Hạ Lang thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

(Mặt trận) -Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài bảo đảm an sinh xã hội, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tặng quà cho hộ nghèo, công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bình Định

Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Quỹ “Vì người nghèo”

Khi người dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới

 Nhiều hộ dân huyện Hạ Lang phát triển chăn nuôi bò, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện chương trình, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án và huy động nguồn lực của toàn xã hội hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Đến hết năm 2021, toàn huyện còn 1.638 hộ nghèo, chiếm 26,87%, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,56%/năm; 1.228 hộ cận nghèo, chiếm 20,14%. Thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất, người dân được tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang Nguyễn Phương Huy cho biết: Để triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo, hằng năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu của hộ nghèo, nhu cầu việc làm của người lao động để có giải pháp thực hiện hiệu quả. Chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng. Thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo như: chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ sản xuất phát triển ngành nghề; hỗ trợ người dân xây dựng chuồng chăn nuôi...

Thông qua nguồn vốn từ các chương trình 135, 30a, nông thôn mới…, từ năm 2016 đến nay, huyện hỗ trợ gần 45 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp với các mô hình trồng cây cam Vinh, chăn nuôi lợn, gà; hỗ trợ trên 18 tấn giống cây trồng các loại, 14.000 con giống (trâu, bò, lợn), hỗ trợ 883 hộ dân xây dựng chuồng nuôi với tổng kinh phí trên 2,1 tỷ đồng… Anh Nông Văn Ty, xóm Hùng Binh, xã Thắng Lợi chia sẻ: Được vay vốn ưu đãi theo chương trình cho vay hộ nghèo từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đầu tư sửa chữa chuồng chăn nuôi, mua thêm giống lợn, gia cầm về nuôi. Ngoài ra, tôi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; được hỗ trợ cây, con giống.Nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập ổn định, phấn đấu thoát nghèo trong năm 2022.

Ngoài chính sách hỗ trợ sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, trung bình huyện bố trí gần 50 tỷ đồng/năm thực hiện đầu tư hạ tầng cơ sở cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống đường nông thôn ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất. Năm 2021, huyện vận động trên 440 triệu đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”. Cùng với các nguồn kinh phí của tỉnh, các nguồn quỹ khác, huyện hỗ trợ 267 hộ nghèo đặc biệt khó khăn sửa chữa, xây mới nhà ở...

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu giảm từ 5% hộ nghèo/năm trở lên. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện chủ động phân bổ ngân sách, ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp... Triển khai lồng ghép các nguồn lực địa phương, thực hiện các mô hình giảm nghèo và nỗ lực nhân rộng các mô hình hiệu quả, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững.                   

Hoài An