Hải Dương: Triển khai Đề án 01/138 tại 9 xã, phường, thị trấn

(Mặt trận) -Từ ngày 17 đến 24/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị triển khai nhân rộng mô hình Đề án 01/138 tại 9 xã, phường, thị trấn.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 “Nhóm nòng cốt” thực hiện mô hình" thôn Tông Phố, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách ra mắt hội nghị (ngày 18/5/2023)

Trên cơ sở kết quả triển khai, thực hiện Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” (gọi tắt là Đề án 01/138) tại các huyện, thị xã, thành phố từ năm 2019, năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình điểm tại 9 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời giúp các đối tượng có cơ hội tái hòa nhập với cộng đồng, góp phần ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giảm tỷ lệ tái phạm tội của các đối tượng tại địa bàn dân cư; xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh từ mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.

Theo kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các xã, phường, thi trấn được chọn làm điểm xây dựng mô hình năm 2023 gồm: xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, phường Hải Tân, phường Chí Minh, TP Hải Dương và thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc.

Để thực hiện có hiệu quả mô hình, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương và các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các ngành chức năng liên quan lựa chọn, hướng dẫn MTTQ cấp xã nơi được chọn làm điểm triển khai thực hiện. Trong đó, những đơn vị được chọn làm điểm phải có đối tượng cần cảm hóa, giáo dục và tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp về an ninh, trật tự.

Tại các hội nghị triển khai xây dựng mô hình Đề án 01/138, số lượng đại biểu có từ 90 đến 100 đại biểu. Trong đó, ngoài đại biểu tỉnh, cấp huyện, đại diện cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cấp xã, Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể ở các thôn, khu dân cư, Ban tổ chức hội nghị mời đại biểu đại diện các gia đình có con em thuộc đối tượng cần phải đưa vào diện cảm hóa, giáo dục và một số đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù hoặc cải tạo về hòa nhập với cộng đồng trên địa bàn.

Về quy mô và nội dung, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương sẽ trực tiếp phối hợp tổ chức hội nghị triển khai. Hội nghị tập trung đánh giá tình hình và thực trạng tình hình an ninh trật tự tại địa phương; thảo luận, triển khai kế hoạch xây dựng mô hình; công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo, các "Nhóm nòng cốt" thực hiện mô hình và ra mắt hội nghị.

Đối với các đơn vị không triển khai điểm của tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã sẽ tiến hành rà soát các điểm của tỉnh đã triển khai nhân rộng từ năm 2019, qua đó đánh giá hiệu quả của mô hình, tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình tại đơn vị cấp xã trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời phối hợp với Ban chỉ đạo 138 cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả của Đề án 01/138 đến các tầng lớp Nhân dân.

Đoàn Thanh Nam (MTTQ tỉnh)