Hòa An thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

(Mặt trận) -Để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng huy động cả hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, triển khai đồng bộ các chính sách, huy động các nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân..., tạo thành sức mạnh tổng hợp, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giảm nghèo hiệu quả.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Nông dân xã Trương Lương (Hòa An) chuyển đổi mô hình chăn nuôi lợn sang nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo. 

Thông qua các tổ chức Hội, đoàn thể, ông Ngô Văn Pá, xóm Lũng Luông, xã Trương Lương vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản, từ đó, gia đình ông vươn lên thoát nghèo năm 2021. Ông Pá cho biết: Nhiều năm là hộ nghèo do ít đất sản xuất, sau khi vay 30 triệu đồng để mua bò giống, gia đình tập trung chăm sóc bò sinh sản. Với 1.000 m2 đất rẫy nhưng sản xuất không hiệu quả, tôi trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Từ 1 - 2 con bê, nay gia đình có đàn bò 8 - 10 con, hằng năm bán 3 - 4 con. Không chỉ trả được vốn vay, nay gia đình bắt đầu có tích góp để sắm sửa các vật dụng. Thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục trồng thêm các loại cây khác có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập.

Gia đình của ông Pá là một trong gần 700 hộ thoát nghèo trong năm 2021 của huyện. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các cấp, ngành chủ động bám sát những văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh thực hiện đồng bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung vào các chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm, cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm cho người nghèo, hộ nghèo. Thực hiện hỗ trợ về giáo dục, đào tạo nghề, nhà ở, trợ giúp pháp lý, văn hóa, thông tin và hỗ trợ nâng cao mức sống cho các đối tượng bảo trợ xã hội…

Các tổ chức đoàn thể phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi tại địa phương để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo trên địa bàn. Tổng số hộ đang hưởng lợi từ các chương trình 4.600 hộ, tổng dư nợ 153 tỷ 562 triệu đồng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng quy định. Có 1.757 lượt học sinh thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp, tổng kinh phí 344,991 triệu đồng; 120 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp, tổng kinh phí 63,038 triệu đồng. Mua 15.132 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, 9.303 thẻ cho người nghèo, 704 thẻ cho người thuộc hộ cận nghèo, 1.143 thẻ cho các đối tượng bảo trợ xã hội…

Đặc biệt, xác định thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là giải pháp then chốt trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương, huyện rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể. Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 1.026 hộ có nhu cầu hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó, 48 hộ gia đình chính sách người có công, 978 hộ nghèo. Có 186 hộ đăng ký hỗ trợ làm nhà lắp ghép, 468 hộ đề nghị hỗ trợ làm nhà mới có đối ứng, 372 hộ đề nghị hỗ trợ sửa chữa. Đến nay, đã làm 297 nhà với tổng số tiền 11,854 tỷ đồng (6 nhà lắp ghép, 216 nhà xây mới có đối ứng, 75 nhà sửa chữa). Nguồn kinh phí được bố trí, phân bổ 3,460 tỷ đồng. Huyện tổ chức lễ phát động quyên góp ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn, vận động được 1,242 tỷ đồng và nhiều ngày công giúp đỡ các hộ dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của nhân dân, kết quả giảm nghèo của huyện đạt được thành tựu nổi bật. Đầu năm 2021, toàn huyện có 2.448 hộ nghèo, chiếm 17,65%; 1.329 hộ cận nghèo, chiếm 9,58%. Sau điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021, toàn huyện còn 1.904 hộ nghèo, chiếm 13,66%, giảm 3,99%; 1.289 hộ cận nghèo, chiếm 9,24%, giảm 0,34% (565 hộ nghèo, 125 hộ cận nghèo đã thoát nghèo).

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa An Đàm Thế Trang cho biết: Hiện nay, huyện tiếp tục thực hiện tốt các dự án, chính sách ưu đãi cho người nghèo. Xây dựng mô hình giảm nghèo phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, định kỳ tổng kết rút kinh nghiệm, coi trọng xây dựng các mô hình trình diễn để học tập, tham khảo. Xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư nguồn vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; mở rộng công tác đào tạo, dạy nghề ngắn hạn cho nông dân, cho hộ nghèo về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng sản xuất, chăn nuôi; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, hướng dẫn, giúp đồng bào dân tộc đổi mới nhận thức, cách thức làm ăn  hiệu quả. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

  Xuân Lam