mừng rỡ: “Hồi đó giờ đất đai, nhà cửa không có, phải đi làm thuê nên chỉ đủ ăn. Giờ xây nhà xong, trong vòng một năm nhất định tôi sẽ thoát nghèo”.

Bà Võ Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Tân, thông tin, thời gian tới Mặt trận xã Phú Thuận nói riêng và các địa phương trong huyện nói chung tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Hơn hết, việc phát động những phong trào phải thiết thực để người dân tham gia. NTM rồi thì phải hướng đến NTM nâng cao, trước hết là tiếp tục giữ vững những thành quả trong xây dựng cảnh quan, môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và sự tham gia nhiệt tình, hiệu quả của người dân, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Thông qua đó, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện, tạo thành phong trào sâu rộng./.

 Theo Báo Cà Mau