Lâm Đồng tiếp thu, giải quyết kiến nghị của đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Chiều 21/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đại diện các tầng lớp nhân dân trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn năm 2023. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và 40 đại biểu là già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham dự.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Quang cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều già làng, người có uy tín đã bày tỏ niềm vui khi năm 2022, các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Đồng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, GRDP tăng hơn 12%, GRDP bình quân đầu người đạt 77,67 triệu đồng, tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 13,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,6% so năm 2021. Toàn tỉnh có 109/111 xã và 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới… Các chương trình mục tiêu quốc gia, như giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn mới được triển khai đồng bộ.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Đường Anh Ngữ cho biết, hoạt động này bắt đầu tổ chức năm 2022 và sẽ được duy trì hằng năm. Đây là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác dân tộc, tập hợp đoàn kết dân tộc của Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Thông qua việc cung cấp thông tin tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành sẽ tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn để có giải pháp phù hợp trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội, chính sách dân tộc và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số đã nêu các kiến nghị, đề xuất đối với chính sách, chủ trương nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như chế độ tuyển dụng, giải quyết việc làm đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số khi ra trường; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh; sinh kế giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số; có chính sách đào tạo đối với cán bộ cơ sở; xử lý vướng mắc trong cấp quyền sử dụng đất, tách thửa đất nông nghiệp; địa phương cần có chính sách xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế để nhân rộng; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Các kiến nghị, đề xuất của đại biểu đồng bào dân tộc thiểu số đã được các cấp thẩm quyền, cơ quan chức năng liên quan giải đáp trực tiếp tại hội nghị; đồng thời ghi nhận để có phương án giải quyết phù hợp, kịp thời.

Theo Báo Nhân Dân