Kinh nghiệm vận động hội viên phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Đắk Lắk

(Mặt trận) - Những năm gần đây, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và tập trung thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, nhằm hướng đến tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng của phụ nữ trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, phụ nữ chiếm trên 50% dân số toàn tỉnh, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tích cực vận động hội viên phụ nữ thi đua lao động sản xuất, sáng tạo khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế, góp phần vào công tác giảm nghèo của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm đáng kể theo từng năm, nhưng tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao, chiếm 62,15% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Nhiều chị em dân tộc thiểu số không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông là rào cản lớn trong việc tiếp thu các kiến thức để thay đổi nếp sống, từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, các hộ nghèo cũng được hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, do vậy một số chị em vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa tự giác khắc phục khó khăn để thoát nghèo.

Từ thực trạng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai trong các cấp Hội nhiệm vụ tập trung các nguồn lực giúp phụ nữ thoát nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số.

Một là, Hội kiên trì thực hiện công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ chủ động, nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo; giúp chị em hiểu chỉ có thoát nghèo mới xây dựng được gia đình hạnh phúc, con cái được học hành, bản thân có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội…

Hai là, Hội rà soát, lập danh sách, nắm chắc các hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đặt chỉ tiêu xóa nghèo hàng năm đối với từng hộ; với phương châm 100% phụ nữ nghèo được hội hỗ trợ thoát nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp.

Ba là, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp. Các cấp Hội tuyên truyền, vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế để nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái. Vận động nguồn lực xã hội giúp phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đã có nhiều hoạt động sáng tạo, như: hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, vận động ủng hộ mái ấm tình thương… để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo. Hội đã khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn vốn từ chương trình, dự án. Thông qua vay vốn, nhiều chị em đã thoát nghèo bền vững và gắn bó hơn với tổ chức Hội. Cùng với hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt “Hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động.

Một trong những điều kiện để giúp hộ gia đình phụ nữ thoát nghèo bền vững đó là: hỗ trợ phụ nữ được đào tạo nghề, nắm bắt khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, có việc làm và thu nhập ổn định. 5 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng mở 107 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 362 hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số; tổ chức 42 lớp dạy nghề cho 1.150 lao động nữ dân tộc thiểu số, nghề đào tạo chủ yếu là: dệt thổ cẩm, trồng nấm, lúa, ngô lai, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc gia cầm. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, hướng dẫn phụ nữ dân tộc thiểu số chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: trồng và chế biến tinh dầu sả, tinh bột nghệ, macca, ca cao, cà phê, cây ăn trái; nuôi bò, ong mật… góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số như: “Tổ phụ nữ chăn nuôi bò chất lượng cao, bảo vệ môi trường”, “Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê năng suất, chất lượng cao”  tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), xã Ea Na (huyện Krông Na); “Phụ nữ dân tộc - tôn giáo giúp nhau làm kinh tế” (huyện Cư Mgar, Ea Kar, thành phố Buôn Ma Thuột,…); “Tổ phụ nữ trồng và chế biến tinh dầu sả”, “Tổ phụ nữ trồng cà tím” và duy trì, nhân rộng 70 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế với hàng ngàn hộ gia đình và hội viên, phụ nữ tham gia, điển hình như: mô hình “Tổ phụ nữ liên kết làm kinh tế”, “Tổ vần công, đổi công”,…

Hàng năm, các cấp Hội đã tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển kinh tế, khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh để chị em có điều kiện giao lưu, học tập kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình. Tổ chức các cuộc hội nghị biểu dương, tôn vinh và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các gương phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn làm ăn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Bốn là, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Chính phủ ban hành, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng và tập trung thực hiện hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, nhằm hướng đến tiếp sức mô hình kinh tế do phụ nữ thực hiện, hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng của phụ nữ trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương. Đến nay, đã hỗ trợ cho 325 tập thể, cá nhân phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh với số vốn là 572 triệu đồng. Chị em đã khởi nghiệp với các ngành, nghề như: thu mua phế liệu, sản xuất đậu phụ, chăn nuôi gà, vịt, bò, dê, dịch vụ tạp hóa, nước giải khát, buôn bán nhỏ, bán đồ ăn sáng và các mô hình trồng rau sạch, lúa sạch, gà an toàn, sản xuất rượu cần, hệ thống trồng rau thủy canh... bước đầu đã có nhiều kết quả khả quan.

Với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Bông nhận thức sâu sắc và luôn tâm huyết với công tác giảm nghèo nói chung và giảm nghèo cho phụ nữ nói riêng. Hội luôn quan tâm, tìm giải pháp xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả, giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống và giảm nghèo bền vững, đáp ứng được nguyện vọng thiết thực, chính đáng của hội viên phụ nữ. Các hoạt động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, các mô hình giúp phụ nữ nghèo được duy trì bằng nhiều hình thức thiết thực như: Tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật, cho vay không tính lãi, hỗ trợ ngày công, giúp cây con giống, mượn đất canh tác… đã tạo nên nguồn nội lực giúp cho 799 lượt phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội trong toàn huyện cũng quan tâm khai thác các nguồn vốn để hội viên vay đầu tư phát triển, tính đến thời điểm  cuối 2018 tổng dư nợ ngân hàng chính sách xã hội đạt trên 90 tỷ đồng cho hơn 3.000 hộ vay. Thông qua các nguồn vốn vay, chị em phụ nữ đã xây dựng các mô hình kinh tế, tạo thu nhập cho gia đình. Hoạt động đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn cũng được các cấp Hội chú trọng, trong năm 2018 các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho 325 lao động, đây chính là đòn bẩy tạo đà cho hội viên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Thông qua nhiều hình thức khác nhau, 5 năm qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã giúp cho 10.026 hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Các hoạt động thành công của Hội trong hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo thời gian qua đã khẳng định, Hội đi đúng hướng, đáp ứng được nhu cầu của hội viên, phụ nữ, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân tương ái, phát huy nội lực và vận động được nguồn lực xã hội trong công tác xóa đói, giảm nghèo.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, thời gian tới Hội Liên hiệp Phụ nữ của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục thực hiện giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nắm và phân tích số liệu về hộ phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, đặc biệt là hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; Thường xuyên quan tâm chia sẻ, động viên kịp thời thông qua các hoạt động thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; Hàng năm xây dựng kế hoạch chi tiết, lựa chọn các hình thức phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo giúp đỡ cụ thể đối với từng hộ gia đình.

Thứ hai, tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách về công tác xã hội giảm nghèo của Đảng, Nhà nước tới người dân; đồng thời vận động người dân phát huy nội lực, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với ngành nông nghiệp, khuyến nông, đoàn thể mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, học nghề tạo việc làm để hỗ trợ hội viên phụ nữ về kiến thức, kỹ năng trong quản lý kinh tế gia đình.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tập trung hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc giới thiệu và kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng. Mở rộng các loại hình kinh doanh dịch vụ, sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi góp phần ổn định kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Thứ tư, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay và nguồn lực xã hội để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tập trung thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” để xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Thị Bích Hà

Trường Chính trị tỉnh Đăk Lăk