GS.TSKH Hoàng Xuân Sính: Chúng ta đang nhầm lẫn giữa học hàm và học vị Tiến sĩ?

Nhiều người nỗ lực để lấy bằng tiến sĩ để có cái danh cá nhân, chạy theo hư danh, còn chất lượng chuyên môn thế nào luôn là dấu hỏi lớn cho các nhà quản lý, cho xã hội. Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo đề án về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm. Đề án nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

GS.TSKH Hoàng Xuân Sính (nữ Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam) cho rằng, đào tạo sau đại học ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị, vì nhiều người đi học lấy bằng không phải vì mong muốn làm việc tốt hơn mà là để thăng tiến chức vụ. Trước đề án mới, bà cho rằng việc đào tạo là cần thiết bởi hiện nay tiến sĩ nghiên cứu khoa học và  tiến sĩ giảng dạy là rất thiếu. Nếu đề án này được thực hiện, chọn được đúng người giỏi thì không còn hiện tượng “cơm chấm cơm”, thạc sỹ đào tạo đại học và thạc sỹ. Và việc đào tạo tiến sĩ đúng nghĩa thực chất phải song hành cùng chế độ đãi ngộ sau đào tạo…

Tiến sĩ không phải để làm quản lý

Thời gian qua, có một thực tế là sinh viên học đại học xong ra trường không xin được việc rồi lại đi làm thạc sỹ, tiến sĩ? Và rất nhiều người đi làm tiến sĩ chỉ để lấy “danh” và không liên quan tới giảng dạy. Đó có phải là một sự bất hợp lý không, thưa giáo sư?

- Lâu năm trong giáo dục, chúng tôi đã thấy ở nước ta có 3 vấn đề rất đáng chú ý: Đối với bậc phổ thông các trường phấn đấu để học sinh đỗ vào đại học; Đối với bậc đại học các trường phấn đấu để sinh viên tốt nghiệp có việc làm; Đối với bậc sau đại học thì ta có một hiện tượng lạ lùng, đó là không phải phấn đấu gì hết.

Cho tới nay tôi chưa thấy có quy chế về thạc sỹ nghiên cứu ở nước ta và tôi đã đọc một văn bản của Bộ Giáo dục đề cập tới thạc sỹ nghiên cứu trong tương lai sắp tới, tôi xin hoan nghênh. Cho nên khi làm tiến sĩ, các thày hướng dẫn phải chấp nhận nghiên cứu sinh chỉ có thạc sỹ nghề nghiệp và đành phải làm hộ hoặc cho ra lò những luận án tồi. Vả lại người đi làm thạc sỹ hay tiến sĩ của nước ta hầu như chỉ nhằm tiến thân, không hề mong muốn có thêm kiến thức để làm việc tốt hơn.

Câu chuyện đào tạo tiến sĩ của ta dư luận xã hội đã bức xúc nhiều rồi. Chúng ta làm ẩu nên mới vỡ bục ra, mới có chuyện tiến sĩ mà một chữ tiếng Anh không biết, báo cáo khoa học đọc không hiểu. Đây là hệ quả của cả một quá trình dài tư duy đào tạo sau đại học theo kiểu tạm bợ, ẩu tả, làm cho xong...

Giáo sư là nữ tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam, vậy thời đó, bà làm tiến sĩ như thế nào?

