Giảm nghèo từ những mô hình kinh tế hiệu quả

(Mặt trận) -Dám nghĩ dám làm, mạnh dạn tìm tòi, thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trên địa bàn xã Trường Xuân (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã tự vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Kon Tum:100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lạng Sơn: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024

Bắc Giang: 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết

  Anh Hồ Minh là tấm gương tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc phát triển kinh tế.

Để góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, những năm qua, Hội Nông dân xã Trường Xuân đã phối hợp với các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực làm ăn, tận dụng tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Vì vậy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo đã có những chuyển biến tích cực, nhiều hộ nông dân trước đây thuộc diện nghèo, nay đã tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, trong số đó đã có nhiều hộ trở thành khá giả.

Gia đình anh Hồ Minh (SN 1988) người Bru-Vân Kiều ở bản Lâm Ninh là một trong những điển hình kinh tế giỏi. Sau khi học hết lớp 9, Hồ Minh không học tiếp THPT mà vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân, mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, cuộc sống thành thị khó khăn hơn anh nghĩ, nên anh đã quyết định quay về quê hương, quyết tâm lập nghiệp.

Hồ Minh chia sẻ: "Khi về quê, ý tưởng trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm đã định sẵn trong đầu nhưng lại không có nguồn vốn. Khi chưa tìm ra cách giải quyết thì may mắn đã tới, tôi đã được tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, thế là tôi quyết định vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản về nuôi."

Từ nguồn vốn vay, năm 2011, Hồ Minh đã tìm mua 2 con bò cái sinh sản và giống keo để trồng rừng. Năm 2015, đàn bò cũng nhân lên được 8 con nhưng do nuôi giống bò cỏ, thả trong rừng sâu nên bò chậm lớn, không bán được giá cao. Hồ Minh tiếp tục bán hết đàn bò rồi vay mượn thêm tiền, mua 5 con trâu giống về nuôi. Năm 2018, khi bán bớt số trâu giống, anh đã trả được nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư nuôi dê núi để tăng thu nhập. Đến nay, gia đình Hồ Minh có 20 con trâu, 30 con dê, 8ha keo tràm, hàng trăm con gà thả vườn…, mỗi năm thu về cho gia đình anh khoảng 150 triệu đồng.

Với sự nỗ lực và tinh thần vượt khó, anh Hồ Minh đã thoát nghèo vào năm 2018 và đang dần vươn lên làm giàu nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của mình. Đặc biệt, giai đoạn 2017-2021,anh được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Hồ Minh là tấm gương tiêu biểu trong việc thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc trong việc phát triển kinh tế.

Cũng như Hồ Minh, gia đình ông Trần Văn Thuận, thôn Kim Sen, trước đây cũng là hộ nghèo của xã Trường Xuân. Tuy có diện tích đất rừng sản xuất tương đối lớn nhưng gia đình ông không tìm ra được hướng làm ăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo. Đầu năm 2016, ông Thuận được tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả do địa phương tổ chức, từ đó ông đã quyết định chuyển đổi 1,2ha đất đồi trồng keo sang xây dựng vườn hồ tiêu và trồng các loại cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng, như: Mít thái, chanh đào, cam mật Hiền Ninh, nhãn…

Nhờ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cùng với việc bón phân, làm cỏ thường xuyên nên dù được trồng trên đất đồi núi, khí hậu khắc nghiệt nhưng vườn cây của ông Thuận phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh cây ăn quả, ông Thuận còn đầu tư nuôi thêm 35 đàn ong lấy mật, trồng 10ha keo tràm và 8ha thông lấy nhựa. Với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của mình, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Thuận thu về gần 200 triệu đồng.

Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân cho biết: Để giúp nông dân từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua, các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo cũng đã được triển khai tích cực trên địa bàn xã Trường Xuân, như: Hỗ trợ kết nối nguồn vốn vay, chính sách dạy nghề, đào tạo việc làm cho người nghèo, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá tiêu thụ sản phẩm, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… Với sự quan tâm lãnh đạo, đồng hành của cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, tổ chức xã hội cùng sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, bộ mặt nông thôn địa phương đang ngày càng khởi sắc.

Tuy nhiên, việc nhân rộng và phát triển các mô hình kinh tế ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, như: Các mô hình điểm vẫn chưa thực sự bền vững, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn bó hẹp ở quy mô một vài hộ gia đình, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Tính đột phá trong phát triển kinh tế còn hạn chế, một số mô hình kinh tế thu nhập còn thấp, ch­ưa bền vững nên khó nhân rộng… Một trong những thế mạnh của địa phương là có diện tích đất trồng rừng lớn nhưng việc đầu tư chưa hiệu quả, chưa xây dựng được chuỗi giá trị nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào canh tác, chăn nuôi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; đồng thời liên kết với các doanh nghiệpđể quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thêm sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể nhằm đưa nông dân làm quen với kinh tế tập thể định hướng thị trường.

Đến nay, xã Trường Xuân có 17 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có 3 hộ đạt cấp tỉnh, 5 hộ đạt cấp huyện và 9 hộ đạt cấp cơ sở. Nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao, như: Trồng keo lấy gỗ, cây ăn quả, trồng sả để sản xuất tinh dầu, mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi ong lấy mật… Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đã giúp người dân địa phương ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 17,3%, nhiều hộ nông dân thuộc diện nghèo, nay đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Thanh Hoa