(Mặt trận) -Ngày 23/5, Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, việc tổ chức góp ý, phản biện đối với Dự thảo Quy hoạch nhằm mục đích đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, linh hoạt trong quá trình thực hiện.
|
Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. |
Theo đó, việc lập “Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến nǎm 2050” phải bảo đảm phù họp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát Kế hoạch phát triển chung của cả nước.
Phải đánh giá đầy đủ vai trò, vị trí, địa chính trị, kinh tế của tỉnh Nghệ An; các cơ hội liên kết với các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, cả nước và khu vực ASEAN.
Đồng thời, bảo đảm tính nhân dân, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; các nguyên tắc hài hòa lợi ích theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, tính đến hết ngày 17/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã có góp ý phản biện xã hội bằng văn bản của 7 huyện, 1 tổ chức thành viên, 3 Hội đồng tư vấn, 12 chuyên gia.
Bản quy hoạch có kết cấu thành 4 phần, trong mỗi phần có các mục, tiểu mục khá hợp lý. Phần mở đầu đã phân tích, dự báo, đánh giá được các yếu tố, điều kiện... đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển Nghệ An trong thời gian qua và trong tương lai.
Phần thực trạng đã đề cập khá rõ số liệu, có so sánh với kế hoạch với các thời kỳ trước, với bình quân chung toàn quốc và với các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh để làm rõ hơn vị trí các ngành, các lĩnh vực của Nghệ An so với các tỉnh, cả nước.
Phần mục tiêu và phương án phát triển Nghệ An trong thời gian tới đã xác định được quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 với các phương án phát triển cho từng ngành, lĩnh vực khá cụ thể.
Phần xây dựng các nhóm giải pháp và nguồn lực, tài liệu đã đưa ra 7 nhóm giải pháp chính cho suốt cả quá trình thực hiện các quan điểm, mục tiêu là tương đối hợp lý.
Tại hội nghị phản biện, nhiều ý kiến đánh giá, bản Dự thảo Quy hoạch đa số các ý kiến đồng tình và nhất trí với bố cục, nội dung của Dự thảo Quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào nhiều phần, mục chi tiết của Dự thảo.
Đơn cử như ông Trương Công Anh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, làm Quy hoạch trước hết phải đặt câu hỏi “vì sao Nghệ An vẫn đang nghèo” để từ đó có những quy hoạch chi tiết thiết thực, sát thực tiễn.
“Tôi băn khoăn là về miền Tây Nghệ An, nhất là từ Anh Sơn-Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn – Quế Phong, nếu các địa phương này đang còn nghèo thì Nghệ An chưa giàu. Đồng thời, phải tổ chức lại nền kinh tế Nghệ An, bởi không thể đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp manh mún”, ông Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, nói về các khu kinh tế, ông Anh cho rằng, không để chồng chéo trong quy hoạch vùng, hành lang, các khu, cụm kinh tế.
Bên canh đó, ông Anh đề nghị: “Nếu muốn Nghệ An phát triển bền vững phải đưa tài nguyên rừng ở miền Tây vào tầm chiến lược, vì lâu nay khu vực này chưa được đánh giá đúng mức. Bởi, đối với miền Tây tài nguyên duy nhất là đất và rừng, do đó phải đưa kinh tế rừng vào quy hoạch”, ông Anh phân tích.
Trong khi đó, góp ý vào Dự thảo Quy hoạch, ông Đậu Đình Liệu, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng: Bản Dự thảo Quy hoạch chưa nêu được những hạn chế của quy hoạch 10 năm qua. Và muốn quy hoạch đạt hiệu quả thì phải lấy thước đo của người dân để đánh giá.
Cũng tại hội nghị, các ý kiến phản biện còn góp ý vào các lĩnh vực như việc thu ngân sách, thu hút đầu tư, vấn đề môi trường, quy hoạch khu công nghiệp và tính đồng bộ trong quy hoạch.
ĐIỀN BẮC