Lan tỏa “sống xanh” bảo vệ môi trường

(Mặt trận) -Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thời gian qua, các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều mô hình, việc làm thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, góp phần hạn chế giảm thiểu rác thải, chung tay bảo vệ môi trường, tạo không gian sống xanh - sạch - đẹp.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

 Hoạt động đổi rác lấy quà, đổi rác tặng cây được đông đảo các bạn trẻ hưởng ứng.

Thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức

Nhiều năm qua, hình ảnh những phụ nữ xách làn đi chợ đã trở nên quen thuộc tại phường Nông Trang, thành phố Việt Trì. Các bà, các chị đã không còn thói quen dùng túi ni-lông để đựng thực phẩm, thay vào đó khi mua xong sẽ để trực tiếp vào làn và mang theo hộp để đựng các thực phẩm tươi sống như thịt, cá... Bà Trần Thị Thuyết - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu 2A chia sẻ: “Ngay từ khi phát động mô hình phụ nữ xách làn đi chợ, chị em trong chi hội đều đồng tình hưởng ứng, mới đầu có thể với một số hội viên cảm thấy bất tiện khi chưa quen nhưng một lần, hai lần rồi giờ đây đã trở thành thói quen hằng ngày của các hội viên mỗi khi đi chợ”.

Chị Phan Thị Thúy Hồng- Chủ tịch Hội LHPN phường Nông Trang cho biết: “Trên địa bàn phường hiện có sáu mô hình xách làn đi chợ; 14 nhóm tiết kiệm phế liệu; bốn mô hình nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; bốn nhóm mô hình phân loại rác thải hộ gia đình. Các mô hình đều được hội viên phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng, tham gia một cách tích cực, tạo sự lan tỏa trong gia đình và cộng đồng”.

Để giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông, hộp xốp dùng một lần, thời gian qua, Hội LHPN thành phố Việt Trì đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực như: “Phụ nữ xách làn đi chợ”, “Phụ nữ nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần” đồng thời tổ chức các chương trình tặng chai thủy tinh, hộp nhựa đảm bảo chất lượng, sử dụng được nhiều lần cho hội viên; khuyến khích sử dụng các loại túi giấy, túi tự phân hủy và sản phẩm thân thiện với môi trường. Các mô hình của hội đã trở thành hạt nhân góp phần xây dựng thành phố Việt Trì xanh- sạch- đẹp.

Cùng với các cấp hội, đoàn thể, những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, tác hại của việc xả rác bừa bãi, những cách làm hay từ tái chế rác thải nhựa để học sinh hiểu và nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Thông qua các tiết học ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, các trường học đã triển khai giảng dạy lồng ghép nội dung về tác hại của rác thải đối với môi trường và cách phân loại rác tại nguồn. Nhiều trường học còn tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, xây dựng các mô hình phòng, chống rác thải nhựa; tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, khu dân cư phát động chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; lồng ghép các hoạt động phòng, chống rác thải nhựa với bảo vệ môi trường như: “Tuần lễ hành động bảo vệ môi trường”; “Ngày môi trường thế giới”, tổ chức các cuộc thi vẽ khẩu hiệu, tranh cổ động cho phong trào chống rác thải nhựa, triển khai mô hình “Ngôi nhà phân loại rác” chia làm hai ngăn, một ngăn chứa rác thải có thể tái chế và một ngăn chứa giấy vụn. Qua đó, giúp học sinh nhận thức được về việc phân loại rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ đó thay đổi hành vi, thói quen của mình.

Lan tỏa lối “sống xanh”

Cùng với việc nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen hằng ngày, lan tỏa những việc làm tích cực tạo lối “sống xanh” trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ đã tạo ra những giá trị nhất định. Thuộc thế hệ 9X, vài năm trước, Nguyễn Thu Hằng, huyện Lâm Thao chưa từng nghĩ đến việc sẽ thay đổi lối sống của mình từ việc ăn uống, mua sắm cho đến phân loại rác thải sinh hoạt. Sự thay đổi bắt đầu khi Hằng nhận thức được mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường ngày càng rõ rệt hơn đến cuộc sống, khi nhìn lượng lớn những rác thải như ni-lông, chai, cốc nhựa... thải ra môi trường hằng ngày. Hằng đã bắt đầu thay đổi lối sống, thói quen của mình, tích cực tham gia vào các hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường tại địa phương, vận động người thân, bạn bè cùng tái chế rác thải nhựa thành chậu cây cảnh, bình hoa...

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, mỗi đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Lâm Thao đã trở thành một tấm gương đi đầu trong việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, tái sử dụng các sản phẩm nhựa và thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đồng chí Cao Xuân Huy - Bí thư Huyện đoàn cho biết: “Huyện đoàn đã triển khai các mô hình thiết thực như: “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa, “Thu gom, tái chế rác thải nhựa”, sử dụng các vỏ chai nhựa để tạo thành bình hoa, chậu cây cảnh tại nơi làm việc, trong gia đình, hay tạo cảnh quan đẹp tại các điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi. Các Đoàn xã đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện tuyên truyền vận động người dân, chủ quầy buôn bán ở chợ thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và ni-lông bằng cách mang theo túi từ bạt tái chế, làn cói, làn mây, hộp đựng dùng nhiều lần… hay đóng gói sản phẩm bằng lá dong, lá chuối; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường, chủ động phân loại rác thải tái chế và rác không tái chế ngay từ gia đình”.

Ý thức được vai trò quan trọng của môi trường đến chất lượng cuộc sống nhiều mô hình, lối sống xanh đã ngày càng được lan tỏa trong cộng đồng như: Mô hình đổi rác tặng cây xanh, đổi rác lấy quà, những ban công xanh, những nông dân sân thượng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù ở quê nhưng chị Phạm Hương Lan, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê lại có sở thích trồng rau xanh trên sân thượng, tận dụng khoảng sân thượng trống và những chai nhựa cũ đã qua sử dụng chị hiện đang sở hữu khu vườn ấn tượng với gần 150 chiếc chậu treo, lúc nào gia đình chị cũng sẵn rau sạch để ăn theo mùa. Chị Lan chia sẻ: “Rau dù không đa dạng như ngoài chợ nhưng rất sạch và không lo có thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi lần thu hoạch tôi cảm thấy vui bởi được tận hưởng thành quả lao động, công sức bao ngày của mình, đồng thời cũng tạo cho gia đình những giây phút thư giãn bên không gian xanh mát, trong lành và góp phần bảo vệ môi trường”.

Mỗi người bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đơn giản hàng ngày đều có thể góp phần hạn chế ô nhiễm, hạn chế rác thải, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giàu đẹp.

Thu Hương