Kon Tum: Hiệu quả từ mô hình “Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm”

(Mặt trận) - Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện nhiều mô hình điểm, cách làm hay tại các địa phương trong tỉnh, thu được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật trong đó là mô hình "Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm” tại thôn Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plông.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

Lễ hội cồng chiêng. Ảnh: Báo Đắk Lắk

* Hiệu quả từ việc triển khai, thực hiện mô hình "Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm”

Thôn Kon Bring nằm trên trục Quốc lộ 24, cách trung tâm huyện Kon Plông khoảng hơn 1 km. Tổng dân số trên địa bàn thôn có 61 hộ, 257 khẩu, trong đó hộ nghèo 46 hộ, hộ cận nghèo 4 hộ, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc Mơ Nâm (chiếm 90,16%). Đời sống của người dân chủ yếu là thu nhập từ sản xuất nông nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn thôn cơ bản ổn định, nhân dân trong thôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tập trung lao động sản xuất phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đã tạo cho Việt Nam nói chung, tỉnh Kon Tum cũng như huyện Kon Plông nói riêng có nền kinh tế phát triển đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Toàn cầu hoá  tác động mạnh mẽ tới những giá trị truyền thống tốt đẹp - cái làm nên bản sắc văn hoá riêng của tất cả các dân tộc, trong đó có đồng bào dân tộc tỉnh Kon Tum. Một mặt, sự tác động đó tạo điều kiện thuận lợi cho các dân tộc hình thành và phát triển những giá trị văn hoá mới; mặt khác, nó chứa đựng nguy cơ phá vỡ hoặc làm băng hoại những giá trị văn hoá truyền thống đã được tích tụ và tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc riêng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, một số thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số tại xã Đăk Long, huyện Kon Plong bỏ học, không tích cực tham gia lao động sản xuất mà sa đà vào ăn chơi, đua đòi. Các lễ hội văn hóa truyền thống như: Văn hóa cồng chiêng, Lễ hội đâm trâu, Lễ ăn lúa mới... của bà con dân tộc thiểu số dần bị mai một, nhiều người dân tộc Mơ Nâm không còn biết các nghi lễ truyền thống. Việc tập hợp đủ người đánh chiêng cũng không dễ dàng như xưa. Với lớp trẻ, nhiều bài hát cồng chiêng trở nên nhàm chán, đơn điệu, khó hiểu mà chạy theo văn hóa pha trộn. Nhiều gia đình mang bán những bộ cồng chiêng quý để lấy vốn sản xuất và giải quyết đời sống khó khăn.

Thực tế trên cho thấy, việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống cồng chiêng của người đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nâm là một việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong thời kỳ đất nước mở cửa và hội nhập như hiện nay, và UNESCO đã công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là "Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại". Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng vùng đất Tây Nguyên mà còn là niềm tự hào của nền văn hóa Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, tạo điều kiện để gìn giữ vốn văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. 

Mô hình “Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm” được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Long xây dựng, triển khai thực hiện tại thôn Kon Bring với nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Bước đầu, đội cồng chiêng được khôi phục với gần 30 người. Đó là những người con của dân tộc Mơ Nâm, với tinh thần yêu văn hóa dân tộc mình, tự nguyện, tự giác tham gia và mong muốn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau khi mô hình “Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm” được triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con nhân dân trong vùng về sự cần thiết trong việc xây dựng mô hình được đẩy mạnh. Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tổ chức nhiều cuộc họp quán triệt về ý nghĩa thiết thực của mô hình, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Mơ Nâm về lòng tự tôn dân tộc, từ đó nhận thức được việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo cơ hội để nhân dân trong vùng giao lưu với các nền văn hóa hiện đại trên cơ sở tổ chức các hoạt động du lịch.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Long đã phối hợp cùng đồng bào dân tộc Mơ Nâm tại thôn Kon Bring cải tạo không gian cư trú, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế gia đình bằng các hoạt động tham gia du lịch cộng đồng; nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân qua hoạt động văn hóa, du lịch và làng nghề; hạn chế những hoạt động kinh tế truyền thống lạc hậu, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, các loại động vật và thú rừng. Từ khi mô hình được triển khai và hoạt động, tình hình an ninh trật tự trong thôn được đảm bảo hơn. Mỗi khi rảnh rỗi, nhân dân tập trung tại nhà Rông luyện tập cồng chiêng, múa xoong, không còn tham gia phá rừng và săn bắt thú rừng trái pháp luật.

Trong những năm qua, với tinh thần trân trọng, yêu quý truyền thống văn hóa dân tộc, đội cồng chiêng thôn Kon Bring đại diện cho dân tộc Mơ Nâm thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức; mang đến cho các tua du lịch trên địa bàn huyện, tỉnh những nét độc đáo trong từng điệu xoang, nhịp chiêng của dân tộc mình với những bài cồng chiêng truyền thống như: Mừng lúa mới, Mừng ngày hội Tây Nguyên… góp phần giới thiệu, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Kết quả mà mô hình đem lại đã lan tỏa ra các thôn trong xã cũng như các xã lân cận khác… Việc khôi phục bản sắc văn hóa cồng chiêng khiến đời sống tinh thần của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nâm có sự thay đổi rõ rệt, các phong tục, tập quán lạc hậu được xóa bỏ ngày càng nhiều, tình trạng mê tín dị đoan không còn xảy ra, đời sống kinh tế của nhân dân ngày càng phát triển. Nét đẹp bản sắc văn hóa cồng chiêng - múa xoang đã góp phần phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa cồng chiêng nói riêng.

* Một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới để mô hình hoạt động có hiệu quả

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện mô hình "Giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng dân tộc Mơ Nâm” được triển khai thực hiện tại thôn Kon Bring, xã Đăk Long, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum trong thời gian qua đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến các thôn, làng và của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn khu dân cư. Việc triển khai thực hiện mô hình đã tạo ra những chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trách nhiệm xây dựng cộng đồng dân cư đối với mỗi người dân. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng của các dân tộc nói chung và của dân tộc Mơ Nâm nói riêng, để hiệu quả mô hình tạo sức lan tỏa rộng rãi, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, duy trì và vận động đồng bào dân tộc Mơ Nâm thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống trên địa bàn; tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật truyền thống gắn với hoạt động du lịch.

Thứ hai, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của mô hình gắn với việc triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thứ ba, duy trì nghiêm túc chế độ họp giao ban để báo cáo, trao đổi thông tin trong quá trình triển khai thực hiện. Định kỳ qúy, năm tham mưu cho cấp ủy tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện mô hình.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” là một cuộc vận động toàn dân, toàn diện, lâu dài, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội hiện nay. Công tác chỉ đạo xây dựng mô hình điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả, thu được những kinh nghiệm quý tạo bước khởi sắc rõ nét, góp phần thực hiện đạt kết quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phương Hà

Tài liệu tham khảo:

Tài liệu Hội nghị giao ban Công tác Mặt trận cụm các tỉnh Tây Nguyên năm 2017.