Giá trị đích thực của học hàm, học vị

(Mặt trận) - “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, người hiền tài có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần cho cộng đồng. Chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng hiền tài là đòn bẩy giúp cho đất nước phát triển bền vững.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

Chỉ tính từ khoa thi tuyển chọn nhân tài đầu tiên 1075 đến khoa thi cuối cùng về Nho học vào năm 1919, nước ta đã có 2.898 tiến sĩ và học vị tương đương. Trong đó tỉnh Hải Dương đã có 470 người, giữ vị trí dẫn đầu các tỉnh thành về số lượng tiến sĩ. Đặc biệt là trong khoa thi tiến sĩ năm Thịnh Đức thứ 3 (1656) có gần 3.000 sĩ tử cả nước về kinh thành Thăng Long dự thi, kết quả chỉ có 6 người trúng tuyển, trong đó Hải Dương chiếm 3, cùng quê làng Mộ Trạch, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta cũng đã xác định, “Sự nghiệp giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Vì vậy, trong nhiều năm qua, việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài luôn được ưu tiên và quan tâm. Nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Những thành tựu đó có được là nhờ một phần đóng góp quan trọng bằng công sức, trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học, nhất là những người có học hàm, học vị; việc đào tạo những người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, việc phong chức danh phó giáo sư, giáo sư được coi là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Chính vì thế, để giải quyết tình trạng thiếu hụt đội ngũ giảng viên có trình độ cao nhằm hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng phát triển ngành nghề, Chính phủ đã ban hành Quyết định đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 911: “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ bổ sung thêm 20.000 tiến sĩ cho các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng. Bên cạnh việc mở rộng đào tạo giảng viên đạt trình độ cao, cuối năm 2013, Chính phủ còn ban hành Nghị định quy định chi tiết tăng tuổi nghỉ hưu cho giảng viên có học hàm, học vị. Trong thời gian kéo dài, giảng viên sẽ được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác như giảng viên cơ hữu (giảng viên giảng dạy ổn định, nằm trong biên chế của trường). Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn khuyến khích những nhà khoa học, người có học hàm, học vị cao cộng tác với các trường đại học, cao đẳng trong giảng dạy và hướng dẫn đội ngũ nghiên cứu sinh kế cận.

C. Mác đã từng nói: “Mỗi một bước vận động thật sự quan trọng hơn một tá cương lĩnh”. Triết lý ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cụ thể hóa thành quan điểm “nói đi đôi với làm”, đó cũng là thước đo giá trị nhân cách của con người nói chung, chất lượng những người có học hàm, học vị nói riêng.

Theo công bố gần đây, cả nước có hơn 14.000 tiến sĩ; chỉ riêng năm 2016 Nhà nước đã chọn cử 1.300 nghiên cứu sinh đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, chủ yếu là ở các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ,... như vậy, vấn đề đặt ra là chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như thế nào cho khoa học, có hiệu quả. Nói một cách cụ thể, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ phải là một công trình nghiên cứu khoa học sáng tạo của chính bản thân nghiên cứu sinh, có đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu, hoặc đề ra giải pháp mới có giá trị trong sự phát triển, gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học đang hoạt động hay thực tiễn kinh tế, xã hội.

