Huyện Hoằng Hóa đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

(Mặt trận) -Xác định phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, huyện Hoằng Hóa đã đẩy mạnh các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thiết chế văn hóa và chú trọng đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương... nhiều công trình ra đời từ sự đóng góp tiền của, công sức của Nhân dân, góp phần làm cho bức tranh nông thôn ở các miền quê ngày càng khởi sắc.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

 Cổng làng Trọng Hậu, xã Hoằng Quỳ.

Để tạo nền tảng cho việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, trong những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hoằng Hóa đã chú trọng triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh Thanh Hóa. Điển hình như chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Quyết định số 62/2006/QĐ-BVHTT ngày 23-6-2006 của Bộ Văn hóa Thông tin về ban hành quy chế công nhận gia đình văn hóa, làng văn hóa... Cùng với đó, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện đã có sức lan tỏa rộng lớn, thu hút đông đảo mọi lực lượng của toàn xã hội tham gia, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hóa, giáo dục và quan hệ ứng xử trong gia đình, cộng đồng. Từ phong trào này, việc xây dựng và giữ vững các danh hiệu văn hóa đã trở thành mục tiêu, động lực phấn đấu của các địa phương.

Nổi bật trong thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, là việc thực hiện có hiệu quả cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Theo đó, MTTQ các cấp phối hợp tuyên truyền, triển khai các tiêu chuẩn, tiêu chí và đăng ký khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Phong trào xây dựng khu dân cư “3 không” (khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội; khu dân cư không vi phạm vệ sinh môi trường, các quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội; khu dân cư không vi phạm hương ước, quy ước), các chương trình về bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Đến nay, toàn huyện có 220/243 khu dân cư lành mạnh không phát sinh ma túy và 220/243 khu dân cư không có tệ nạn xã hội. Đặc biệt, với mô hình: “Khu dân cư xanh, sạch, đẹp; xã, thị trấn an toàn và trong sạch môi trường” và “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, MTTQ huyện đã hướng dẫn, chỉ đạo từ 3 mô hình điểm, đến nay đã nâng lên 9 mô hình trên địa bàn huyện. Cuộc vận động đã khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và phát huy dân chủ ở cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Cùng với việc thực hiện cuộc vận động TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, phố văn hóa, cơ quan văn hóa... được huyện Hoằng Hóa triển khai thực hiện, số lượng gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước, hàng năm có 92 - 95% gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Nhiều xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa từ 80% trở lên như: Hoằng Thịnh, Hoằng Phú, Hoằng Quỳ, Hoằng Thắng, Hoằng Đồng, Hoằng Lộc, Hoằng Phong... Bên cạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, phong trào xây dựng làng, phố văn hóa cũng được chú trọng, năm 2021 toàn huyện, có 243/243 (đạt 100%) thôn, phố đăng ký xây dựng danh hiệu khu dân cư văn hóa, 220/243 (đạt 90,59%) thôn phố công nhận danh hiệu văn hóa, nhiều xã đạt và giữ vững danh hiệu làng văn hóa tốt như: Hoằng Giang, Hoằng Tân, Hoằng Phong, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh, Hoằng Lộc... phong trào xây dựng thôn, phố văn hóa góp phần tích cực vào việc xây dựng cộng đồng dân cư ổn định về chính trị, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Song song với các phong trào trên, việc xây dựng “cơ quan đạt chuẩn văn hoá” đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện hướng ứng tích cực, thông qua việc hưởng ứng và thực hiện tốt các tiêu chí về nếp sống văn hóa, văn mình công sở, xây đựng cơ quan, đơn vị văn hóa, đồng thời phát động các phong trào như: phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo”, phong trào “thi đua yêu nước”, mô hình “cổng trường thanh niên tự quản”, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện “vì người nghèo”... Đến nay, đã có 183/203 cơ quan đăng ký khai trương; trong đó, số cơ quan được công nhận đạt chuẩn 135/203 cơ quan, đơn vị.

Xác định, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa, nhiều năm qua, huyện Hoằng Hóa luôn quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Toàn huyện hiện có 317 nhà văn hóa, trong đó có 240 nhà văn hóa đã và đang từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao cũng được phát triển mạnh mẽ với hình thức hoạt động phong phú, đa dạng; các hoạt động lễ hội truyền thống, văn hóa phi vật thể, những thuần phong mỹ tục tốt đẹp của địa phương được khôi phục, gìn giữ và phát huy thu hút được đông đảo Nhân dân tham gia. Hàng năm vào các dịp lễ, tết, các lễ hội truyền thống được tổ chức hoạt động phục vụ Nhân dân như: giao lưu văn nghệ quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ, thi đấu các môn thể thao truyền thống như: cờ tướng, bài điếm, chơi đu, đua thuyền, võ, vật, giao hữu các môn thể thao... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân đân.

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định, phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn huyện Hoằng Hóa. Qua phong trào đã khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái và làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo nền tảng vững chắc để địa phương hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.

Thu Hằng