(Mặt trận) -Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Qua đó, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Để hướng dẫn và triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở một cách đồng bộ và hiệu quả, ngay sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, Phòng Tư pháp đã tham mưu cho UBND huyện Nga Sơn ban hành các văn bản hướng dẫn, đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng nội dung của luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện thường xuyên quan tâm kiện toàn, củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động với quyết tâm giải quyết dứt điểm các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn từ gốc, không để phát sinh vụ việc phức tạp. Ngoài ra, công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên (HGV) cũng được tiến hành thường xuyên, có nền nếp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải... Qua đó, chuyển tải kịp thời chính sách, văn bản pháp luật mới ban hành đến các HGV và người dân; cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật để phục vụ công tác hòa giải của các HGV trên địa bàn huyện.
Hơn 10 năm tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, ông Mai Văn Toản, tổ trưởng tổ hòa giải, trưởng thôn Mật Kỳ, xã Nga Trường, chia sẻ: “Bà con trong thôn, xóm nhiều khi chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt, nhưng do không biết phân định đúng sai nên dẫn đến tranh cãi gây mâu thuẫn rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng, nghĩa xóm. Một phần do sự hiểu biết về pháp luật của người dân còn hạn chế, mặt khác do bản tính nóng nảy của mỗi người nên đẩy mâu thuẫn đi xa hơn. Để hóa giải thành công những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, trước hết người làm công tác hòa giải phải thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật. Theo đó là phải có sự bàn bạc, thống nhất trong cách làm của các thành viên trong tổ và đảm bảo tính khách quan, công tâm để tháo gỡ khúc mắc giữa đôi bên một cách thỏa đáng, tránh kiện tụng vượt cấp. Tóm lại, làm công tác hòa giải tuy gặp không ít khó khăn nhưng cũng có rất nhiều niềm vui. Bởi hòa giải không chỉ để giải quyết những mâu thuẫn nhất thời mà còn giúp hàn gắn tình làng, nghĩa xóm, tình cảm gia đình được gắn bó, bền chặt...”.
Những vụ việc hòa giải thành công mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần đoàn kết, ổn định chính trị, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn dân cư. Hiện nay, toàn huyện có 168 tổ hòa giải tại 168 thôn, khu phố với 1.192 HGV; số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải từ 7 - 9 HGV. Các tổ hòa giải được cơ cấu đầy đủ các thành phần, như: Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban mặt trận, thành viên hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh là người có uy tín, đủ năng lực và hiểu biết pháp luật tham gia. Đa số HGV đều có trình độ học vấn từ THPT trở lên, được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về hòa giải, có kinh nghiệm sống, có thái độ công tâm, khách quan vì lợi ích cộng đồng và tích cực, trách nhiệm trong công tác hòa giải. Để nâng cao chất lượng, cung cấp kiến thức mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ HGV, hàng năm Phòng Tư pháp huyện tổ chức các hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các HGV. Nội dung tập trung vào những vấn đề sát với thực tế cơ sở như: Hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai, vụ việc dân sự nhỏ... Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các HGV có nhiều cố gắng, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn trong những năm qua ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. Năm 2021, các tổ hòa giải, HGV trên địa bàn huyện đã tiến hành thụ lý hòa giải 89 vụ việc (trong đó hòa giải thành 75 vụ; hòa giải không thành do vượt quá thẩm quyền 4 vụ: số vụ đang giải quyết 10 vụ, tỷ lệ hòa giải thành đạt 84,2%).
Ông Phan Văn Hợi, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Nga Sơn, cho biết: “Những năm qua, công tác hòa giải trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ cao; mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư được giải quyết kịp thời, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài; ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tình làng, nghĩa xóm ngày càng thắt chặt... Tuy nhiên, hiện nay trước sự phát triển mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội dẫn tới tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng phức tạp. Điều đó đòi hỏi những người làm công tác hòa giải ở cơ sở phải thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới và cần được bồi dưỡng về kỹ năng hòa giải nhằm hạn chế tối đa những vụ việc hòa giải không thành, phải chuyển lên cấp trên. Vì vậy, thời gian tới, huyện Nga Sơn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo về công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng tuyên truyền, TTPBGDPL, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác hòa giải; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tư pháp với MTTQ và các tổ chức thành viên của mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; củng cố kiện toàn tổ hòa giải, HGV; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải; cung cấp tài liệu pháp luật cho đội ngũ HGV ở cơ sở; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi HGV giỏi, tuyên truyền viên pháp luật...”.
Phan Nga