Lan tỏa lối sống xanh

(Mặt trận) -Mô hình phân loại rác thải tại nguồn không chỉ giúp giảm số lượng rác thải, tiết kiệm công sức, chi phí xử lý rác thải, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, được đông đảo người dân hưởng ứng. Mô hình này có sự tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và các tổ chức thành viên nên đã nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống và lan tỏa lối sống xanh trong từng hộ gia đình, khu dân cư...

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Nhờ sự vào cuộc tích cực của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và các tổ chức thành viên,... nên qua 4 năm triển khai, mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã được đông đảo người dân hưởng ứng và nhân rộng ra nhiều địa bàn khu dân cư trong tỉnh. 

Điểm sáng An Tráng

Đã trở thành nếp sống, suốt 4 năm qua, cứ sau mỗi buổi đi chợ hay cuối ngày, bà Nguyễn Thị Hải (57 tuổi), ở thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) lại dành một ít thời gian để phân từng loại rác thải sinh hoạt trong gia đình. Với những thức ăn thừa, phế phẩm rau xanh... bà cho vào một túi; còn vỏ chai thủy tinh, lon bia, nước ngọt… bà cho vào một túi riêng. Bà Hải cho biết, các hộ dân ở đây đều có hai giỏ đựng rác, một giỏ đựng rác hữu cơ, một giỏ đựng rác vô cơ và để ở một góc hợp vệ sinh nơi sân vườn. Cuối tuần, người thu gom rác thải tập hợp đưa đến bãi tập kết rác để xử lý.

Theo bà Hải, từ ngày thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, lượng rác thải đổ ra môi trường rất ít và không còn tình trạng vứt rác thải nhựa, chai thủy tinh, túi ni lông ra ngoài ruộng, vườn. Nhờ đó, môi trường sinh sống của người dân ở nông thôn ngày càng được cải thiện.

 

 Chúng tôi trở lại thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) trong những ngày tiết trời chuyển sang mùa thu. Nắng không còn oi bức như những ngày đầu hè. Nhìn khu vườn nhà của bà Tôn Thị Hoa (51 tuổi) xanh mướt màu xanh của rau, củ quả, cây cối làm mọi người cảm thấy dễ chịu với cuộc sống ở vùng nông thôn. Để có được khu vườn như thế, bà Hoa đã tận dụng các loại phế phẩm từ rau xanh để ủ làm phân hữu cơ bón cho vườn rau, củ quả.

Bà Hoa chia sẻ, gia đình bà thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại nguồn hơn 3 năm nay, sau khi được Hội LHPN tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy tuyên truyền, vận động. Nếu không phân loại, xử lý rác ban đầu thì rác thải sinh hoạt sẽ vứt khắp nơi, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường sống. Khi thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt, bà Hoa đã tận dụng các loại rác hữu cơ để ủ làm phân bón cho cây trồng. Còn rác vô cơ bà cho vào bao tải hoặc thùng nhựa để công nhân môi trường đến thu gom. Riêng lon bia, nước ngọt, túi nhựa, giấy các loại... thì bà tập hợp bán cho các đại lý thu mua phế liệu. Vì thế, khuôn viên nhà cửa luôn gọn gàng, sạch sẽ.

Cuối năm 2018, thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng được chọn làm mô hình điểm về phân loại rác tại nguồn do Hội LHPN tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức. Các hộ được hỗ trợ 2 giỏ nhựa đựng rác hữu cơ và vô cơ, được tham gia lớp tập huấn. Các tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn người dân cách phân loại rác tại nhà. Hiện nay, có 100% hộ trong thôn An Tráng tham gia phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định.

 

 

Ngoài việc hỗ trợ 10 thùng rác lớn đặt ở một số khu dân cư trên địa bàn xã, hướng dẫn cách phân loại rác, qua 4 năm triển khai mô hình, Hội LHPN xã Nghĩa Thắng đã hỗ trợ, cấp phát hơn 300 giỏ rác để hội viên, phụ nữ phân loại và đựng rác. Đến nay, mô hình đã lan tỏa ra 5/7 thôn trên địa bàn xã Nghĩa Thắng, với trên 1.000 hộ tham gia.

