Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

(Mặt trận) - Công tác tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc tạo cơ sở pháp lý xây dựng chính sách, pháp luật nói chung. Để công tác xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đạt hiệu quả, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, bài viết đưa ra một số giải pháp, nhằm làm cho các văn bản pháp luật được thông qua ngày càng sát với thực tiễn và có tính khả thi.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày báo cáo về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước trước Quốc hội. Ảnh Quang Vinh.

Cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn về vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

Là một bộ phận trong hệ thống chính trị của nước ta, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, chiến đấu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.

Công tác xây dựng pháp luật vốn là công việc của Nhà nước, vì vậy, quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền tham gia xây dựng pháp luật là những quy định thể hiện tính dân chủ trong xây dựng pháp luật của Nhà nước ta. Bản chất Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Nhà nước có dựa vào Mặt trận mới phát huy được đầy đủ quyền làm chủ và sức mạnh có tổ chức của toàn dân, cũng chính là sức mạnh của chính Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý của mình. Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật được quy định rõ trong Điều 21, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015;  Điều 6, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng quy định Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, tức có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tình hình thực hiện vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác xây dựng pháp luật

Từ khi Hiến pháp năm 2013 ra đời và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hiệu lực pháp luật (năm 2014 đến nay), công tác tham gia xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được tăng cường, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa.

1. Thực hiện quyền sáng kiến pháp luật (nay được gọi là quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh theo quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức thành viên đã đề nghị Quốc hội giao chủ trì soạn thảo một số văn bản quy phạm pháp luật, như: Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 9/6/2015), Nghị quyết 1134/2016/UBTVQH13 quy định chi tiết, hướng dẫn về việc tổ chức Hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung; Nghị quyết liên tịch số 11/2016/UBTVQH-CP-ĐCTUBTWMTTQVN về việc hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết số 1213/2016/UBTVQH13 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn hội thẩm; Nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN về việc hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải cơ sở; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các tổ chức chính trị - xã hội, như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam… cũng đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật1.

2. Về việc góp ý kiến các văn bản quy phạm pháp luật, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập trung vào hoạt động góp ý các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm đã được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học… trên nhiều lĩnh vực.

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức góp ý đối với hàng chục dự thảo luật, nghị định, trong đó trọng tâm là các luật liên quan tới tổ chức bộ máy Nhà nước, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo…

Trong nhiệm kỳ khóa VIII (2014 - 2019), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thành lập 7 Hội đồng tư vấn, bao gồm nhiều chuyên gia, nhà khoa học để giúp cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý, phản biện các dự án chính sách, pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, các tổ chức thành viên cũng tổ chức góp ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản pháp luật liên quan trực tiếp chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình và quyền, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung tham gia góp ý vào những vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp có ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung tham gia góp ý vào những văn bản quy phạm có nội dung liên quan trực tiếp đến người lao động; chú trọng đến những quy định nhằm chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động… Các tổ chức thành viên khác của Mặt trận cũng có nhiều cách làm phong phú để phát huy trí tuệ của các chuyên gia, các thành viên tham gia có chất lượng vào việc góp ý một số dự án chính sách, pháp luật, chương trình, dự án kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Hầu hết các dự án luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến tổ chức bộ máy nhà nước được các cơ quan chủ trì soạn thảo mời đại diện của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức thành viên tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Việc gửi lấy ý kiến Mặt trận và một số tổ chức thành viên của Mặt trận góp ý vào các dự án luật liên quan được các cơ quan chủ trì soạn thảo, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện về cơ bản tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật2.

Ở địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản luật theo đề nghị của các cơ quan soạn thảo ở Trung ương, trong đó có dự án luật quan trọng, như: Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội; Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạp pháp luật; dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng…

Đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham gia góp ý nhiều dự thảo của HĐND, UBND tỉnh liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân, đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…3.

Những ý kiến góp ý của Mặt trận đã tác động quan trọng đến quá trình tiếp thu điều chỉnh các nội dung văn bản và chính sách của các địa phương, phát huy dân chủ, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch.

Một số giải pháp tăng cường hiệu quả trong công tác xây dựng pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Một là, cần nâng cao nhận thức của các cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong việc coi trọng sự tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các giới của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, coi đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Đề cao vai trò góp ý kiến và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chính sách về dân tộc, tôn giáo; người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…

Hai là, quy trình về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải được thực hiện một cách dân chủ, khoa học. Đặc biệt là phải công khai lấy ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhất là đối tượng liên quan trực tiếp, chịu tác động trực tiếp của văn bản, có như vậy, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới có tính khả thi cao.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật. Đồng thời, cán bộ Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cần phải sâu sát hơn với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, của hội viên, đoàn viên đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước. Đây là nguồn thông tin vô cùng phong phú về cả lý luận và thực tiễn để có cơ sở góp ý kiến, tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, gắn chặt với thực tiễn và đảm bảo khả thi trên thực tế.

Bốn là, tăng cường trao đổi, phối hợp phản ánh thông tin với các cơ quan nhà nước hữu quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… để chủ động hơn trong việc xây dựng các kế hoạch tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật hằng năm. Trong thời gian tới, cần tập trung góp ý kiến vào các dự án Luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, như: Dự án Luật Biểu tình, Dự án Luật lập hội; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động…

Năm là, căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần lựa chọn được nội dung, vấn đề cần góp ý xây dựng chính quyền phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm. Thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, lắng nghe các vấn đề mà các tầng lớp nhân dân quan tâm.

Sáu là, quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về trình độ chuyên môn, năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề, kỹ năng lắng nghe, tổng hợp… để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đặng Thị Kim Ngân

Thạc sĩ, Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Chú thích:

1. Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo Dự án Luật Trưng cầu ý dân; Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì soạn thảo Luật Người cao tuổi…

2. Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Trưng cầu ý dân; Luật về Hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tố tụng hình sự; Luật Hộ tịch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng…

3. Một số địa phương triển khai tốt công tác này, như: Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nghệ An, An Giang, Hải Dương…