Giữ lửa cho “lò luôn nóng và nóng đều” ​

“Giữ lửa cho lò luôn nóng và nóng đều”, đó phải trở thành “mệnh lệnh của trái tim”, “tiếng gọi của non sông đất nước” để công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII tiếp tục thu được những thành công hơn nữa, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

Hình ảnh Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.

Coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nền tảng và động lực tinh thần để phát triển xã hội. Để giữ vững vai trò lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải có tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp để mọi người noi theo. Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng ta đã trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nguy cơ tha hoá quyền lực xuất hiện. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, đồng thời quan tâm giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Người đã từng cảnh báo: tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, vi phạm nguyên tắc Đảng là một trong những điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền.

Trong thời kỳ đổi mới, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, nhất là tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên càng gia tăng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (tháng 01-1994), Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái này và coi đó là một trong bốn nguy cơ cần quan tâm đấu tranh phòng, chống. Các kỳ đại hội tiếp theo và các hội nghị Trung ương các khoá tiếp tục đánh giá thực trạng và diễn biến của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái này là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt. Tuy nhiên, các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, về phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói riêng và việc quán triệt, thực hiện những nghị quyết đó còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. “Trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng, một số việc chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Trong tự phê bình và phê bình, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra phổ biến; một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm trong công việc được giao. Trên một số vấn đề, qua kiểm điểm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân chưa thực hiện được. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”(1). Vấn đề đặt ra, vì sao trong thời gian rất dài, qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đều rất quan tâm đề ra những nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống suy thoái trong cán bộ, đảng viên mà kết quả thu được không như mong muốn và tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lại nghiêm trọng như vậy?

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Hội tụ được lòng Dân với ý Đảng

Qua tổng kết từ lý luận và thực tiễn, thấy được nguyên nhân và nhận thức rõ tính chất nguy hiểm về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đối với sự tồn vong của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã quyết định ban hành Nghị quyết chuyên đề “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Có thể nói Nghị quyết này là kết tinh trí tuệ của Đảng và nhân dân ta, được xây dựng công phu, hoàn chỉnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với mục tiêu trọng tâm là “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.

Thực tế hơn một năm qua cho thấy Nghị quyết đó đã và đang từng bước được thực thi, đi dần vào cuộc sống. Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết cũng có nhiều điểm mới, rất kiên quyết, sát sao và làm một cách “bài bản”, khoa học, theo quan điểm: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Kết hợp giữa “xây” và “chống”, “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp làm nòng cốt, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng…”(2).

Qua hơn một năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã có được những kết quả bước đầu. Ngày 10-4-2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng đã diễn ra cuộc họp của Ban Bí thư cho ý kiến về Báo cáo tổng hợp kết quả 5 đoàn của Ban Bí thư kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu kết luận, nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã “được tiến hành nghiêm túc, bài bản hơn và cơ bản theo đúng kế hoạch”. Mặt được là đã tạo thành phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái. Công tác xây dựng Đảng được coi trọng hơn, ý thức toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng Đảng được nâng cao, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, tất cả cùng vào cuộc. Vai trò, vị trí, uy tín của Đảng được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế…”(3).

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái đã trở thành “phong trào của toàn dân” và thu được nhiều thành công trong thời gian vừa qua. Hàng ngàn cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, không còn xứng đáng, đã bị chỉ mặt vạch tên, xử lý kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố, Thứ, Bộ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, đến Uỷ viên Bộ Chính trị, dù đã nghỉ hưu hay đương chức, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã và đang bị xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”. Những bản án nghiêm khắc dành cho những người từng là đồng chí, đồng đội thật là đau xót. Nhưng cắt bỏ những ung nhọt để làm cho cơ thể của Đảng được sạch sẽ, khoẻ mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng là điều cần thiết. Đảng và Nhân dân ta đã và đang làm một cách thực chất.

Câu nói giản dị, nổi tiếng hôm nào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được…” (4). Đó cũng là cách khái quát bằng hình ảnh về kết quả, thành công bước đầu rất quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, về “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.

Trong lịch sử, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, chỉ đến Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII thì “lò” mới được “nóng” lên với hàm ý “lò” là Nghị quyết, là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; “nóng” là chỉ sức sống của Nghị quyết, là sự thực hiện Nghị quyết đã trở thành “phong trào của toàn dân”. “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản”(5).

Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành phong trào, thành một xu thế, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã hội tụ được lòng dân với ý Đảng, huy động được sức mạnh của nhân dân. Quan điểm này được thể hiện rõ trong Nghị quyết, đó là: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt”. Đó là điều cốt yếu nhất, bởi sức dân là sức nước. Hơn năm thế kỷ trước, Nguyễn Trãi có nói: “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Hơn một trăm năm sau, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đề cao “dân vi bản” nghĩa là dân là gốc của nước, bằng hai câu thơ: Cổ lai quốc dĩ dân vi bản. Đắc quốc ưng tri tai đắc dân (6). Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nói: Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong (7), hoặc: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (8).

Giữ lửa cho “lò luôn nóng và nóng đều

Giờ đây, vấn đề “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên, không có gì khác hơn là phải “giữ lửa cho lò luôn nóng và nóng đều”. Tại sao lại như vậy?

Thứ nhất, vì đó đã trở thành “phong trào của toàn dân”, là ý Đảng hợp lòng Dân. Đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng vì coi Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là “Đảng ta”, là “Đảng của mình”, muốn cho Đảng luôn được trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Nhóm được ngọn lửa xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cho nó trở thành “phong trào của toàn dân” là cả một hành trình rất công phu mới có được. Để ngọn lửa đó nguội lạnh hay tắt đi là có tội với Dân, với Đảng.

Thứ hai, vì còn có không ít nguy cơ, thách thức, khó khăn, trở ngại có thể làm “nguội lạnh” phong trào.

Đó là sự chống phá của các thế lực thù địch với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu của chúng là thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam bằng mọi cách, mọi âm mưu, thủ đoạn, trong đó có chiến lược “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng ta. Chúng xuyên tạc công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rêu rao rằng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII là “đấu đá nội bộ”, “thanh trừng phe phái” nhằm đánh lạc hướng dư luận, làm chệch mục đích, ý nghĩa tiến tới phá hoại, làm nguội lạnh phong trào của toàn Đảng, toàn dân.

Đó là những trở ngại vẫn còn từ ngay trong nội bộ Đảng được thể hiện dưới nhiều dạng thức. Chúng ta biết rằng, hơn một năm thực hiện Nghị quyết đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, “bộ phận không nhỏ” ấy bị thu hẹp hơn, “nhỏ hơn” đôi chút, nhưng chưa phải đã hết. “Bộ phận không nhỏ” vẫn còn đấy, “những đồng chí chưa bị lộ” ấy, chắc chắn là mong muốn và tìm cách làm cho cái “lò” phải nguội lạnh để họ được “bình chân như vại” trong Đảng mà tiếp tục “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” lên “ông này, bà nọ” mà “vinh thân phì gia” mãi. Câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được” còn là sự cảnh báo, nhắc nhở rằng, trong nội bộ còn có những người “không muốn làm” - không muốn thực hiện. Tại cuộc họp của Ban Bí thư ngày 10-04-2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại nhắc nhở, cảnh báo: “Thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hoá biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Kết quả năm 2017 chứng tỏ điều đó. Tăng trưởng kinh tế quý 1-2018 lần đầu tiên sau 10 năm đạt 7,38%. Có ý kiến cho rằng “không cẩn thận sẽ làm nhụt chí, không ai muốn làm nữa”, rõ ràng tư tưởng đó là sai. Tôi đã nói, nếu ai thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm” (9).

Nếu ai thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm” - Đó không chỉ là lời nhắc nhở, cảnh báo về những lực cản trong nội bộ - những người “không muốn làm” mà còn thể hiện ý chí, quyết tâm chính trị không chỉ của Tổng Bí thư - “người nhóm lò”, mà là của toàn Đảng, toàn dân quyết “giữ lửa cho lò luôn nóng và nóng đều” (!)

Sở dĩ cần phải thêm “nóng đều” vì qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII, mặc dù đã có được kết quả bước đầu, rất quan trọng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong cuộc họp của Ban Bí thư nêu trên. Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế khác nữa, như sự chuyển biến chưa đồng bộ, toàn diện giữa các cấp, ngành, lĩnh vực, giữa trên và dưới. Việc học tập Nghị quyết, Chỉ thị còn qua loa, hình thức, việc kiểm điểm phê bình, tự phê bình còn sơ sài; chưa phát huy hết vai trò nhân dân…

Thực tế cho thấy, nhân dân, những đảng viên chân chính, những lão thành cách mạng, cựu chiến binh, những người tâm huyết với Đảng rất quan tâm, lo lắng chuyện “cái lò” nóng hay lạnh, và nóng thì có “nóng đều” hay không? Vì thực tế những năm tháng đã qua cho thấy không ít phong trào rơi vào tình trạng “đánh trống buông dùi”, “đầu voi đuôi chuột”. Không thiếu những chỉ thị, nghị quyết, những chủ trương, chính sách, pháp luật không đi được vào cuộc sống, không trở thành hiện thực trong cuộc sống. Những căn bệnh quan liêu, giấy tờ, phô trương, hình thức, thiếu thực chất còn khá nặng nề trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, khiến cho những mối quan tâm, lo lắng đó là có cơ sở. Hy vọng, với khí thế của một “phong trào đã trở thành của toàn dân”, với cái “lò đã nóng lên rồi”, mối quan tâm, lo lắng như vậy, từ nay sẽ được thực tế trả lời theo hướng tích cực hơn.

Giữ lửa cho lò luôn nóng và nóng đều” không gì khác hơn là tiếp tục thực hiện một cách kiên quyết, triệt để Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII với phương châm: nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, công khai, minh bạch, làm thực chất, hiệu quả; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, dựa hẳn vào dân, phát huy sức của toàn dân, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Giữ lửa cho lò luôn nóng và nóng đều” cần được thực hiện trên cơ sở tăng cường sự lãnh đạo và đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là trách nhiệm của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và “người nhóm lò” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó là cấp uỷ và ban thường vụ cấp uỷ các cấp. Nhưng không chỉ có như vậy, “Giữ lửa cho lò luôn nóng và nóng đều” cần quyết tâm cao, biện pháp quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của bất cứ ai quan tâm đến sự trong sạch, vững mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, tất cả “cùng vào cuộc” để “giữ lửa cho lò luôn nóng và nóng đều”. Đó phải trở thành “mệnh lệnh của trái tim”, “tiếng gọi của non sông đất nước” để công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII tiếp tục thu được những thành công hơn nữa, để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta tiến tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

---------------------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày ngày 21-01-2016, trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.43-44.
(2) Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”, mục Quan điểm.
(3) Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam ngày 10-04-2018: Tổng Bí thư: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.
(4), (5) Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam ngày 01-08-2017: Tổng Bí thư: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”.
(6) Lê Thị Hương, Tư tưởng trị nước của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6(103-2016)
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, nxb Chính trị Quốc gia, H, 2002, tập 12, tr 212
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, nxb Chính trị Quốc gia, H, 2002, tập 8, tr 276
(9) Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam ngày 10-04-2018: Tổng Bí thư: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu

Học viện Hành chính quốc gia

Theo Tạp chí Cộng sản