Lâm Đồng: Phản biện Dự thảo Đề án phát triển đường giao thông nông thôn

(Mặt trận) -Sáng 9/6, dưới sự chủ trì điều hành của ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, hội nghị phản biện xã hội về Dự thảo Đề án phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được tổ chức.

Rộn ràng đón Ngày hội Đại đoàn kết ở bản Gia Khâu 1

Ấp Trà Kháo tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Quảng Bình: Bản đầu tiên tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Hội nghị với sự tham dự của các sở, ngành và các tổ chức thành viên của Mặt trận, MTTQ các huyện, thành phố. 

Đề án phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là môt Đề án rất quan trọng. Việc thực hiện Đề án có tác động lớn đến người dân và các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, việc tham gia phản biện xã hội vào Dự thảo Đề án là nhiệm vụ cần thiết và quan trọng, nhằm cung cấp thông tin nhiều chiều, những cơ sở thực tiễn và luận cứ khoa học xác đáng giúp cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án tiếp thu, hoàn thiện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh, đến năm 2021, toàn tỉnh có tổng chiều dài trên 9.500 km đường giao thông; trong đó, hạ tầng giao thông nông thôn trên 7.200 km, với khoảng 6.400 km đường giao thông nông thôn được cứng hóa, đạt tỷ lệ trên 88%. Mặc dù được đầu tư theo các chương trình, đề án, song đến nay hạ tầng giao thông nông thôn vẫn chưa hoàn chỉnh theo quy hoạch; nhiều tuyến được đầu tư nhưng với quy mô nhỏ, lẻ, thiếu tính liên kết, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp; một số công trình sau nhiều năm khai thác đã xuống cấp, hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân. 

Việc ban hành Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông, đa dạng nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông thiết yếu, tạo kết nối vùng, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. 

Mục tiêu của Đề án đến năm 2025 cấp xã sẽ có 100% số xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Cấp huyện có 100% số huyện đạt huyện chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới. Ngoài ra, 100% km đường huyện, xã được cứng hóa hoặc bê tông hóa, 100% km đường thôn được cứng hóa, 85% km đường ngõ, xóm được cứng hóa và 80% số km đường nội đồng được cứng hóa. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 915 tỷ đồng.

Các đại biểu đã tập trung tham gia phản biện các nội dung trọng tâm là: Sự cần thiết ban hành Đề án; sự phù hợp của Đề án đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tính đúng đắn, khoa học, khả thi của Đề án; dự báo tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh của Đề án; tính đảm bảo hài hòa, lợi ích Nhà nước, Nhân dân, tổ chức; tỷ lệ ngân sách nhà nước (cấp tỉnh, cấp huyện) quản lý hỗ trợ một phần từ vốn đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; phương thức huy động các nguồn lực xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu thực hiện Đề án…

Các đại biểu đã tham gia góp ý trách nhiệm sau nghiên cứu Dự thảo Đề án, đề nghị đơn vị xây dựng Đề án này cần phải làm rõ các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, phù hợp với Luật Giao thông đường bộ, trách nhiệm của từng đơn vị liên quan, vấn đề tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, kết quả thực hiện, việc huy động nguồn lực, nguồn kinh phí... để bảo đảm cho đề án sau khi được thông qua sẽ được triển khai đồng bộ, khoa học nhằm khai thác, phát huy hiệu quả. Cần phải chú trọng hơn công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân hưởng ứng, nhất là với xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tuyên truyền rộng, sâu để bà con có động lực tham gia hưởng ứng tạo đồng thuận. Đề nghị khi triển khai làm đường nông thôn cần quan tâm triển khai những con đường mang tính phổ biến cao, được đông đảo Nhân dân đồng tình, tránh làm những con đường nhỏ lẻ, ít người ủng hộ đồng tình, gây lãng phí nguồn kinh phí…

Những nội dung góp ý tại hội nghị sẽ được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và Ban soạn thảo đề án tiếp thu, tổng hợp, bổ sung, hoàn thiện trước khi trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.

N.T