(Mặt trận) - Sáng 19/7, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP và dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị.
|
Quang cảnh hội nghị |
Thay đổi để phù hợp thực tiễn
Sau hơn 5 năm triển khai thi hành, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Chính phủ đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị, an ninh tôn giáo và an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh những tình huống chưa phù phợp thực tế, dẫn đến nhiều vướng mắc, mâu thuẫn và tiềm ẩn nguy cơ gây mất đoàn kết. Điều đó đòi hỏi cần có sự thay đổi để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm điều chỉnh các quy định cho phù hợp với thực tiễn.
Do đó, năm 2022, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo và hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP và dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời hướng dẫn UBND các tỉnh, TP triển khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162/2017/NĐ-CP cơ bản giữ phạm vi điều chỉnh của Nghị định trước, gồm quy định chi tiết thi hành 8 nội dung được Luật giao và một số biện pháp thi hành của Luật thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, trong từng điều khoản cụ thể, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162 đã tập trung sửa đổi một số quy định chi tiết thi hành theo hướng cụ thể hơn, phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Nghị định bổ sung một số biện pháp thi hành Luật như quy định về điều kiện đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, thay đổi người đại diện, thay đổi địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; về đình chỉ toàn bộ hoạt động và phục hồi hoạt động của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đình chỉ toàn bộ hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo tôn giáo và phục hồi hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; về hoạt động tôn giáo bằng hình thức trực tuyến…
Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo quy định về các nội dung gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, tổ chức, mọi cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử phạt vi phạm hành chính, kể cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hình thức xử phạt bao gồm phạt hành chính và hình phạt bổ sung.
Cụ thể, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đối với cá nhân là 30 triệu đồng và đối với tổ chức là 60 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là đình chỉ chức vụ người đứng đầu; đình chỉ hoạt động của tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc… Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt.
Đồng thuận, nhất trí cao
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, đã có 11 ý kiến phát biểu đóng góp, hầu hết đồng ý việc cần thiết phải bổ sung 2 Nghị định trên. Các ý kiến đi vào nhiều nội dung của hai Nghị định và khẳng định hai Nghị định không trái với những Luật khác. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 162, cần làm rõ hơn các nội dung liên quan đến yếu tố tôn giáo là người nước ngoài và một số nội dung liên quan đến cơ sở tôn giáo, công trình tôn giáo…
Đối với dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, cần xem xét mức xử phạt hành chính sao cho phù hợp hơn, nên hạn chế phạt tiền. Ngoài ra, cần xem lại quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan, tổ chức…
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao các ý kiến đóng góp trách nhiệm của các đại biểu. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, các ý kiến tâm huyết, thể hiện sự thống nhất quan điểm của MTTQ TP trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, làm tốt hơn công tác xây dựng Đảng, chính quyền, vận động Nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chức sắc tôn giáo đã hệ thống logic, khoa học các vấn đề lý luận và thực tiễn trong 2 lĩnh vực và sẽ tổng hợp đầy đủ; lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp Nhân dân để hoàn thiện các dự thảo Nghị định.
Hoàng Quyết