Thực tế cuộc sống trong thời gian qua cho chúng ta thấy, việc đào tạo tiến sĩ cũng thấy có nhiều bất cập khi dư luận xã hội lên tiếng, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành kiểm tra, rà soát thì có tới 89,13% số hồ sơ bảo vệ luận án tiến sĩ được thẩm định phải bổ sung, cần rút kinh nghiệm. Chất lượng luận án chưa cao, trong số các luận án thẩm định có 79% số luận án phải chỉnh sửa lại. Thậm chí có người đã được cấp học vị tiến sĩ sau đó lại bị thu hồi vì nội dung luận án sao chép của người khác quá nhiều. Điều đáng buồn nữa là trong thời gian qua có tình trạng rao bán luận văn thạc sĩ, tiến sĩ trên mạng một cách tự do. Đấy là chưa kể đến những hạn chế trong việc sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) trong quá trình nghiên cứu và giao tiếp quốc tế. Có thể nói, những tiến sĩ này khi nhận bằng cấp xong là “đắp chiếu” cho học vị, học hàm của mình. Vì họ đâu phải là chủ thể sáng tạo ra những điều mới mẻ của luận án và càng không phải là người thực sự có năng lực thực tiễn, mà chỉ là người giả danh những tư tưởng, những giải pháp mang tính khoa học của người khác. Đối với họ, học vị, học hàm chỉ là thứ trang trí sau khi đã đạt mục đích bổ sung vào lí lịch để nuôi hy vọng lọt vào danh sách những người nằm trong qui hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lí kế cận của đơn vị có thủ trưởng ưa chuộng hình thức. GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang đã đánh giá: “Bây giờ các bằng Tiến sĩ ở trong nước mình tương đối là nhiều nhưng giá trị không cao. Đào tạo trong nước thì mình đào tạo chưa có chất lượng mặc dù là các trường đang cố gắng nâng cao trình độ giảng dạy cũng như tiếp cận quốc tế. Vấn đề là chất lượng. Chất lượng là cả một vấn đề khó mà chúng ta cần phải quan tâm”.

Theo số liệu thống kê, từ năm 1980 tới nay, cả nước có 1.715 giáo sư, với độ tuổi trung bình là 57,13 tuổi; có 9.059 phó giáo sư, tuổi trung bình là 50,88 tuổi. Trong tổng số giáo sư và phó giáo sư đã thống kê trên có 83,5% là nam, 16,5% là nữ. Tính đến ngày 26/4/2016, cả nước có hơn 24.000 tiến sĩ, có thể khẳng định rằng, đây là lực lượng nhân tài của đất nước, họ có mặt trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Bằng tâm huyết và sức sáng tạo của mình, họ đã cống hiến cho nhân loại nói chung, dân tộc nói riêng nhiều điều mới mẻ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Họ làm việc không vì mục đích lợi nhuận tiền bạc, của cải mà là vì sự phát triển của xã hội, hạnh phúc của mọi người. Trong cuộc sống đời thường, họ không ham quyền cao, chức trọng, địa vị danh vọng mà chỉ khát khao nghiên cứu tìm tòi, phát hiện ra cái mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công việc. Những sự cống hiến ấy đã nhận được rất nhiều tình cảm quý báu của các thế hệ đồng nghiệp, học trò khi họ được tiếp nhận các phương pháp nghiên cứu khoa học hiện đại, phương pháp học tập, tư duy logic, biện chứng, phương pháp thực nghiệm kiểm chứng, gắn liền lý luận với thực tiễn góp phần làm sáng tỏ chân lý từ những công trình nghiên cứu, những phát minh, sáng chế của đội ngũ những người có học hàm, học vị. Các thế hệ đồng nghiệp, học trò trong các cơ quan, viện nghiên cứu, giảng đường đại học và đông đảo quần chúng nhân dân luôn luôn tỉnh táo, sáng suốt nhận ra giá trị chân thực của các phẩm chất đức độ, các tài năng trí tuệ với những sản phẩm khoa học do bản thân đội ngũ hiền tài sáng tạo ra. Bởi thế, họ luôn biết ơn, tôn trọng, kính phục những con người có học hàm, học vị.

Nếu mở rộng tầm nhìn ra nước ngoài chúng ta thấy, bằng chính sách trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, Singapore là quốc gia châu Á duy nhất lọt vào một trong 10 nước của thế giới có chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu. Hàn Quốc là quốc gia tuy hiếm về tài nguyên thiên nhiên, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng chỉ chưa đầy 30 năm sau đã làm nên một kỳ tích, đưa một nước nghèo trở thành thành viên thứ 25 của OECD - Câu lạc bộ các quốc gia giàu có của thế giới. Vậy là, giá trị đích thực của những người có học hàm, học vị là những thành công trong hoạt động khoa học của họ được vận dụng vào trong thực tiễn cuộc sống và được chuyển hóa thành tài sản vật chất, tạo ra nền móng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hẳn chúng ta không thể quên tên tuổi nhà bác học Lương Đình Của với nhiều công trình tìm ra các giống lúa mới phục vụ sự phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Hoặc những công trình trong lĩnh vực Lý thuyết đa thế vị, Giải tích và Hình học phức của GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp đã góp phần quan trọng vào sự phát triển ngành Toán học của thế giới. Đây là vị giáo sư trẻ nhất năm 2017 của Việt Nam.

Đáng tiếc là trong thời gian qua, nhất là năm 2017, việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư và việc đua nhau đi học các khóa học từ xa ngắn hạn của một số trường Đại học nước ngoài mở tại Việt Nam để nhận học vị thạc sĩ, tiến sĩ đã gây xôn xao trong dư luận xã hội, khiến không ít người nghi ngờ tính chất tiêu cực trong các việc làm trên. Trong số 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 mà Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đã công bố, khi tiến hành rà soát lại theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì có tới 94 ứng viên phải xem xét lại vì có đơn thư phản ánh và hồ sơ chưa đầy đủ cần xác minh thêm về số lượng đề tài nghiên cứu, bài báo khoa học, giờ giảng… Sau khi rà soát xong, Chủ tịch Hội đồng phong hàm giáo sư đã chính thức báo cáo Chính phủ có 41 người (chiếm tỷ lệ 3,3%) không đủ điều kiện phong hàm giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Từ thiếu sót trong việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư năm 2017, câu hỏi đặt ra là liệu những năm phong hàm trước đó có hiện tượng tương tự như trên xảy ra không? Bởi trên thực tế người ta thấy có những người đã được phong hàm không tham gia giảng dạy, không đủ trình độ tiếng Anh để giao tiếp, không có uy tín với đồng nghiệp và học trò. Đấy là chưa kể đến chuyện ở một số lĩnh vực tiêu chuẩn phong hàm còn thấp hơn tiêu chuẩn bảo vệ học vị tiến sĩ. 

Cùng với những sai sót của việc phong chức danh học hàm, việc chạy đua học vị cũng xảy ra không ít trường hợp. Đó là những người tham gia học lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở đào tạo nước ngoài theo hình thức đào tạo từ xa, với lượng thời gian học tập ít ỏi và không cần sự thông thạo về ngoại ngữ, như: bằng tiến sĩ của Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải, đều không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Rõ ràng là những tấm bằng tiến sĩ này chỉ là một sự háo danh, tham vọng chức quyền khi có thời cơ.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể đánh giá được một cách đúng đắn và chính xác giá trị của những người có học hàm, học vị? Có lẽ, khi đánh giá nhân cách năng lực và trình độ học vấn của con người, chúng ta không thể chỉ đơn thuần dựa vào bằng cấp, lời nói, mà phải xét đoán qua hành động, việc làm cụ thể, vì thông qua hành động con người mới tạo ra sản phẩm.

Sự vô tận của kiến thức trong kho tàng trí tuệ của nhân loại khiến cho mỗi người có học hàm, học vị phải có thái độ sáng suốt để lựa chọn cách thức hành động sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Xã hội ngày nay chỉ thừa nhận và tôn trọng những con người có nhân cách được chứng minh bằng những hành động với các việc làm cụ thể. Sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước đang rất cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là những người có bằng cấp học hàm, học vị cao với chất lượng thực. Họ sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội bằng những sản phẩm giàu hàm lượng trí tuệ và mang tính sáng tạo. Phấn đấu để có học hàm, học vị là điều cần thiết, nhưng điều luôn luôn phải nhớ là giá trị đích thực của học hàm, học vị nằm trong các hoạt động thực tiễn với những việc làm cụ thể được mọi người thừa nhận.

Nhìn vào thành tựu phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới chúng ta thấy, muốn sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác dặn, thì bên cạnh những ưu điểm đã đạt được của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chúng ta cũng còn không ít hạn chế cần sớm được khắc phục. Có như vậy thì công việc này mới thực sự tương xứng với vị trí mang tính đột phá mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

Phạm Trung Thanh

TS. Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương