(Mặt trận) - Từ ngày thống nhất Mặt trận trong phạm vi cả nước với tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến nay đã qua 43 năm với 8 kỳ Đại hội.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về Mặt trận trong quá trình chuẩn bị tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Biên tập Tạp chí Mặt trận giới thiệu loạt bài viết về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ Đại hội. Trong đó, các kỳ Đại hội sẽ được giới thiệu lần lượt qua mỗi số Tạp chí.
Cùng với việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận trong cả nước (Các tổ chức Mặt trận là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam).
Đại hội đại biểu thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước1: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/1/1977 đến ngày 4/2/1977. Đây là đại hội được chuẩn bị công phu, chu đáo và thảo luận sôi nổi nhất trong từng tổ chức Mặt trận, cũng như tại Hội trường Đại hội yêu cầu phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền từ tháng 9/1954.
Ngay sau ngày bầu cử Quốc hội chung của cả nước (ngày 25/4/1976) và ngày 15/6/1976 (trước ngày họp phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI), đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân miền Nam, Hội nghị liên tịch giữa Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam đã ra Lời kêu gọi sớm thống nhất Mặt trận đoàn kết dân tộc trong cả nước.
Hội nghị đã nhất trí cử Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam gồm 12 người do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch làm Trưởng đoàn và Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam gồm 6 người do Luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Liên minh làm Trưởng đoàn đi dự Hội nghị trù bị Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam.
Hội nghị trù bị Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất cả nước họp phiên đầu tiên vào ngày 6/7/1976 tại Thủ đô Hà Nội đúng ba ngày sau kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VIII - Quốc hội chung của cả nước. Tham gia Hội nghị trù bị có 38 đại biểu, đại diện cho 3 tổ chức Mặt trận.
Thông cáo Hội nghị nhấn mạnh:
Cách mạng đã chuyển giai đoạn, đòi hỏi phải củng cố và mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân để làm hậu thuẫn vững chắc cho Nhà nước.
Hội nghị cho ý kiến bước đầu về Dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ và cơ cấu tổ chức cơ quan lãnh đạo toàn quốc của Mặt trận.
Hội nghị trù bị thứ hai được tiến hành trong 2 ngày (ngày 1 và 2/10/1976) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị tập trung thảo luận Cương lĩnh, Điều lệ, Chương trình hành động và bàn sâu về tổ chức, phương thức hoạt động của Mặt trận, nhất là công tác Mặt trận cơ sở.
Hội nghị trù bị lần thứ ba họp từ ngày 24/1 đến ngày 28/1/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị xem xét lại toàn bộ công tác chuẩn bị Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất.
Hội nghị dành nhiều thời gian và trí tuệ để bàn thảo về tên gọi mới của Mặt trận. Nhiều phương án được đặt ra. Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí đưa trình Đại hội xem xét, quyết định tên mới của Mặt trận thống nhất cả nước là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với lý do: Trước đây và hiện nay, hai tiếng Tổ quốc vẫn vô cùng thiêng liêng và có tác dụng cổ vũ, thúc dục mọi người Việt Nam yêu nước vùng lên bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Mặt trận Tổ quốc là do Bác Hồ đặt trước đây đã ăn sâu vào trái tim, khối óc của đông đảo đồng bào cả nước cũng như kiều bào ở nước ngoài và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, tên gọi đó vẫn thể hiện tính hiệu triệu nhân dân, cũng như tâm nguyện của mỗi người Việt Nam đối với nhiệm vụ cách mạng.
Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận cả nước được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1877. Sau gần nửa thế kỷ từ khi Hội Phản đế Đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đây là lần thứ hai tổ chức Đại hội toàn quốc, nhưng là lần có đông đủ nhất đại biểu của cả nước, thực sự là hội tụ của đại gia đình các dân tộc Việt Nam, là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, đầy hi sinh gian khổ suốt mấy chục năm của đồng bào, chiến sĩ của cả nước. Nhiều tham luận tại Đại hội đã nêu rõ: Đây là Đại hội Diên Hồng ở thời đại Hồ Chí Minh.
