Giám sát cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực Thuế và Hải quan

(Mặt trận) - Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố góp phần tích cực trong việc thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thực hiện mục tiêu này đang đòi hỏi các cơ quan cần quyết tâm vào cuộc, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư một cách đồng bộ, toàn diện, đặc biệt là trong hai lĩnh vực Thuế và Hải quan - là hai lĩnh vực quan trọng có tác động lớn đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ở nước ta.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Buổi công bố báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan, ngày 24/4 tại Hà Nội.

Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại và thực thi các cam kết, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh trong nước, giúp các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều đối tác mới, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng. Đồng thời, thúc đẩy hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng mới trong khu vực và trên thế giới, tạo điều kiện gia tăng thương mại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ mục tiêu tạo điều kiện việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động; góp phần đắc lực vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 (ngày 31/10/2017 của Ngân hàng Thế giới) công bố xếp hạng Môi trường kinh doanh thế giới thì môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2016, lên vị trí 68/190 nền kinh tế thế giới. Theo bảng xếp hạng, Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, đó là: Singapore (vị trí 2/190); Malaysia (vị trí 24/190); Thái Lan (vị trí 26/190); và Brunei (vị trí 56/190). Đáng chú ý là trong năm nay, cùng với Việt Nam, 3 nước: Thái Lan, Indonesia và Brunei cũng có sự tăng hạng vượt bậc (tăng nhanh hơn Việt Nam), cụ thể là: Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc. Chỉ tính trong hai năm gần đây, Indonesia và Brunei liên tục có sự tăng hạng đáng kể với tốc độ nhanh hơn Việt Nam. Như vậy, với đà cải cách mạnh mẽ hiện nay của các nước trong khu vực, thì mục tiêu Việt Nam đạt mức độ trung bình của các nước ASEAN trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh sẽ là thách thức lớn, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn.

Trước bối cảnh đó của nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ và thiết thực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, do năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh, vì vậy, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 nhằm mục tiêu thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung trọng tâm cải cách trong 2 lĩnh vực: Thuế và Hải quan.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Thuế và Hải quan

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Bộ Tài chính đã thực hiện giám sát cải cách hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan với mục đích thúc đẩy mạnh mẽ giảm thời gian nộp thuế, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí trung gian cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng Việt; đã tổ chức các đoàn giám sát về cải cách hành chính tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang (năm 2015) và 3 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng (năm 2017). Đoàn giám sát liên ngành đã có buổi làm việc trực tiếp với 9 Cục Thuế, Cục Hải quan, 3 Chi cục Thuế, Chi cục Hải quan, khảo sát 14 doanh nghiệp và tổ chức 3 tọa đàm đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp để tìm hiểu sâu hơn những thông tin thu thập được, tìm hiểu nguyên nhân các vấn đề mà hiệp hội doanh nghiệp nêu ra, cũng như nghiên cứu các kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính. Việc trao đổi trực tiếp với đại diện cơ quan nhà nước địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyến đi thực tế tại các cửa khẩu, khu công nghiệp, khu chế xuất... giúp cho đoàn giám sát có góc nhìn đầy đủ và thực tế, phân tích được cặn kẽ hơn những nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc, từ đó đưa ra nhiều kiến nghị thúc đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan.

Trong năm 2017, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì tổ chức 3 Đoàn giám sát tại Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh1. Tại mỗi địa phương, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo, trao đổi và thảo luận với các Cục, Chi cục Thuế và Hải quan đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở địa phương theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ; mời đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tới tham dự các buổi khảo sát để tiếp nhận những phản ánh trực tiếp của cộng đồng các doanh nghiệp về kết quả thực tế từ cải cách của 2 ngành Thuế và Hải quan; Thực hiện khảo sát tại một số Chi cục2, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của một số Cục, Chi cục để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực Thuế và Hải quan ở địa phương. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của 9/12 tỉnh, thành phố còn lại tiến hành giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP tại các Cục Thuế, Cục Hải quan ở địa phương. Sau giám sát, các báo cáo gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp, báo cáo tình hình chung3.

Một số kết quả quan trọng đạt được trong lĩnh vực Thuế và Hải quan

Thứ nhất, các đơn vị đã triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác cải cách hành chính, nhằm giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế và hải quan. Đến nay, cơ bản các thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp đã được thực hiện qua phương thức điện tử, hệ thống khai thuế và nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, giảm số giờ nộp thuế xuống 5 lần, còn 117 giờ/năm (theo đánh giá của Tổng cụ Thuế).

Thứ hai, sự đồng bộ trong việc thực hiện quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan được các đơn vị quan tâm đẩy mạnh, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo hướng đơn giản, minh bạch, thuận tiện và thống nhất; phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Cùng với việc khai và nộp thuế điện tử đã mở rộng các khâu khác trong qui trình thuế, tăng tỷ lệ thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế điện tử, giảm tối đa tiếp xúc của cán bộ thuế với doanh nghiệp. Thông tin trên trang thông tin điện tử, bộ phận một cửa là nơi hỗ trợ, trả lời, giải đáp thắc mắc cho người nộp thuế, tăng cường tổ chức đối thoại với người nộp thuế, giải đáp kịp thời nhiều vướng mắc, góp phần tăng chỉ số hài lòng của người nộp thuế.

