Giải pháp đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận trong tình hình mới

(Mặt trận) - Trên cơ sở đổi mới toàn diện đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính trị nói chung và hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ Mặt trận nói riêng đã có sự đổi mới và phát triển nhanh chóng. Đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận giỏi chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Mặt trận.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn cán bộ Mặt trận các tỉnh, thành phố năm 2018 (đợt 2) khu vực phía Bắc.

Thực trạng đội ngũ cán bộ và việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong những năm qua

Theo thống kê, số lượng cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tính đến tháng 10/2017 như sau Nguồn số liệu từ Ban Tổ chức - Cán bộ, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Số lượng cán bộ chuyên trách Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là 17.652 người (cấp Trung ương là 185 người, cấp tỉnh 1.630 người, cấp huyện: 4.675 người, cấp xã 11.162 người); số lượng Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là 431.333 người (cấp Trung ương là 382 người, cấp tỉnh 5.611 người, cấp huyện: 40.086 người, cấp xã 385.254 người); Thành viên các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn: Cấp Trung ương 7 Hội đồng với tổng số 126 người, cấp tỉnh 171 Hội đồng tư vấn với 1.440 người, cấp huyện 695 Ban tư vấn với tổng số 5.467 người, cấp xã 4.379 Ban tư vấn với 26.072 người. Hiện có 103.606 Ban Công tác Mặt trận, trung bình mỗi Ban có 5 thành viên, tổng số khoảng 518.030 người.

 Cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được tiếp nhận từ các nguồn khác nhau được rèn luyện trong thực tiễn; số đông cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, tiếp cận nhanh với công việc. Số lượng thành phần cá nhân tiêu biểu tham gia Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Hội đồng tư vấn, lực lượng cộng tác viên được mở rộng và phát huy hiệu quả tư vấn, đề xuất cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và các chuyên đề về công tác Mặt trận cho đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách các cấp. Một số tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thi cán bộ Mặt trận tiêu biểu, phát triển các hội thi ở khu dân cư. Tập trung xây dựng quy hoạch cán bộ Mặt trận và bổ sung quy hoạch hàng năm; nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động phân công cán bộ có khả năng, đủ tiêu chuẩn, trưởng thành từ cơ sở về công tác tại cơ quan chuyên trách của Mặt trận để quy hoạch các chức danh chủ chốt của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Một số cấp uỷ Đảng đã chú trọng đến công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt của Mặt trận giữ các chức vụ tương đương trong cấp uỷ Đảng, chính quyền và đoàn thể khác. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tham mưu với cấp uỷ Đảng ban hành quy chế, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách các cấp, phân công, phân cấp trong quản lý, sử dụng, đánh giá cán bộ Mặt trận.

Tuy nhiên, ở một số nơi cán bộ làm công tác Mặt trận còn bộc lộ những hạn chế, như: Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách ở cấp huyện, cấp xã so với mặt bằng chung còn thấp, cơ cấu các độ tuổi chưa cân đối; một bộ phận chưa qua đào tạo bồi dưỡng cơ bản về công tác Mặt trận, cán bộ trẻ còn hạn chế kinh nghiệm về công tác Mặt trận; công tác tuyển chọn cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện bị động (công tác tiếp nhận và tuyển dụng cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách do tổ chức cấp uỷ quyết định); công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc chưa được quan tâm đúng mức, một số cán bộ nằm trong diện quy hoạch chưa được luân chuyển, giao công việc để thử thách, rèn luyện; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do phân cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên số lượng cán bộ Mặt trận được bồi dưỡng hàng năm ít. Chưa duy trì thường xuyên việc xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề cho các đối tượng đặc thù của Mặt trận như các chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số, doanh nhân, người Việt Nam ở nước ngoài; việc sử dụng cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách các cấp ở một số địa phương chưa chủ động chuẩn bị nguồn bổ sung, thiếu chỉ tiêu biên chế cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách. Công tác đánh giá cán bộ Mặt trận Tổ quốc chuyên trách ở một số cấp Mặt trận chưa được duy trì thành nề nếp hàng năm, công tác luân chuyển cán bộ chủ chốt của Mặt trận chưa có kế hoạch cụ thể, chưa có sự chỉ đạo có hệ thống của các cấp uỷ Đảng.

