Giáo dục tư tưởng và thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

(Mặt trận) - Cùng với quá trình hội nhập và phát triển, sinh viên Việt Nam đang ngày càng ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Tuy nhiên, sinh viên cũng có những nhược điểm về tâm sinh lý, hạn chế về thế giới quan khiến cho công tác giáo dục tư tưởng và thị hiếu thẩm mỹ gặp phải không ít những khó khăn. Bài viết đánh giá thực trạng và đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai tặng 100 suất quà Tết cho hộ nghèo huyện Văn Bàn

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

Đặc điểm về thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên

Sinh viên là những thanh niên ở độ tuổi từ 18 - 24, được đánh giá là nhóm nhạy cảm nhất trong xã hội, chịu sự chi phối của hoạt động chủ đạo, đó là học tập để tiếp thu kiến thức ở các trường cao đẳng, đại học chuẩn bị cho hoạt động nghề nghiệp sau này.

Ở sinh viên đã bước đầu hình thành thế giới quan để nhìn nhận, đánh giá vấn đề trong cuộc sống, học tập và sinh hoạt hàng ngày. Là đại diện tiêu biểu của tầng lớp thanh niên, sinh viên sớm nảy sinh nhu cầu, thích khám phá, tìm tòi, đổi mới, thích bộc lộ những thế mạnh của bản thân.

Những nét tâm lý điển hình trên hội tụ ở lứa tuổi sinh viên là thế mạnh, nhưng do tuổi đời còn trẻ nên dễ thiếu chín chắn trong suy nghĩ, hành động, đặc biệt, trong việc tiếp thu học hỏi cái mới. Ngày nay, trong xu thế mở cửa, hội nhập quốc tế, trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin, nền văn hóa có điều kiện giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới, kể cả nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Việc học tập, tiếp thu những tinh hoa, văn hóa của các nền văn hóa khác nhau là cần thiết. Tuy nhiên, do đặc điểm ham thích những điều mới lạ kết hợp với sự bồng bột, thiếu kinh nghiệm sống của sinh viên, do đó, sinh viên có thể tiếp nhận cả những nét văn hóa không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và không có lợi cho bản thân họ. Sự thay đổi của đời sống tinh thần trong sinh viên trước xu hướng toàn cầu (cả mặt thuận lợi và hạn chế của xu hướng này) đang hướng mạnh đến tính cộng đồng. Bên cạnh đó, trào lưu dân chủ hóa, làn sóng công nghệ thông tin và việc nâng cao dân trí làm ý thức cá nhân ngày càng rõ, đặc biệt thể hiện trong những người trẻ có học vấn như sinh viên. Họ tự ý thức cao về bản thân và muốn được thể hiện vai trò cá nhân, dường như có sự đề cao lợi ích cá nhân hơn nghĩa vụ cộng đồng.

Một đặc điểm rất đáng chú ý liên quan đến sự phát triển của công nghệ thông tin với tư cách một cuộc cách mạng, đó là sự hình thành một môi trường ảo, hình thành một lối sống ảo. Đặc điểm này biểu hiện trong giới trẻ, hình thành một phương pháp tư duy trong cuộc sống hiện đại, như: Ngôn ngữ ngắn gọn, viết bằng bàn phím thay vì cây bút, cá tính lắp ghép chính xác, hệ thống, hạn chế sự bay bổng về mặt hình tượng trực quan. Những đặc điểm trên đã định hướng tư tưởng và quy định thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên.

Những chuyển biến vể tư tưởng và thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên hiện nay

Một là, sự nhanh nhạy với cái mới biểu hiện trong việc hưởng ứng các trào lưu, xu hướng mới của thế giới. Ví dụ, trong âm nhạc bảng xếp hạng ca khúc cho giới trẻ như của Hàn Quốc, MTV Châu Á, MTV Mỹ được cập nhật nhanh chóng và liên tục. Khán giả trẻ say sưa các ca khúc tiếng Hàn, tiếng Anh, say mê ban nhóm nhạc nước ngoài, hâm mộ cuồng nhiệt các thần tượng.

Hai là, nhu cầu thưởng thức cái đẹp của giới trẻ bị chi phối bởi tâm lý đám đông. Sinh viên hát, ăn mặc, xem phim... không phải bản thân họ cảm nhận được cái đẹp của ca khúc, của bộ trang phục, bộ phim mà do bạn bè, những người xung quanh hoặc chịu sự tác động của dư luận xã hội, của truyền thông. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật không xuất phát từ chính bản thân họ, mà hành vi thưởng thức và thể hiện nhu cầu thưởng thức nghệ thuật là do dư luận dẫn dắt. Chính thế có hiện tượng có ca khúc với ca từ sáo rỗng, nhưng lại được sinh viên hát theo. Hay những bộ trang phục quần cộc, tóc nhuộm xanh đỏ được thanh niên yêu thích. Vì thiếu kinh nghiệm sống, nhận thức chưa sâu cho nên việc thưởng thức nghệ thuật của sinh viên có sự mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, thường bị hình thức bề ngoài lung lạc mà ít chú ý đến nội dung bên trong.

Ba là, thưởng thức, đánh giá nghệ thuật của sinh viên hiện nay luôn có sự thay đổi. Đặc điểm này xuất phát từ đặc điểm tâm lý của giới trẻ rất dễ rung động trước cái mới, dễ hướng tới tương lai, nhanh chóng quên quá khứ. Do tâm thức văn hóa mở, ưa chuộng cái lạ, nên thị hiếu, nhu cầu nghệ thuật không đóng khung, không đứng yên một chỗ mà có sự thay đổi. Thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng (sẽ luôn có những cá biệt) dễ yêu, dễ ghét. Họ thường là theo đa số. Họ có thể thay đổi sở thích rất nhanh. Đó chính là quá trình phát triển để trưởng thành của một cá nhân.

Sinh viên bao giờ cũng khát khao vươn tới cái đẹp, luôn muốn vươn lên để tự khẳng định mình và họ ngày càng có nhiều khả năng và cơ hội để thực hiện điều đó. Trong những năm gần đây, đời sống thẩm mỹ của sinh viên đã có những chuyển biến. Sinh viên có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc thưởng thức cái đẹp. Các nguồn thông tin, trong đó có thông tin thẩm mỹ ngày càng đến với sinh viên một cách đa dạng, phong phú và mới mẻ. Tác động của thời kỳ mở cửa hội nhập đã có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển về mặt tư tưởng và thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên. Trình độ học vấn được nâng cao, nhu cầu thẩm mỹ nhất là thị hiếu thẩm mỹ cũng đa dạng và phong phú hơn,... Sinh viên ngày càng tự chủ, tự tin trong các hoạt động thẩm mỹ, tạo nên các phong trào phù hợp với tuổi trẻ.

Tuy đời sống vật chất, văn hóa phát triển, nhiều sinh viên có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật nhiều hơn, nhưng vì thiếu tri thức cần thiết nên chưa đủ trình độ để họ thưởng thức, đánh giá và sáng tạo một cách chính xác và sâu sắc. Nghĩa là, họ mới chỉ cảm nhận được ở nghệ thuật cái đẹp thực thể, kinh nghiệm, chưa nâng lên được tầm "lý tính", mặc dù trong tâm tư họ muốn vươn tới để khám phá, nhận thức một cách đầy đủ thế giới.

Một kết quả điều tra sự hứng thú của sinh viên đối với các loại hình văn hóa nghệ thuật cho biết: có khoảng 70,4% sinh viên thích xem phim tâm lý xã hội; 54% thích các loại ca nhạc nước ngoài, 17,3% thích cải lương; 12,6% thích dân ca; chỉ có 3,2% thích các phim về đề tài chiến tranh cách mạng. Những số liệu này không phải là bất biến, nhưng phần nào giúp nhìn rõ hơn thực trạng đời sống tinh thần nói chung và thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên hiện nay.

Một số giải pháp nhằm nâng cao nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và thị hiếu thẩm mỹ bằng văn hóa nghệ thuật. Không có một hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của người Việt Nam. Nếu biết sử dụng các loại hình nghệ thuật chân chính, có định hướng thị hiếu thẩm mỹ thì sẽ gây được cảm xúc lành mạnh, tự nó tạo ra cơ chế để giữ gìn các giá trị văn hóa, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

Thứ hai, giáo dục tư tưởng và thẩm mỹ thông qua việc nêu gương người tốt việc tốt. Đây là hình thức giáo dục tư tưởng theo sáng kiến đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trên thực tế đã phát huy hiệu quả to lớn. Giá trị văn hóa dân tộc được biểu hiện một cách sinh động và cụ thể trong từng hành vi, từng cá nhân. Bởi người tốt, việc tốt cũng là người đẹp, việc đẹp, đó là những con người sống phù hợp với đạo đức và thẩm mỹ.

Thứ ba, giáo dục tư tưởng và thị hiếu thẩm mỹ phải thống nhất và kết hợp hài hòa giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục thị hiếu thẩm mỹ là phương thức quan trọng để bồi dưỡng cảm xúc, tình cảm của con người trước thiên nhiên, khi sống trong xã hội và khi giao tiếp giữa con người với con người. Chỉ thông qua các hoạt động xã hội thì trong mỗi cá nhân mới nảy sinh cái đẹp, cái tốt, cái thiện. Vì vậy, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên luôn đòi hỏi phải kết hợp hài hòa của 3 yếu tố trên là giải pháp thiết thực và hiệu quả.

Trong quá trình hội nhập nhằm xây dựng đội ngũ tri thức tương lai của đất nước đòi hỏi hơn bao giờ hết cần phải nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên, đáp ứng được nguồn nhân lực tốt cho xây dựng và phát triển đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1.       Đỗ Huy: Giáo dục thẩm mỹ - Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Thông tin lý luận Hà Nội. 1987.

2.       Đỗ Huy: Cái đẹp - Một giá trị, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội. 1984.

3.       Hoàng Như Mai: Bàn thêm về nhu cầu văn hóa và thị hiếu nghệ thuật; Trong sách: Thỏa mãn nhu cầu văn hóa và nâng cao thị hiếu nghệ thuật, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 1987.

4.       Đỗ Văn Khang: Đỗ Huy, Mỹ học Mác - Lênin, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 1985.

5.       Phạm Huy Ích: Về cơ sở khoa học của vấn đề thị hiếu thẩm mỹ. Thông báo Triết học, số 16,1970.

Đỗ Thị Thanh Hương

Th.S Học viện Quản lý giáo dục