Thứ ba, công tác phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong việc cải cách thủ tục hành chính ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả, nhằm cụ thể hóa cách thức cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Qua Nghị quyết 19 hàng năm của Chính phủ đã từng bước khắc phục vướng mắc trong giải quyết liên thông, liên ngành, thanh tra chuyên ngành, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn.

Thứ tư, đã quan tâm thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN đạt kết quả bước đầu; tuy còn nhiều vướng mắc nhưng rõ hơn lộ trình tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, pháp luật về Thuế và Hải quan.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy còn nhiều hạn chế, vướng mắc: Công tác quản lý nhà nước về Thuế, Hải quan liên quan đến nhiều cấp, ngành, lĩnh vực, hệ thống văn bản chưa đồng bộ, còn chồng chéo; liên thông, liên ngành chưa chặt chẽ và đồng bộ, phân công chưa rõ ràng, chưa có cơ chế ràng buộc trong chia sẻ thông tin, chống thất thu; kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thông quan còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến thời gian thông quan; cơ chế một cửa quốc gia còn nhiều vướng mắc chưa được khai thông; chất lượng đội ngũ công chức chưa đều, một số thái độ chưa nêu cao tính phục vụ, thân thiện, có nơi còn biểu hiện phiền hà, gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp.

Một số giải pháp giám sát thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực Thuế, Hải quan năm 2018 và thời gian tới

Một là, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội khi soạn thảo và ban hành chính sách pháp luật về Thuế và Hải quan cần tham vấn rộng rãi các chuyên gia kinh tế, chính sách thuế, hải quan các nước; cần có tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu các ý kiến hợp lý, khách quan, khoa học, đặc biệt là các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp thông qua các tổ chức đại diện, như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp, các hiệp hội chuyên ngành…; trước khi chính sách mới được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành cần có thời gian để doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu và có định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nghiên cứu, sửa đổi Luật quản lý Thuế theo hướng đổi mới phương thức quản lý thuế, đảm bảo mục tiêu kiểm soát tốt các nguồn thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế trên cơ sở áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, cơ sở tính thuế. Đồng thời, sớm hoàn thiện thể chế quản lý tài chính doanh nghiệp và minh bạch thông tin tài chính doanh nghiệp của khu vực ngoài quốc doanh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả ngành Thuế và Hải quan.

Hai là, Chính phủ tiếp tục kiên quyết chỉ đạo rà soát, bổ sung các chính sách pháp luật cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục hành chính và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cần thống nhất và hợp nhất các văn bản và các thủ tục để tránh chồng chéo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ hiểu, dễ thực hiện; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, như: Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tiếp cận thông tin…

Cần có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, doanh nghiệp khởi nghiệp để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn trong công tác xã hội hóa nhằm tăng dần số lượng đại lý thuế, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp; cần mở rộng, đa dạng hóa hệ thống đại lý thuế hơn nữa nhằm làm giảm áp lực công việc cho cơ quan thuế.

Ba là, Bộ Tài chính và các bộ, ngành cần tiếp tục phối hợp tốt trong việc tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, thực hiện quản lý thuế theo rủi ro nhằm bảo đảm sự công bằng, khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện nghĩa vụ đúng, đủ; đồng thời có những biện pháp thích hợp với các đơn vị kinh doanh không tuân thủ pháp luật hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc để góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng theo pháp luật.

Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan nhanh chóng hướng dẫn, trả lời những khó khăn, vướng mắc về chính sách thuế, hải quan khi địa phương xin ý kiến, tham vấn để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện. Khi xây dựng những chính sách, văn bản pháp luật, các kế hoạch, chương trình hành động của ngành cần tiến hành tham vấn rộng rãi ý kiến của doanh nghiệp, nhằm đề ra những chính sách phù hợp, sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, qua đó tạo đồng thuận và ủng hộ từ phía doanh nghiệp.

Bốn là, đối với các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, chất lượng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện đối với ngành Thuế và Hải quan theo hướng gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với hiệu quả công việc.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện quy trình thủ tục liên thông giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước có liên quan đến lĩnh vực Thuế và Hải quan để tăng cường công tác quản lý. Xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất, tích hợp về đối tượng nộp thuế để phục vụ công tác quản lý gắn với xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, thành phố.

Năm là, các Cục Thuế, Cục Hải quan cần có giải pháp tốt hơn giúp doanh nghiệp dễ dàng áp dụng các chủ trương, chính sách, pháp luật về thuế. Tuyên truyền và công khai thủ tục hành chính thuế và kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế; tạo chuyển biến, sức lan tỏa, sức nóng của các Nghị quyết số 19/NQ-CP hàng năm và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ xuống chi cục và cán bộ, công chức ngành thuế cơ sở. Nhất là, cần đi sâu đối thoại, lắng nghe để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sáu là, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch triển khai chương trình giám sát năm 2018, bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ, những kinh nghiệm rút ra sau hội nghị ngày 24/4/2018, mở rộng khảo sát qua điều tra xã hội học và phỏng vấn sâu với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc 63 tỉnh, thành phố, sự tham gia của các hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Ngô Sách Thực

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam

Chú thích:

1. Thực hiện từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2017. 

2. Khảo sát tại một số Chi cục Thuế như: Chi cục Thuế quận Đống Đa, TP. Hà Nội; Chi cục Thuế quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng; Chi cục Thuế Quận 2, TP. Hồ Chí Minh; Khảo sát tại một số Chi cục Hải quan như: Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội; Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng khu vực III; Chi cục Hải quan cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh.

3. Thực hiện từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2017.