Trong giai đoạn mới, với vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị ngày càng được đề cao, phạm vi hoạt động của Mặt trận ngày càng mở rộng, nhiệm vụ của Mặt trận cũng ngày càng đa dạng và phong phú, gắn với các lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ Mặt trận nắm vững đường lối dân vận của Đảng, hiểu biết sâu sắc lý luận và nghiệp vụ công tác Mặt trận, tham mưu cho Đảng, phối hợp với các cấp chính quyền xây dựng chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác Mặt trận, thực thi có hiệu quả nhiệm vụ công tác Mặt trận trong thực tiễn. Mặc dù, hệ thống Mặt trận từ trước đến nay chưa có trường lớp đào tạo cán bộ, nhưng công tác huấn luyện cũng đã được đặt ra từ rất sớm, ngay sau khi nước nhà thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Năm năm gần đây, công tác tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận các cấp đã được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặc biệt quan tâm. Năm 2013 đã tổ chức 3 hội nghị toàn quốc tập huấn công tác tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp cho 967 cán bộ chủ chốt Mặt trận cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện; năm 2014, tổ chức 2 hội nghị tập huấn quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho 427 đại biểu của Mặt trận Trung ương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố; năm 2016, 2017 tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến cho 5.937 đại biểu Mặt trận cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương; từ năm 2015 đến 2017 đã tổ chức 5 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận cho 1095 đại biểu Mặt trận cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương...

 Đối với các địa phương, công tác bồi dưỡng tập huấn cán bộ cũng được đặt ra thường xuyên. Mặt trận đã phối hợp với các Trường chính trị tỉnh, thành phố và các Trung tâm giáo dục chính trị quận, huyện, thị xã để mở các lớp bồi dưỡng hàng năm cho cán bộ làm công tác Mặt trận. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tổ chức tập huấn cho hàng chục ngàn cán bộ do đó đáp ứng được phần nào yêu cầu của công tác Mặt trận trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Mặt trận trong thời gian vừa qua cho thấy có một số bất cập: Nội dung bồi dưỡng, tập huấn chưa thực sự trang bị cho cán bộ Mặt trận những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công tác và hoạt động hàng ngày; cách thức tổ chức bồi dưỡng tập huấn còn thiếu tính ổn định và chưa khoa học. Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với số lượng 14 cán bộ, chưa có đội ngũ giảng viên, báo cáo viên chuyên trách về công tác Mặt trận (do hệ thống đào tạo của Đảng và Nhà nước không có chương trình đào tạo chuyên sâu về Mặt trận, nên giảng viên và báo cáo viên cho các lớp tập huấn chủ yếu là các đồng chí lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc giảng viên khoa Dân vận của các Trường chính trị đảm nhận). Với điều kiện về tổ chức, cán bộ và cơ chế hiện nay, hàng năm, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ có thể tổ chức được vài ba lớp tập huấn cán bộ Mặt trận chủ chốt của các tỉnh, thành phố và những khóa bồi dưỡng cán bộ, chứ không thể giữ vai trò tham mưu định hướng và thực hiện trách nhiệm hỗ trợ các địa phương làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đề ra.

Các giải pháp chủ yếu để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới

Thứ nhất, thống nhất chủ trương về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Căn cứ Hiến pháp năm 2013, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung và phát triển năm 2011); Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X); Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 4/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019 - 2024); Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217 - QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị); Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền (ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị)… là cơ sở, căn cứ quan trọng cho việc hoạch định, xây dựng một cách cơ bản, hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ hệ thống Mặt trận, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Đề nghị xem lại quy định phân cấp bồi dưỡng cán bộ Mặt trận tại khoản 2, Điều 11, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỉ quy định 1 khoản có tính nguyên tắc về bồi dưỡng cán bộ Mặt trận là: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm tổ chức việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất, nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận theo Hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Bởi vì, việc phân cấp sẽ tạo ra sự khó khăn cho việc bồi dưỡng cán bộ Mặt trận của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, thực tế hiện nay việc bồi dưỡng cán bộ Mặt trận không chỉ cho đối tượng cán bộ chuyên trách đã mở rộng đến cá nhân tiêu biểu và không theo phân cấp.

Cần chú trọng đưa nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào Văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (mặt được, chưa được và các giải pháp). Sau đó, Đoàn Chủ tịch hoặc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có Nghị quyết về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác chỉ đạo, điều hành cần có chuyên đề bàn sâu về công tác này.

Thứ hai, xác định được nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các loại đối tượng.

Nội dung chương trình là yếu tố đầu tiên cần xác định của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. căn cứ vào yêu cầu và tính chất, đặc điểm của cán bộ Mặt trận mà định hình về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Do tính chất, đặc điểm của cán bộ Mặt trận là cán bộ chính trị làm công tác vận động quần chúng nên công tác đào tạo, bồi dưỡng cần xây dựng những nội dung phù hợp.

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải chỉ đạo chỉnh sửa tập bài giảng với mục đích giúp cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham khảo và sử dụng cho công tác tổ chức tập huấn cán bộ. Việc xác định cơ cấu nội dung chương trình phải căn cứ vào yêu cầu cần thiết của từng dạng đối tượng và yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Thứ ba, đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Vì đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất phong phú, đa dạng (gồm nhiều cấp: Trung ương - tỉnh, thành phố - quận, huyện, thị - xã, phường, thị trấn - địa bàn dân cư; ở nhiều vùng, miền khác nhau; với trình độ, vị trí công tác khác nhau...) nên đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng cần phải hướng đến mục tiêu đa dạng hoá các hình thức nhằm tạo cơ hội thuận lợi để cán bộ có điều kiện lựa chọn, tiếp cận.

Để phục vụ cán bộ làm công tác chuyên môn, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần mở rộng hình thức bồi dưỡng cán bộ theo nhóm đối tượng như công tác tôn giáo, công tác dân tộc, công tác đối ngoại nhân dân, hoạt động giám sát và phản biện xã hội, công tác tuyên giáo, công tác tổ chức và cán bộ,...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cần vận dụng các hình thức bồi dưỡng cán bộ khác như hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm theo các chuyên đề để giới thiệu cách làm có hiệu quả; tổ chức tham quan, giao lưu học tập kinh nghiệm...

Một hình thức đào tạo mà các cơ quan Đảng và Nhà nước đã thực hiện từ nhiều năm nay nhưng còn mới mẻ đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cử cán bộ đưa đi đào tạo tại nước ngoài. Đối tượng này phải là cán bộ có trình độ và trong diện quy hoạch ở những vị trí lãnh đạo của Mặt trận.

Thứ tư, xây dựng được lực lượng giảng viên báo cáo viên, đáp ứng được yêu cầu của các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Để thực hiện được nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thì nhất thiết phải xây dựng được đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp tổ chức huấn luyện (từ cấp quận, huyện trở lên). Đội ngũ này phải có kiến thức và hiểu biết sâu về công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bất cập lớn hiện nay là không có chương trình đào tạo chuyên sâu về Mặt trận. Giảng viên, báo cáo viên chủ yếu là giảng viên các Trường chính trị và trung tâm giáo dục chính trị phần lớn được đào tạo qua hệ thống các trường Đảng. Chương trình đào tạo của các trường Đảng cũng có thời lượng hết sức ít ỏi về công tác Mặt trận và các đoàn thể (trong học phần về công tác Dân vận của Đảng).

Để xây dựng được đội ngũ giảng viên, báo cáo viên cho các tỉnh và thành phố, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các khoá bồi dưỡng kiến thức về Mặt trận và công tác Mặt trận. Đối tượng của khoá bồi dưỡng này là những cán bộ phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và giảng viên khoa Dân vận của các trường chính trị tỉnh.

Thứ năm, vận dụng các hình thức liên kết đào tạo.

Sử dụng các hình thức liên kết trong hoạt động đào tạo và phối hợp, như: Liên kết với một số đơn vị đào tạo như liên kết với với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các khóa trung cấp và cao cấp lý luận chính trị; liên kết với Học viện Hành chính Quốc gia tổ chức các khoá bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ hành chính - văn phòng; liên kết với Trường Đại học Quốc gia đào tạo các khoá cử nhân, liên kết; ở các địa phương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh phối hợp với các trường chính trị tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện phối hợp với các Trung tâm giáo dục chính trị để tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận.

Trên cơ sở đất nước đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ Mặt trận có sự đổi mới và phát triển nhanh chóng nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng. Vì vậy, trên cơ sở phát triển Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận (thành lập Học viện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) một cách bài bản, có hệ thống như vậy mới mong có sự đổi mới căn bản và đạt đến đích là tổ chức bộ máy cán bộ của hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tinh gọn, hoạt động có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát huy vai trò Mặt trận xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tài liệu tham khảo:

1. Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 217 - QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị); Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền (ban hành kèm theo Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị).

2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

3.  Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nxb.Chính trị quốc gia, HN.2015.

Nguyễn Hữu Dũng

Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Lê Mậu Nhiệm

Thạc sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam