Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Lang Chánh

(Mặt trận) -Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị của huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nhờ đó, nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và giảm nghèo bền vững đã ra đời, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Tân Phúc vốn là xã thuộc vùng khó khăn của huyện Lang Chánh. Với xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào XDNTM, Tân Phúc gặp không ít trở lực. Nào là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Chương trình XDNTM chưa đầy đủ. Nào là sản xuất nông, lâm nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nào là nguồn ngân sách của địa phương hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ... Với quan điểm công tác dân vận phải đi trước một bước, đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo trong XDNTM”. Cùng với thành lập 9 tổ dân vận ở cơ sở, Đảng ủy xã Tân Phúc đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị, các chi bộ vận dụng linh hoạt “cẩm nang” dân vận khéo “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để khơi dậy sức dân trong thực hiện các tiêu chí NTM. Thăm thôn Tân Thành, chúng tôi được đi trên những con đường bê tông sạch, đẹp chạy đến từng cổng, ngõ của mỗi hộ dân. Bí thư chi bộ thôn Lê Văn Hạnh, phấn khởi chia sẻ: “Đây chính là thành quả của dân vận khéo trong việc khơi dậy lòng dân, sức dân đóng góp tiền của, ngày công để làm đường giao thông nông thôn”. Đến khu sản xuất của thôn, ông Hạnh nói như muốn khoe: “Trước đây, tuyến đường phục vụ sản xuất của thôn chỉ là đường đất nhỏ. Việc đi lại, sản xuất của Nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những ngày có mưa đường trơn trượt. Với nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh Thanh Hóa, chi bộ, ban công tác mặt trận và tổ dân vận thôn đã vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường, đóng góp ngày công lao động bê tông hóa tuyến đường”. Tuyến đường phục vụ sản xuất hoàn thành không chỉ đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân thôn Tân Thành, mà còn góp phần nâng cao chất lượng, mức độ hoàn thành tiêu chí giao thông ở xã Tân Phúc. Qua báo cáo của xã Tân Phúc cho thấy, tổng nguồn vốn huy động XDNTM ở địa phương là 92,8 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng góp 48,8 tỷ đồng (chiếm 52,5%) để xây dựng hạ tầng nông thôn, chỉnh trang xây dựng nhà ở dân cư. Con số “biết nói” trên đã khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống dân vận ở xã Tân Phúc trong việc khơi dậy sức dân để XDNTM.

Không riêng gì xã Tân Phúc, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo trong XDNTM”, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở đã cùng vào cuộc vận động Nhân dân chung sức, đồng lòng XDNTM. Trong hơn 10 năm qua, Nhân dân huyện Lang Chánh đã đóng góp được hơn 30 tỷ đồng, hiến khoảng 5 ha đất cùng hoa màu và 70.500 ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn. Nổi bật là toàn huyện đã làm hơn 40km đường giao thông nông thôn, gần 20km đường điện chiếu sáng tại các thôn, bản; xây mới 8 công sở xã, 10 trung tâm văn hóa - thể dục thể thao xã; sửa chữa, làm mới 25 nhà văn hóa thôn.

Huyện Lang Chánh xác định, XDNTM không chỉ có đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, mà vấn đề cốt lõi là đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhằm giải quyết bài toán nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Học Bác “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị của huyện đã vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đáng kể nhất phải kể đến việc các xã, thị trấn trong huyện đã nhân rộng mô hình bón phân viên dúi sâu cho cây lúa đạt trên 50% diện tích và chuyển đổi gần 257 ha đất lúa 1 vụ bấp bênh, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây gai xanh, rau màu theo mùa và ngô dày phục vụ chăn nuôi. Trong đó, xã Quang Hiến và thị trấn Lang Chánh, từ năm 2016 đã chuyển đổi 7 ha đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao, đạt giá trị khoảng 170 triệu đồng/ha. Cùng với đó, toàn huyện đã cải tạo hơn 400 ha vườn tạp, xây dựng được 15 mô hình trồng trọt, 8 mô hình trình diễn trong sản xuất nông, lâm nghiệp. Cũng nhờ làm tốt công tác dân vận, bà con tại thôn Năng Cát, xã Trí Nang và thôn Chiềng Ban 2, thị trấn Lang Chánh đã xây dựng được vùng rau an toàn tập trung với diện tích 4,5 ha để phục vụ nhu cầu rau xanh an toàn hàng ngày của Nhân dân.

Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trong huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Hiện nay, toàn huyện đã có 30 trang trại vừa và nhỏ. Các mô hình chăn nuôi lợn rừng, nuôi lợn cỏ, gà đồi, dê... ở nhiều xã đã khẳng định được hiệu quả và đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các mô hình trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trồng. Hàng năm huyện trồng mới trên 1.000 ha rừng sản xuất, 1.000 ha rừng luồng được thâm canh. Sau hơn 10 năm, toàn huyện đã trồng, khai thác hơn 7.560 ha rừng sản xuất, trong đó có 1.500 ha rừng trồng gỗ lớn.

Ngoài các mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lang Chánh còn xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Tiêu biểu như mô hình “Cụm an toàn về an ninh trật tự” tại xã Quang Hiến, “Liên gia tự quản” tại xã Tân Phúc, mô hình “Thôn tự quản về phòng, chống ma túy” ở xã Yên Khương, mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”... Với nhiều cách làm sáng tạo, các mô hình “Dân vận khéo” đã khơi dậy, phát huy tinh thần trách nhiệm của Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn toàn huyện.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Lang Chánh đã thực sự lan tỏa sâu rộng ở cơ sở và gặt hái được “quả ngọt”. Những mô hình “Dân vận khéo” không chỉ làm đổi thay diện mạo của các vùng nông thôn, mà còn đóng góp tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác giảm nghèo của địa phương.

Nguyễn Thanh