Giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ chuyên trách công tác Mặt trận tại các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ

(Mặt trận) - Hệ thống bộ máy tổ chức, cán bộ cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tại Tây Nam Bộ thời gian qua đã từng bước được tăng cường về số lượng và chất lượng. Việc triển khai, sắp xếp lại bộ máy tổ chức là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm nâng cao năng lực tham mưu của các cơ quan chuyên trách, của cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác Mặt trận.

Ủy ban MTTQ thành phố Hải Phòng tập huấn nghiệp vụ công tác Mặt trận năm 2024

Tân Thạnh (Long An): Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Đăk Xế Kơ Ne

 Hội nghị tổng kết cụm thi đua Tây Nam Bộ 

Tây Nam Bộ hiện nay có 13 tỉnh, thành phố (gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang). Đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất Việt Nam (40.548,2 km²) và có tổng dân số toàn vùng là 17.273.630 người1. Vùng chiếm 13% diện tích cả nước nhưng có gần 18% dân số cả nước, có sản lượng lúa chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng... Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long đứng về phương diện thu nhập vẫn còn thấp hơn cả nước: thu nhập bình quân đầu người với mức 54 triệu đồng (cả nước là 64 triệu đồng/người/năm).

Vùng Tây Nam Bộ là nơi có đông đồng bào các dân tộc cùng sinh sống xen kẽ, gần gũi với nhau. Dân tộc Kinh chiếm 92,4% (với trên 17.000 người), các dân tộc khác chiếm 7,6% dân số toàn vùng2. Tây Nam Bộ là vùng đa văn hóa, là nơi hội tụ của nhiều dân tộc. Đồng bào các dân tộc thiểu số gồm: Khơ me, Chăm, Hoa là các dân tộc giàu bản sắc, có tiếng nói, chữ viết phát triển, có phong tục, tập quán tốt đẹp, có nền văn hóa phong phú, đa dạng được giữ gìn và phát huy từ lâu đời. Đồng bào Khơ me, Chăm, Hoa sinh sống xen kẽ, gần gũi với dân tộc Kinh; đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ có mối quan hệ với nhân dân ở một số quốc gia về mặt văn hóa, tôn giáo.

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức chuyên trách công tác Mặt trận ba cấp của 13 tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ là 3.786 người. Trong những năm qua, công tác phối hợp hoạt động giữa Cục Chính trị Quân khu 9 với Ban Dân vận các tỉnh, thành ủy trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: quán triệt, triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân khu 9 và các tỉnh ủy, thành ủy về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang Quân khu chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực; thực hiện mô hình “Tết Quân - Dân” ở các tỉnh, thành phố trong khu vực...

Các tỉnh, thành phố vùng Tây Nam Bộ trong những năm gần đây phải đối mặt với tình trạng nước thủy triều dâng cao (còn gọi là triều cường) - từ nước Sông Hậu và mực nước biển dâng... đã ít nhiều gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Tình hình người gốc Việt tại Campuchia, người Campuchia và người không quốc tịch... cư trú ở các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam về nước thông qua đường biên giới có chiều hướng gia tăng. Mỗi tỉnh có hàng trăm người. Tình trạng này đã đang tạo nên nỗi lo về kinh tế - xã hội, nhà ở, việc làm, việc học, tôn giáo, an ninh chính trị... Được biết, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp phải lo nhà tạm cư cho các đối tượng này. Cao điểm là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh (năm 2020 - 2021), việc hỗ trợ về y tế, chăm lo về đời sống cho các đối tượng này là một thử thách lớn đối với Mặt trận Tổ quốc các cấp của địa phương.

Ngoài ra, việc thực hiện chính sách thu hút người có trình độ chuyên môn cao, đội ngũ chuyên gia giỏi thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố chưa nhiều, đặc biệt là các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số đang thiếu chuyên gia giỏi do chính sách chi trả lương, thu nhập còn thấp, chưa tương xứng với năng lực, trình độ.

Theo Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Chấp hành Trung ương quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện. Chính vì vậy, đi đôi với việc tinh giản biên chế, vấn đề cần phải xem xét nữa là cần phải có các chế độ, chính sách tiền lương cho phù hợp đối với cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách trong tình hình hiện nay. Việc triển khai, sắp xếp lại bộ máy tổ chức là chủ trương chung của Đảng và Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, nhằm nâng cao năng lực tham mưu của các cơ quan chuyên trách, của cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác Mặt trận.

Theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, hiện nay về tinh giản biên chế, số lượng biên chế cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách các cấp ngày càng giảm, khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực công việc ngày càng tăng, trong khi đó chế độ tiền lương và các chế độ phụ cấp liên quan thời gian qua chưa được cải thiện, dẫn đến tình trạng đời sống của cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách còn nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của công tác Mặt trận.

Những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực làm công tác chuyên trách Mặt trận tại các tỉnh, thành Tây Nam Bộ, đó là:

Một là, cần chú trọng việc nâng cao nhận thức cho cán bộ chuyên trách Mặt trận về vị trí, vai trò của công tác Mặt trận, có niềm tin, quý trọng, yêu thương Nhân dân, thể hiện đạo đức trong sáng của người cán bộ cách mạng để từ đó xác định mục tiêu phấn đấu vì lợi ích của Nhân dân. Tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, phát huy hết khả năng của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cần phải quán triệt đầy đủ, chặt chẽ và nhận thức đúng các chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền về cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các nội dung có liên quan. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng đối với vai trò của Mặt trận, các tổ chức thành viên và Nhân dân, nhất là vai trò chủ thể, quyền và trách nhiệm của Nhân dân trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát huy tốt vai trò nội lực và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Hai là, cán bộ cần thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, cán bộ Mặt trận phải am hiểu về khoa học - công nghệ, có kiến thức chung về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, lý luận chính trị và nghiệp vụ chuyên môn. Cán bộ Mặt trận phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu khoa học, kỹ thuật để hướng dẫn Nhân dân trong sản xuất và đời sống, giải đáp được nhiều vấn đề từ thực tiễn mà Nhân dân đặt ra. Cán bộ Mặt trận phải nắm vững quy luật nhận thức, tư tưởng của các nhóm xã hội và từng đối tượng xã hội để có những biện pháp tác động phù hợp trên cơ sở hiểu biết tâm lý đối tượng, phát huy tính tích cực ở mỗi con người, ở mỗi nhóm xã hội nhằm tuyên truyền, vận động cho phù hợp, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, hướng Nhân dân thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chung.

Chú trọng việc rèn luyện phong cách làm việc cho cán bộ khoa học, dân chủ, sâu sát; đổi mới lề lối làm việc, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân; nâng cao khả năng tiếp cận, nắm bắt và xử lý những vấn đề mới. Cán bộ Mặt trận phải am hiểu về khoa học - công nghệ, tự trang bị cho mình kỹ năng công nghệ thông tin, luôn “sẵn sàng” trong tham gia thực hiện và tuyên truyền thực hiện “Chuyển đổi số”. Mỗi cán bộ Mặt trận phải là một “công dân số” tiên phong, là thành viên tích cực trong quá trình xây dựng và thực hiện “Chính phủ số”. Ban tổ chức các tỉnh, thành ủy ở khu vực Tây Nam Bộ cần chú trọng việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức chuyên trách của Mặt trận.

Ba là, chủ động đăng ký với cấp ủy, cơ quan, đơn vị về cam kết thực hiện nội dung chủ đề gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao. Bản thân cán bộ, công chức chuyên trách ở Mặt trận phải tự ý thức rèn luyện tu dưỡng đạo đức cách mạng, tạo ra mối quan hệ tốt với Nhân dân. Tạo được uy tín với dân; thật sự gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong khó khăn, vất vả và phải gắn bó mật thiết với các hoạt động chung của địa phương. Có như vậy, họ mới thực sự là “người góp sức” vào khối đại đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, khi có phẩm chất đạo đức tốt thì những cán bộ, công chức chuyên trách sẽ có trách nhiệm hơn trong việc đề xuất, nghiên cứu, đưa ra ý kiến, bày tỏ được chính kiến của mình đối với những vấn đề nảy sinh qua giám sát liên quan đến địa phương. Qua đó, các cán bộ, công chức này sẽ đưa ra được những đề xuất “có tâm và có tầm” nhằm phát triển kinh tế, xã hội của từng nơi.

Bốn là, cần khai thác, phát huy, tổng hợp được trí tuệ, kinh nghiệm của thành viên một cách hợp lý và khoa học. Hướng dẫn Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm sát với nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc theo từng năm. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết hoạt động tư vấn nhằm đánh giá hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, tìm ra những hạn chế và đề xuất các giải pháp, định hướng hoạt động trong thời gian tiếp theo. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng hoạt động cho các thành viên Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn; trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các tổ chức tư vấn ở các cấp, các địa phương. Cần bảo đảm kinh phí hoạt động của tổ chức tư vấn theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng (Trung ương và địa phương) cần quan tâm việc xây dựng định mức chi, bố trí kinh phí thích hợp cho thuê chuyên gia, mời các nhà khoa học tham gia công tác góp ý, phản biện xã hội.

Ngoài các quy định pháp luật liên quan như Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cần có các văn bản hướng dẫn thi hành hướng dẫn rõ về cách thức xây dựng các tiêu chuẩn năng lực, của cán bộ, công chức chuyên trách Mặt trận. Trong đó có tiêu chí đo lường, đánh giá các cấp độ năng lực chuyên môn, hệ thống khung năng lực, bản mô tả công việc theo năng lực tương ứng với vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính dựa trên cả ba tiêu chí: về trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và các kỹ năng công tác.

Năm là, cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ. Trong đó, cần phải chú ý các tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, công chức chuyên trách Mặt trận. Phải chắc chắn rằng đây phải là người ưu tú, có phẩm chất, năng lực và trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng và kỹ năng dân vận tốt. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phân công cán bộ năng lực kém, cán bộ bị xử lý kỷ luật sang làm cán bộ, công chức Mặt trận. Cần ưu tiên sử dụng cán bộ, công chức chuyên trách Mặt trận là người địa phương để các cán bộ, công chức chuyên trách này hiểu rõ hơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Cần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách Mặt trận. Vì cán bộ trẻ có thế mạnh là năng động, sáng tạo, có sức trẻ nên việc tận dụng công nghệ thông tin vào công việc sẽ có nhiều thuận lợi.

Ngoài ra, cần tiếp tục duy trì thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Mặt trận Tổ quốc với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, thường xuyên theo dõi việc thực hiện quy chế của các cơ quan. Hàng năm có tổ chức hội nghị sơ, tổng kết, nhằm đánh giá những mặt làm được, nêu nguyên nhân hạn chế trong quá trình thực tiễn để bổ sung sửa đổi quy chế cho phù hợp. Các chế độ, chính sách dành cho cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách các cấp hiện nay còn ít (chủ yếu thực hiện theo quy định chung, chưa có một chính sách ưu tiên, hoặc đặc thù dành riêng cho cán bộ, công chức Mặt trận), đặc biệt là đối với cán bộ, công chức Mặt trận cấp xã. Trong khi đó, khối lượng công việc, nhiệm vụ mà một cán bộ, công chức Mặt trận phải thực hiện là rất lớn (do Mặt trận tham gia vào nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động khác nhau), đặc biệt là đối với cán bộ bán chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh. Vì vậy, trong thời gian tới, đề xuất cần phải có chế độ chính sách đặc thù dành riêng cho cán bộ, công chức Mặt trận các cấp, đặc biệt là đối với cán bộ Mặt trận cấp xã, cán bộ Mặt trận kiêm nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý khác nhau. Theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước hiện nay về tinh giản biên chế, số lượng biên chế cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách các cấp ngày càng giảm, khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực công việc ngày càng tăng, trong khi đó chế độ tiền lương và các chế độ phụ cấp liên quan thời gian qua chưa được cải thiện, dẫn đến tình trạng đời sống của cán bộ, công chức Mặt trận chuyên trách còn nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của công tác Mặt trận.

Sáu là, gắn việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, những điển hình tiên tiến, gương "Người tốt, việc tốt"; có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa tính tích cực, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận cao trong xã hội. Đặc biệt, phải chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ 4.0 để phát huy tối đa vai trò, hiệu quả của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay, cũng như hướng tới việc thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chú thích:

1.   Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2019.

2.   Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

3.  Tạp chí Tổ chức Nhà nước; ngày 4/4/2018; Giải pháp giải quyết các vấn đề dân tộc và tôn giáo ở vùng Tây Nam Bộ; Phạm Ngọc Hòa - Học viện Chính trị khu vực IV.

4.   TS. Nguyễn Hữu Dũng; TS. Lê Mậu Nhiệm, Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023.

PHẠM THANH TUYỀN -  Thạc sĩ, Phó Trưởng ban, Ban Công tác phía Nam,

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam