(Mặt trận) -Với vai trò của mình, Mặt trận các cấp tỉnh Hậu Giang đã và đang tích cực góp sức phòng, chống dịch bằng nhiều việc làm, hành động thiết thực.
|
Mặt trận thị trấn Cái Tắc vận động và tặng 300 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19. |
Góp sức trong “mặt trận” tuyên truyền
Theo đó, Mặt trận các cấp tỉnh Hậu Giang đã phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tổ chức các hội nghị, phát tờ rơi đến các hộ dân, phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa cố định và loa di động... Qua công tác tuyên truyền, vận động đến nay đa số người dân đã hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19, biết cách tự phòng, chống và đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng, chống.
Ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh, có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, họ coi chùa Pô Thy Răng Sây là điểm tựa tinh thần và tín ngưỡng. Để giúp đồng bào Khmer nơi đây nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam phường IV phối hợp với chùa tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng Việt và tiếng Khmer.
Bận rộn với nhiều việc gia đình nhưng ông Danh Hồng, ở khu vực 1, phường IV, vẫn đến chùa dự buổi tuyên truyền và rất chăm chút ngồi nghe. “Đây thực sự là một buổi tuyên truyền hữu ích vì giúp người dân nắm cơ bản nội dung các văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi sẽ kêu gọi, vận động người thân của mình đang sinh sống, làm việc ở các tỉnh, thành có dịch nên hạn chế trở về địa phương; trường hợp phải về thì cần khai báo y tế và thực hiện nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch”, ông Danh Hồng nói.
Đại đức Danh Vũ Linh, trụ trì chùa Pô Thy Răng Sây, chia sẻ: “Chúng tôi đồng ý ngay khi nghe Mặt trận thành phố và phường IV muốn tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch tại chùa. Với vai trò của mình, tôi thường xuyên vận động, nhắc nhở đồng bào Khmer ở địa phương phải thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, hạn chế đến những nơi đông người… Nếu mỗi người có ý thức sẽ giúp công tác phòng, chống dịch được hiệu quả hơn”.
Ông Danh Thừa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh, đánh giá việc tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Khmer nhằm giúp cho đồng bào Khmer dễ dàng tiếp thu được các nội dung tuyên truyền. Bởi trong thực tế, vẫn còn nhiều người dân tộc Khmer biết ít tiếng Việt. Do đó, việc tuyên truyền bằng cả tiếng Việt và tiếng Khmer sẽ nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong vùng đồng bào.
Cũng theo ông Danh Thừa, Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đến người dân tại các khu dân cư trên địa bàn. Đồng thời, tranh thủ, tiếp xúc, gặp gỡ, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống theo tinh thần Công văn số 674 ngày 4-6-2021 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới.
Trong 6 tháng đầu năm, Mặt trận các cấp tỉnh Hậu Giang đã tổ chức được 6.564 cuộc tuyên truyền về phòng, chống dịch và các sự kiện chính trị của tỉnh, đất nước, có 211.891 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham dự. Theo ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Mặt trận các cấp trong tỉnh đã và đang tập trung thực hiện. Theo đó, cán bộ Mặt trận các cấp tiếp tục bám địa bàn và thực hiện phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phối hợp với các tổ chức thành viên và các ban, ngành có liên quan tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện.
“Chúng tôi tuyên truyền cho người dân có ý thức cảnh giác phòng, chống dịch khi phát hiện người lạ đến địa bàn, những người đi, đến, ở, về từ vùng đang có dịch Covid-19 để kịp thời thông báo ngay cho chính quyền địa phương. Ngoài ra, Mặt trận tỉnh yêu cầu Mặt trận các cấp tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân kiểm chứng thông tin, không nghe những tin đồn thất thiệt; không chia sẻ, phát tán thông tin không đúng sự thật sẽ vi phạm pháp luật”, ông Sơn cho biết thêm.
Quan tâm chăm lo đời sống người dân
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cuộc sống của một bộ phận người dân rơi vào cảnh khốn khó. Trong hoàn cảnh này, Mặt trận đã cùng với cấp ủy, chính quyền quan tâm chăm lo, giúp đỡ, san sẻ phần nào khó khăn với dân.
Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A phối hợp vận động trao 300 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, mỗi phần trị giá 250.000 đồng.
Bà Thị Nhị, ở ấp Tân Phú A, thị trấn Cái Tắc, chia sẻ: “Tôi đã lớn tuổi, cuộc sống dựa vào tiền do con cháu cho. Đang trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến việc làm ăn của con cháu nên cuộc sống càng thêm khó khăn. Được Mặt trận thị trấn vận động hỗ trợ quà gồm gạo và các nhu yếu phẩm đã giúp cuộc sống gia đình tôi đỡ phần vất vả”.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Cái Tắc, cho biết: “Cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, đặc biệt là những người sống bằng nghề bán vé số gặp không ít khó khăn do dịch diễn biến phức tạp. 300 phần quà được trao đã mang lại niềm vui, giúp người dân đỡ đần phần nào trong lúc khốn khó”.
Còn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Vị Thanh đã vận động 9 tấn gạo, trị giá hơn 100 triệu đồng hỗ trợ cho người dân. Riêng Mặt trận phường Hiệp Lợi, thành phố Ngã Bảy thì vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 110 phần quà, 150 hộp khẩu trang, 50 hộp thuốc cảm cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trị giá hơn 29 triệu đồng…
Các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú hay những phần quà được trao đến tận tay người dân của Mặt trận đã và đang thể hiện vai trò tích cực đồng hành cùng cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống đại dịch...
TRƯỜNG SƠN