- Ôi, khó lắm chứ. Tôi làm trong thời chiến tranh, bom đạn. Hồi đó tôi đang giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm, nhà trường không có chế độ cho cán bộ nghỉ để làm tiến sĩ. Đi sơ tán ban ngày dạy học, đêm tôi ngồi viết luận án dưới ánh đèn dầu.Viết bằng tiếng Pháp trong sự hướng dẫn của thầy ở xa. Xong gửi ra nước ngoài ghi danh, đăng ký bảo vệ như một thí sinh bình thường. Có cả hội đồng chấm xem luận án này có xứng đáng được bảo vệ không. Khi nhận được sự chấp thuận từ Pháp được phép sang bảo vệ luận án, thì có nhiều ý kiến không đồng tình cho tôi đi vì sợ tôi đi sẽ không về. Người ủng hộ tôi tích cực nhất giai đoạn đó là bà Hà Thị Quế - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà chỉ xuất thân là một du kích, không có điều kiện học hành nhiều, nhưng đã đưa ra lý lẽ ủng hộ tôi rất thuyết phục. Bà nói, thứ nhất tôi 40 tuổi rồi, ở nước ngoài 40 tuổi xin việc rất khó, không có việc thì sống bằng gì; Thứ hai con tôi ở nhà, mà không người phụ nữ nào bỏ con cả... Vậy cứ yên tâm cho tôi đi. Luận án viết xong từ năm 1972, ba năm sau nhờ sự can thiệp đấu tranh của Hội Phụ nữ, năm 1975 tôi mới được sang Pháp bảo vệ...

Bà nói, quy trình đào tạo tiến sĩ của mình hiện còn dễ dãi, vậy theo bà, thế nào là quy trình chuẩn và phù hợp với thông lệ quốc tế về đào tạo tiến sĩ?

- Trước hết chúng ta phải định nghĩa lại học vị tiến sĩ. Thực chất tiến sĩ chỉ dành cho người đi dạy học và nghiên cứu, những người dấn thân vào khoa học. Mình hiểu sai tất cả, một phần do ảnh hưởng từ thời phong kiến, từ bao đời học hành thi cử đỗ đạt để ra làm quan. Người làm tiến sĩ nên được nhận học bổng để dành toàn bộ thời gian công sức cho nghiên cứu. Ở mình thì không cho nghỉ và cũng không ai muốn nghỉ. Đang làm quản lý mà nghỉ để đi làm tiến sĩ thì ai dám. Nghĩa là người làm tiến sĩ không dành toàn bộ thời gian chỉ để tập trung làm tiến sĩ. Thế nhưng, ở ta lại vừa làm quản lý vừa làm tiến sĩ thì tài quá. Đã đến lúc chúng ta tuyển dụng đội ngũ công chức, viên chức cho các chức danh quản lý không liên quan đến nghiên cứu khoa học, và giảng dạy cũng không cần ưu đãi bằng tiến sĩ thì mới mong trả lại đúng ý nghãi của học hàm tiến sĩ.

GS.TS Hoàng Xuân Sính

Vậy theo giáo sư, những cơ quan nằm ngoài các viện nghiên cứu, các đơn vị quản lý không nên lấy học hàm tiến sĩ ra làm một trong những tiêu chí tuyển dụng hay ưu đãi?

- Không nên bởi đó là sự lãng phí nguồn nhân lực. Đào tạo tiến sĩ như hiện nay là quá lãng phí. Trọng lượng kiến thức của anh lúc anh làm tiến sĩ hầu như không có, làm xong rồi bảo vệ rồi có học vị rồi cũng không làm khoa học, không nghiên cứu giảng dạy thì thật phí phạm. Làm tiến sĩ theo kiểu cho xong, lấy cái bằng, cái học vị để mưu cầu lợi ích khác. Quy trình bổ nhiệm cán bộ cũng nên thay đổi. Người ta là tiến sĩ giỏi thì để người ta nghiên cứu, làm chuyên môn, phụng sự xã hội theo cách đó, chứ ưu ái cất nhắc lên quản lý có khi lại nảy sinh ra một nhà quản lý tồi. Chúng ta cũng chưa có sự phân loại thạc sỹ nghề nghiệp và thạc sỹ nghiên cứu. Thạc sỹ nghề nghiệp để giúp nâng cao kiến thức trình độ cho những người làm chuyên môn, kể cả quản lý. Thạc sĩ nghiên cứu là sự chuẩn bị cho những người muốn làm tiến sĩ nghiên cứu, làm khoa học... Có những cá nhân từ thời trẻ đã làm tiến sĩ, rồi chuyển sang hoạt động chính trị thì được. Chứ đã là thứ trưởng, bộ trưởng rồi thời gian đâu, công sức đâu mà làm tiến sĩ. Ai mà làm được thế thì giỏi quá.