Báo cáo chính trị trình bày trước Đại hội đã tổng kết chặng đường thắng lợi vẻ vang và sự lớn mạnh không ngừng của các hình thức tổ chức Mặt trận, các đảng phái dân chủ, các tổ chức đoàn thể thành viên cùng các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo với những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng. Đại hội khẳng định: “Trong mọi thời kỳ, Mặt trận Dân tộc Thống nhất đã đoàn kết các lực lượng yêu nước, tiến bộ ở trong nước và các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng của Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo”… “Cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới”… “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên cơ sở liên minh công nông, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương đoàn kết tất cả các chính đảng, các đoàn thể cách mạng, các giai cấp tiến bộ, các tổ chức nhân dân, các dân tộc, đồng bào các tôn giáo, các nhân sĩ, các lực lượng yêu nước tán thành chủ nghĩa xã hội ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài để cùng nhau phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa”.
Tại Đại hội, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn có bài phát biểu quan trọng khẳng định: Mặt trận Dân tộc Thống nhất là một nhân tố thắng lợi vô cùng quan trọng của nước ta, là một vũ khí chính trị sắc bén để nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp vĩ đại của mình trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo về Tổ quốc.
Về vai trò của Mặt trận trong giai đoạn mới của cách mạng, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Mặt trận Dân tộc Thống nhất là Mặt trận đoàn kết dân tộc, Mặt trận của những người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, của những lực lượng đấu tranh cho thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mặt trận và các tổ chức thành viên phải nói tiếng nói của quần chúng, phát huy vai trò của nhân dân xây dựng chế độ làm chủ tập thể và trực tiếp tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý đời sống xã hội”.
Tổng Bí thư Lê Duẩn nhấn mạnh: “Trước sau như một, Mặt trận chúng ta thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc, những người lầm đường lạc lối, bất kể quá khư như thế nào này thành tâm hối cải, trở về với nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đều có vị trí trong khối đại đoàn kết toàn dân”2.
Đại hội thông qua chương trình hành động gồm 8 điểm: 1) Xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; 2) Xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; 3) Xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa; 4) Chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; 5) Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; 6) Thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền và tôn trọng tự do tín ngưỡng; 7) Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; 8) Đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội.
Đại hội thông qua Điều lệ mới của Mặt trận nhằm tăng cường củng cố và mở rộng Mặt trận để Mặt trận vừa là khối liên minh các giai cấp, các tầng lớp nhân dân trong xã hội ta, vừa là tổ chức có tính chất quần chúng rộng rãi.
Điều lệ mới đề ra 5 nguyên tắc làm việc: Thương lượng, dân chủ; thống nhất hành động; tôn trọng tính độc lập của các tổ chức; thân ái hợp tác, phê bình và tự phê bình, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Điều lệ mới đặc biệt chú trọng củng cố tổ chức Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở.
Đại hội nhất trí cử 191 vị vào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, suy tôn Chủ tịch Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận gồm 44 ủy viên, do ông Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch. Ban Thư ký gồm 7 người, do ông Nguyễn Văn Tiến làm Tổng Thư ký, ông Vũ Đức, Phó Tổng Thư ký; ông Tôn Thất Dương Dụ, bà Bùi Thị Nga, Luật sư Đỗ Xuân Sảng, ông Hồ Xuân Sơn và Giáo sư Nguyễn Tấn Gi Trọng làm ủy viên Ban Thư ký. Đại hội ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và bà con Việt kiều ở nước ngoài, trong đó nêu rõ:
Cùng với thắng lợi của việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, thống nhất các tổ chức, đoàn thể, việc tổ chức thành công Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước là một sự kiện chính trị trọng đại của cả dân tộc ta, không chỉ đánh dấu bước trưởng thành của Mặt trận Dân tộc Thống nhất về tổ chức, phương thức hoạt động mà còn chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc của khối đại đoàn kết dân tộc trên phạm vi cả nước. Thành công của Đại hội lần này mở ra một thời kỳ hoạt động mới của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, góp phần tích cực vào cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước.
Nguyễn Túc
Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Chú thích:
1. Được gọi là Đại hội I.
2. Văn kiện Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất, tập 2, trang 9.