Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái với phong trào thi đua chung tay “Vì người nghèo”

(Mặt trận) -Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020. Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Yên Bái luôn bám sát hướng dẫn của cấp trên, chủ trương lãnh đạo của Tỉnh ủy, và Kế hoạch số 172/KH-UBND, ngày 03/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo-Giảm nghèo bền vững”.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Đại diện các cơ quan, đơn vị bàn giao nhà “Đại đoàn kết” cho gia đình người có công - ông Đinh Văn Thơ, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên. (Ảnh: Mai Hiên)

Xác định công tác chăm lo cho người nghèo là nhiệm vụ quan trọng, hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh đều ban hành các Kế hoạch chuyên đề triển khai vận động; ra Lời kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội tỉnh Yên Bái. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia hưởng ứng tích cực Phong trào, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Từ năm 2016 đến nay, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động, tiếp nhận Quỹ “Vì người nghèo”, nguồn xã hội hóa, chương trình an sinh xã hội được trên 90 tỷ đồng. Đã hỗ trợ xây dựng làm mới và sửa chữa hơn 4.800 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, người có công với tổng số tiền trên 46 tỷ đồng; hỗ trợ người nghèo khó khăn đột xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ học sinh nghèo, thăm hỏi, tặng quà với số tiền trên 20 tỷ đồng.

Trong đó, MTTQ tỉnh Yên Bái đã vận động, tiếp nhận Quỹ “Vì người nghèo”, nguồn xã hội hóa, chương trình an sinh xã hội được trên 48 tỷ đồng. Đã hỗ trợ xây dựng làm mới và sửa chữa hơn 4.000 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, người có công với tổng số tiền trên 36 tỷ đồng; hỗ trợ người nghèo khó khăn đột xuất, khám chữa bệnh, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ học sinh nghèo, thăm hỏi, tặng quà với số tiền trên 10 tỷ đồng.

Trong 5 năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các hộ nghèo, hướng dẫn các hộ nghèo phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, hình thành các mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững. Vận động, tiếp nhận, phân bổ và thực hiện chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng nghèo, hộ gia đình chính sách, đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Trong đó trọng tâm là các hoạt động giúp đỡ về cây, con giống; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ hộ nghèo được tiếp cận vay vốn phát triển sản xuất thông qua hoạt động uỷ thác của các đoàn thể với ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.  Qua đó đã giúp cho 12.548 hộ trên địa bàn toàn tỉnh thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 khoảng 4,93% (Cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 33,21%; đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,04%).

Cùng với phong trào thi đua, Ủy ban MTTQ tỉnh đặc biệt chú trọng công tác khen thưởng, Trong 5 năm đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm (2016-2018)  và sơ kết 5 năm công tác vận động Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội, biểu dương 20 tập thể và 60 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua. Trình UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 20 doanh nghiệp, 10 cá nhân có đóng góp cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tại Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư được tổ chức vào ngày 18/11 hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức bình xét các danh hiệu gia đình văn hóa, đồng thời tặng quà biểu dương các hộ gia đình tiêu biểu, các hộ nghèo tích cực thi đua, vươn lên thoát nghèo.

Để đạt được những kết quả trên, MTTQ các cấp tỉnh Yên Bái đã áp dụng nhiều sáng kiến, kinh nghiệm công tác, đó là:

Phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các nguồn lực thực hiện chương trình an sinh xã hội, khơi dậy được truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đó, người dân tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau, đóng góp của cải vật chất, tinh thần, ngày công lao động, động viên các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế vươn lên thoát nghèo, giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động Vì người nghèo và chương trình an sinh xã hội, cần có sự phối hợp thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, địa bàn khu dân cư; có sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền để có sự phân bổ đồng đều giữa các địa phương, hộ gia đình, đảm bảo các hộ nghèo, người yếu thế trong xã hội đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, đảm bảo sự công bằng trong chính sách an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau” theo tinh thần chủ trương của Chính Phủ. Đây là nhân tố quyết định đến hiệu quả của phong trào thi đua.

Nhận thức đúng đắn của MTTQ các cấp về vai trò, ý nghĩa của Phong trào thi đua, từ đó chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp tốt với chính quyền và các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện. Mặt trận phải luôn đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế ở từng địa phương để phát huy hiệu quả cao nhất.

MTTQ phối hợp, thống nhất với chính quyền về các chương trình, các phong trào có cùng mục tiêu, nội dung để lồng ghép vào phong trào thi đua; đồng thời làm tốt công tác giám sát các chính sách an sinh xã hội như chính sách hộ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua, các đề án, dự án, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn của tỉnh... đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sự hỗ trợ đến được tận tay người dân để tạo niềm tin trong nhân dân, làm cơ sở để tuyên truyền, vận động sự tự nguyện đóng góp của người dân trong ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

 Làm tốt công tác sơ, tổng kết phong trào thi đua biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, nhân tố điển hình, gương người tốt việc tốt, mô hình tốt trong thực hiện phong trào thi đua. Chú trọng phát huy nhân tố điển hình, cách làm hay, mô hình có hiệu quả để nhân rộng.

Trong giai đoạn tiếp theo, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách của tỉnh về phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng, vươn lên thoát nghèo của nhân dân./.

Hoàng Linh