GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo sư (GS) là những người thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho đất nước, là nhà giáo có trình độ cao nhất thuộc lĩnh vực nào đó. Đến khi không đủ sức tham gia đào tạo, nghiên cứu, ông sẽ trả lại chức danh này.
GS.TSKH Phạm Tất Dong. Ảnh: HT
Bộ trưởng có thể phong làm Viện sĩ
Bàn về vấn đề những người làm công tác quản lý có nên được phong là GS hay không, GS.TSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ, GS là những người thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho đất nước, là nhà giáo có trình độ cao nhất thuộc lĩnh vực nào đó. Họ mẫu mực, có lương tâm và đạo đức với nghề.
Trong đó, có một quyền cao quý không gì sánh bằng là được đào tạo tiến sĩ. Bên cạnh đó là được phụ trách học thuật để có thể đứng ngang hàng so với thế giới, đứng đầu các trường phái khoa học.
Tuy nhiên, GS chỉ làm công tác quản lý, không làm đúng nghề giảng dạy, đào tạo, sẽ rất lãng phí và vô nghĩa. Trường hợp Bộ trưởng cũng không nhất thiết phải có chức danh GS khi bộ trưởng chỉ làm công tác quản lý, không giảng dạy. Người làm công tác khoa học nhưng gắn với nghiên cứu mà không phải đào tạo thì có thể phong là viện sĩ.
Bên cạnh đó, GS Phạm Tất Dong cũng chỉ ra rằng kể cả là Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước, cũng không nhất thiết phải là GS. Bởi người làm công tác quản lý, thay mặt Nhà nước để phong chức danh này không có nghĩa họ phải làm chức danh này. Một số quốc gia khác, người không làm nhà giáo hay bác sĩ vẫn là Bộ trưởng Bộ GDĐT hay Bộ Y tế.
Ông Dong cũng thẳng thắn bày tỏ bản thân còn nhận chức danh GS vì vẫn đang làm nghiên cứu khoa học trong nhiều năm và hiện vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh và thạc sĩ. Đến khi không đủ sức tham gia đào tạo, nghiên cứu, ông sẽ trả lại chức danh này.
Đã là giáo sư vẫn phải học tập
GS Phạm Tất Dong đề xuất bổ nhiệm chức danh GS phải gắn liền nơi đào tạo, vùng miền cần họ để đạt hiệu quả cao nhất cho việc cống hiến. Ngoài ra, GS nên được kiểm định 5 năm một lần. Nếu không còn đào tạo hay giảng dạy, GS nên dành lại chức danh cho người khác. Ông cho rằng việc bổ nhiệm GS, PGS có thể tiêu cực. Điều này đòi hỏi các hội đồng phải công tâm và có trình độ.
“Có lần tôi góp ý tại sao hội đồng phong GS lại có PGS? Bởi thành viên hội đồng xét công trình, bài báo khoa học thì bắt buộc phải có trình độ hơn ứng viên? Thứ hai là tồn tại việc bỏ phiếu ở hội đồng liên ngành công nhận GS không ghi tên, không minh bạch. Những người làm khoa học thực sự chân chính phải dám ghi tên và chịu trách nhiệm với Nhà nước. Để công tâm, khi phong GS, tất cả hội đồng phải ký và có tên tuổi đàng hoàng”, GS Phạm Tất Dong nói.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh đã là GS thì không có nghĩa là dừng học tập, trau dồi kiến thức. Tại buổi gặp mặt cán bộ đoàn tiêu biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc với lãnh đạo Bộ GDĐT, GS.TSKH Phạm Tất Dong thẳng thắn chia sẻ với kiến thức bây giờ nhìn lại thời điểm ông được phong chức danh GS, ông thấy bản thân thật nhỏ bé, thậm chí có những bài viết không hiểu sao lại chỉ viết được như vậy. Nói như vậy để nhấn mạnh rằng, GS vẫn phải học và hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn, không phải cứ là GS, không có chức danh gì cao hơn nữa để ngừng phấn đấu.
Chế độ cho hội đồng quá thấp
Bàn về tiêu chuẩn, chế độ cho thành viên Hội đồng Chức danh, ông Dong cũng thông tin cách đây hơn 7 năm, khi nhiều năm làm việc trong hội đồng công nhận GS, ông chỉ nhận được 500 nghìn đồng tiền thẩm định cho mỗi ứng viên. Số tiền người thẩm định hiện nay nhận được khoảng 1-2 triệu đồng trong khi họ phải làm rất nhiều việc, đọc nhiều bài báo, công trình nghiên cứu khoa học. Tất cả công việc đó đều rất mất thời gian và trí lực. Có những ứng viên gửi rất nhiều tài liệu, thậm chí 60 quyển sách. Nếu không đầu tư chi phí cho người thẩm định cao hơn, làm sao họ hăng hái, công tâm và tận tụy được? Thậm chí, vì chi phí thấp, có thể họ sẽ nhận tiền "đút lót" của ứng viên.
Theo Huyên Nguyễn/Lao động