Khi những cánh rừng đang dần biến mất

(Mặt trận) - Mưa bão, lũ quét, sạt lở liên tiếp xảy ra trong thời gian qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với những con số thiệt hại khiến ai cũng phải giật mình. Hơn 100 người chết và bị thương, nhà cửa, tài sản, vật nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng, ước tính lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Đó là hậu quả nhãn tiền khi những cánh rừng đang bị hủy hoại, những cánh rừng đang “ngã” xuống nhường chỗ cho những sân golf, thủy điện, resort…

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Khung cảnh tan hoang sau lũ tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tuấn Anh/Vietnamplus.vn

Rừng Việt Nam là kho tài nguyên quí báu, là bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái. Rừng không những là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội mà còn giữ chức năng sinh thái cực kỳ quan trọng: rừng tham gia vào quá trình điều hòa khí hậu, đảm bảo chu chuyển ôxy và các nguyên tố cơ bản khác trên hành tinh, duy trì tính ổn định và độ màu mỡ của đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, ngăn chặn xói mòn đất, làm giảm nhẹ sức tàn phá khốc liệt của thiên tai, bảo tồn nguồn nước mặt và nước ngầm, làm giảm mức ô nhiễm không khí và nước.

Đất nước ta với ba phần tư diện tích là rừng, đồi núi - một điều kiện thiên nhiên tuyệt vời. Vậy mà giờ đây diện tích rừng đó còn lại bao nhiêu? Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu làm giàu của con người ngày càng cao, họ có thể bất chấp tất cả mọi điều để đạt được những gì mà mình mong muốn. Rừng là tài nguyên đem lại nhiều nguồn lợi, chính vì vậy rừng đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, số người thiệt mạng trong đợt lũ vừa qua ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thực sự khiến chúng ta giật mình. Ước tính sơ bộ tỉnh Thanh Hóa đã có 16 người chết, 55 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 28.146 ngôi nhà bị ngập; 144 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất… thiệt hại khoảng 2.700 tỷ đồng; Hòa Bình có 33 người chết, toàn tỉnh có hơn 3.100 hộ bị ngập lụt, diện tích lúa và hoa màu đều bị ảnh hưởng do mưa lũ, thiệt hại khoảng 1.630 tỷ đồng.

Cách đây chưa đầy 2 tháng, mưa lớn cũng đã gây sạt lở đất, lũ quét tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), huyện Mường La (Sơn La), huyện Nậm Pồ (Điên Biên). Trận lũ khủng khiếp đã khiến 34 người chết và mất tích ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, và làm 240 ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi, thiệt hại khoảng trên 800 tỉ đồng…

Bên cạnh những tác động của biến đổi khí hậu, những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết thì một trong những nguyên nhân gây ra những cơn lũ quét, sạt lở nghiêm trọng trong thời gian qua chính là do bắt nguồn từ nạn chặt phá rừng bừa bãi. Trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện gần 1.700 vụ phá rừng trái pháp luật… Riêng khu vực Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay phát hiện 757 vụ, tăng 88 vụ (13%), diện tích rừng bị thiệt hại gần 420 ha, tăng 145 ha (trên 50%) so với cùng kỳ 2016. Tại khu vực phía Bắc, tâm điểm phá rừng thời gian qua được nhắc đến nhiều nhất là ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tính từ năm 2016 đến 9/2017, đã phát hiện 295 vụ phá rừng trái pháp luật ở khu vực này, gây thiệt hại 288 ha rừng. Hay tại Bắc Kạn, vụ khai thác cây gỗ nghiến trái pháp luật quy mô lớn tại Vườn quốc gia Ba Bể với khối lượng trên 250 m3... và còn nhiều vụ chặt phá rừng ở khắp nơi trên cả nước đang ngày ngày diễn ra bất chấp những hệ quả khôn lường.

Một thực tế đáng báo động đó là gần 90% diện tích rừng bị mất hiện nay được thay thế bằng các sân golf, nhà máy thủy điện, resort... Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong 5 năm qua (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm.

Nạn chặt phá rừng bữa bãi hiện nay đang ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh: Trương Hồng/Danviet.net

Hiện nay, nạn chặt phá rừng đang là một vấn đề lớn và nhức nhối. Làm thể nào để giải quyết được vấn đề này là một câu hỏi cấp bách. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng phải được quán triệt mạnh hơn trong mọi cấp chính quyền, trong cả hệ thống chính trị". Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm ba chủ trương.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạo hành động nhất quán các cấp, các ngành.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Thứ ba, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời hành vi phá rừng. Các bộ, ngành, địa phương cần đồng tâm làm cho diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên. Gần đây, độ che phủ rừng đã tăng lên 40%, tuy nhiên để trồng được những cánh rừng nguyên sinh như thế, đúng nghĩa là những tấm giáp chắn giúp điều tiết nước cũng như môi trường sống thì phải hàng chục năm hoặc lâu hơn nữa.

Những cơn lũ đã cướp đi bao sinh mạng và của cải. Hậu quả của lũ dữ nhắc người ta nhớ nhiều đến những cánh rừng trơ trụi, bị tàn phá do lòng tham và sự thụ hưởng của con người. Lũ vẫn đổ về mỗi năm, và hàng năm, những ngọn đồi vẫn trọc đi, những cánh rừng vẫn bị khoét rỗng từ trong lòng. Điều cần thiết và cấp bách để ngăn chặn nạn chặt phá rừng bừa bãi lúc này là sự chung tay của cả xã hội, sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp chính quyền và quan trọng hơn cả đó là ý thức của người dân, hãy dừng ngay việc tàn phá rừng, hủy hoại đi cuộc sống của chính họ và cộng đồng.