Với cách làm này, từ một địa phương ở vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, thì nay, người dân nơi đây đã biết cách thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt. Những con đường làng, ngõ xóm trở nên sạch sẽ, hai bên đường là những hàng cây xanh mát và rực rỡ sắc hoa. Từ đó góp phần đưa Nghĩa Thắng đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2019 và đang hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 

 Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Võ Sinh Quân cho biết, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên và người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở địa phương.

 

Lan tỏa rộng rãi

Trên cơ sở thực hiện mô hình “thu gom, phân loại rác thải” thí điểm của Hội LHPN tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy, đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã cụ thể hóa thành những phong trào, hoạt động cụ thể gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương. Điển hình như ở xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), địa phương có mật độ dân số đông, với hơn 16.000 người. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn xã khá nhiều, nên khối lượng rác thải rắn, rác thải sinh hoạt thải ra môi trường là rất lớn. Do đó, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều bãi tập kết rác thải tự phát bốc mùi hôi thối, vung vãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường.

Xuất phát từ thực tế này, ngoài vận động hộ gia đình ký cam kết tham gia mô hình “phân loại rác thải tại hộ gia đình”, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tịnh Hà và nhân dân đã đồng lòng xây dựng mô hình “lò xử lý rác thải tại nhà”, thông qua việc hộ gia đình thu gom, phân loại rác thải, sau đó xử lý rác ngay tại nhà bằng lò đốt. Qua gần 2 năm triển khai, trên địa bàn xã Tịnh Hà đã xây dựng hơn 100 “lò xử lý rác thải tại nhà”.

Không những thế, từ mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phân loại rác thải giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng, như xây dựng nhiều “Ngôi nhà xanh tiết kiệm” chứa các loại rác thải nhựa, kim loại; bao bì giấy, để bán lấy tiền giúp đỡ hội viên, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây, Hội Phụ nữ xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) còn ra mắt mô hình đổi phế liệu tái chế lấy hàng nhu yếu phẩm như: muối, đường, nước mắm, dầu gội, xà phòng… thu hút đông đảo người dân tham gia.

 
 

 Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Các hoạt động bảo vệ môi trường được tổ chức vào các đợt cao điểm như: Chiến dịch thanh niên tình nguyện; Chủ nhật xanh; Ngày thứ Bảy tình nguyện… Với hoạt động thu gom, phân loại rác thải, chủ yếu được triển khai ở các khu vực ven biển. Trong đó, tuổi trẻ huyện Bình Sơn là một trong những điển hình trong công tác này, với các phong trào được triển khai, như thực hiện Dự án “Tử tế với sông Trà Bồng”, “Công viên từ rác tái chế cho thiếu nhi” và mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”; quyên góp hơn 500 chiếc túi thân thiện với môi trường; tổ chức hàng chục buổi tình nguyện thu gom rác thải và ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại rác và xử lý theo đúng quy định.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Dũng Đinh Thị Kim cho biết, quá trình thực hiện phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, vận động nên người dân đã hưởng ứng và tích cực tham gia, nhất là từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay. Giờ đây, về xã Hành Dũng không còn tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi dọc các tuyến đường, dưới sông hay ngoài đồng ruộng như trước nữa. Tất cả rác thải sinh hoạt đều được người dân phân loại ngay tại nhà, rác vô cơ được thu gom tới nơi quy định để xử lý.  "Mô hình này sẽ được phát huy và nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới để đưa xã Hành Dũng trở thành vùng quê văn minh; xanh, sạch, đẹp từ nhà ra đến ngõ", bà Đinh Thị Kim nhấn mạnh.

Thực hiện phong trào “phòng, chống rác thải nhựa”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã chủ trì, hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các mô hình tự quản ở khu dân cư để thu gom, xử lý rác thải ngay tại gia đình và đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và tinh thần trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Theo thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 500 tấn/ngày.