Trong bối cảnh hiện nay, làm thế nào để phân biệt được một tiến sĩ giỏi?

- Điều ấy rất dễ thôi, hiện Bộ GD-ĐT đã có những quy định siết chặt hơn về các  bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế. Và trong Đề án lần này, để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học, Bộ  chỉ nên tập trung vào những người giỏi, và dành hoàn toàn thời gian để làm tiến sĩ. Tuy nhiên, thay vì nhiều về số lượng, chúng ta nên tập trung về chất lượng. Nếu anh không giỏi, trong môi trường nghiên cứu anh sẽ bị đào thải một cách tự nhiên. Điều này rất rõ ràng với nghiên cúu sinh ở nước ngoài. Và để làm được tiến sĩ, một đề tài ấp ủ, có khi từ rất nhiều năm, năm này qua năm khác, trong đầu bạn chỉ tập trung vào một vấn đề đó để phát triển, để tìm ra cái mới, chứ không chỉ hời hợt đào tạo tiến sĩ đi kèm với quyền lợi với “hô danh” như bấy lâu. Cùng với đó, đào tạo rồi, chúng ta phải có môi trường làm việc phù hợp mới mong giữ chân được người giỏi…

Trân trọng cảm ơn GSTS. Hoàng Xuân Sính!

Chế độ đãi ngộ không cào bằng

Bàn về đề án đào tạo tiến sĩ, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng đưa ra lý do thiếu tiến sĩ là chưa thuyết phục. “Bởi thực tế, tuy thiếu tiến sĩ nhưng lại thừa… “tiến sĩ giấy”. Nếu cứ đào tạo thêm một số “tiến sĩ giấy” nữa thì dư luận bất bình là điều dễ hiểu. Tất nhiên, có nhiều tiến sĩ là tốt nhưng phải là tiến sĩ thực chất, đáp ứng đúng nhu cầu đào tạo. Vừa qua, tôi thấy có quá nhiều tiến sĩ các thể loại rồi, từ chính trị học, giáo dục học, tâm lý học, xã hội học, đến cả tiến sĩ quản lý phường xã nữa... Đào tạo bát nháo mà không đáp ứng được nhu cầu thì quá lãng phí!”.

Theo ông Nhĩ, tuyển đầu vào tiến sĩ cần lựa chọn những nơi nào thực sự cần thiết, đáp ứng được nhu cầu đang thiếu. Bộ GD-ĐT cũng cần tìm hiểu kỹ nơi nào đào tạo chất lượng, đào tạo phải nghiêm túc. Đồng thời, ông Nhĩ cũng nêu ra một thực trạng hiện nay là hiện tượng chảy máu chất xám. 12.000 tỉ trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn không phải là số tiền nhỏ. Hãy có cách nào đó để khuyến khích người đi học bằng hình thức xã hội hóa. Người học bỏ tiền ra học cũng tốt, vì họ có xót tiền của mình thì mới cố gắng.

Cụ thể, trong đề án có nêu rõ sẽ đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ năm 2017 đến 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.

Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người. Đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam; Thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.

Để đào tạo tiến sĩ đúng thực chất, không chạy theo số lượng, không chạy theo hư danh, cần phải có sự kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ

Cũng theo dự thảo, tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng đào tạo tiến sĩ. Cơ cấu nguồn kinh phí bao gồm: Ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học chiếm 1%.

Để đề án đào tạo thêm 9000 tiến sĩ đúng thực chất, không chạy theo số lượng, không chạy theo hư danh, cần phải có sự kiểm soát nghiêm túc, chặt chẽ chất lượng đầu ra, không khoan nhượng với luận án chất lượng thấp. Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao chuẩn đầu ra tiến sỹ từng bước tiếp cận với trình độ và chuẩn mực như ở các nước phát triển. Thêm nữa, chúng ta cần phải có chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài cho tương xứng, không cào bằng.