Đến nay, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình đã xây dựng được 50 mô hình điểm và triển khai sâu rộng ra 173 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Hiện tại, có 100% thôn, tổ dân phố ký cam kết triển khai thực hiện phong trào phân loại rác thải sinh hoạt đến từng hộ gia đình. Việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn được các địa phương triển khai với nhiều hình thức phù hợp, như hỗ trợ kinh phí để xây dựng lò đốt rác, cấp phát giỏ đựng rác theo phân loại cho các hộ gia đình.  

 

Phải hình thành thói quen hằng ngày

Tại TP.Quảng Ngãi, hoạt động phân loại rác thải tại nguồn được khởi động từ nhiều năm qua. Đến nay đã có rất nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động phân loại rác tại nguồn được tổ chức nhưng hiệu quả mang lại chưa được như kỳ vọng. Trong số những nguyên nhân khiến chương trình này chưa đạt mục đích đề ra là do người dân chưa hình thành được thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình, cũng như cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu… Vì thế, việc phân loại rác thải tại hộ gia đình trong nhiều năm qua tại một số địa phương trên địa bàn thành phố mới chỉ dừng lại ở việc phát động, vì chương trình không còn hỗ trợ thùng rác, giỏ đựng rác, dẫn đến việc phân loại rác thải sinh hoạt cũng dần bị lãng quên.

Để hoạt động phân loại rác thải tại nguồn đạt hiệu quả và bền vững, theo ý kiến của các chuyên gia về môi trường, nếu việc làm đó chưa trở thành thói quen, nếp nghĩ trong mỗi người dân thì cũng cần một “chế tài” cụ thể nhằm đưa phong trào trên vào khuôn khổ, nhất là khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Ông Đồng Tấn Thắng, ở tổ dân phố 1, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho biết, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, nhưng hiện nay còn nhiều người chưa quen thực hiện. Ông Thắng cho rằng, để việc phân loại rác thải có tính bền vững, lâu dài thì rất cần có một chế tài xử phạt hành chính, tương tự như việc quy định đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Có thể ban đầu nhiều người không thích, không tuân thủ, nhưng khi bị phạt, lần sau họ sẽ nhớ và thực hiện tốt hơn, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì sẽ hình thành thói quen.

Ngoài việc nâng cao nhận thức cho người dân, thì cơ sở hạ tầng trong xử lý, phương tiện thu gom cũng cần đáp ứng yêu cầu. Bởi lẽ, hiện nay các đơn vị thu gom thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đối với các loại rác đã được phân loại, dẫn đến tình trạng người dân thực hành phân loại rác thải nhưng nhân viên thu gom lại đổ chung, dẫn đến việc phân loại rác trở nên vô nghĩa, người dân “nản” không tiếp tục thực hiện.

Bà Đặng Thị Vân Anh, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho hay, trước đây nhà bà chấp hành tốt việc phân loại rác thải tại gia đình. Các loại thực phẩm bà để trong các bịch rác riêng, mang ra ngoài cũng đặt riêng, nhưng nhân viên thu gom rác lại bốc lên đổ chung với các loại rác khác.

“Người dân đã mất công phân loại rác thải, nhưng đơn vị thu gom không phân loại thì cũng không hiệu quả. Tôi cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên: hộ dân, đơn vị thu gom và đơn vị xử lý thì việc phân loại rác thải mới đi vào cuộc sống và thật sự bền vững”, bà Anh chia sẻ.

Phân loại rác thải tại nguồn là hành động nhỏ, ai cũng có thể làm được, nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn trong việc giảm lượng rác thải đổ về các bãi rác, tiết kiệm chi phí xử lý, giảm diện tích chôn lấp và tận dụng được nguồn rác tái chế để tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp. Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, để mô hình này hiệu quả và bền vững, ngoài những hỗ trợ về thùng rác, giỏ đựng rác, tăng mức chế tài xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm thì ý thức chấp hành của người dân là rất quan trọng, quyết định sự thành – bại của mô hình.

Thực hiện: THỦY TIÊN - THANH NHÀN – Báo Quảng Ngãi