Trong dịp tĩnh tâm năm 2017, cha xứ chia sẻ thư gửi các gia đình Công giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam với chủ đề: “Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân”.
Năm nay, một lần nữa là năm Phúc Âm hóa đời sống gia đình nên Giáo hội mời gọi mỗi tín hữu hãy sám hối ngay trong gia đình của mình. Cha nhắc lại lời thề hứa của đôi tân hôn khi lãnh nhận Bí tích Hôn phối đó là: “Hãy nhận lấy con cái mà Thiên Chúa trao ban và dạy dỗ chúng nên người”. Cha nhấn mạnh rằng: Trách nhiệm giáo dục con cái là trách nhiệm đầu tiên của cha mẹ.
Trong số 10 của thư chung “Gửi gia đình Công giáo Việt Nam: “Gia đình là ngôi trường giáo dục đầu tiên và căn bản. Ngày nay, nói đến giáo dục, người ta thường chỉ nghĩ đến giáo dục tại hoc đường mà quyên rằng giáo dục là bổn phận đầu tiên và cao cả nhất, cũng là quyền ưu tiên của gia đình, nhất là về mặt nhân bản, đạo đức và đức tin tôn giáo.
- Gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy những giá trị nhân bản. Những năm tuổi thơ trong gia đình sẽ hình thành những khuynh hướng căn bản, ăn rễ sâu và kéo dài trong suốt quãng đời còn lại...
- Song hành với giáo dục nhân bản là giáo dục đạo đức. Trong bối cảnh được coi là xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức, chúng ta càng phải quan tâm đến lĩnh vực này...
- Ngoài ra với các bậc cha mẹ Công giáo, lãnh vực rất quan trọng phải quan tâm là giáo dục đức tin. Có thể nói là nơi mỗi gia đình chúng ta khám phá ý nghĩa và cảm nhận vẻ đẹp của đức tin. Đã hẳn đức tin là ân ban của Chúa chứ không do chúng ta, thế nhưng cha mẹ là khí cụ Chúa dùng để làm cho mầm sống đức tin đó lớn lên và phát triển.
Ngày nay, do mải lo kiếm tiền, nhiều bậc cha mẹ phó mặc con cái cho người làm, cho người dạy kèm hoặc cho các thầy cô trong nhà trường chỉ biết chở con đến trường rồi tới giờ đón con về mà không quan tâm đến con mình có vào trường hay không, hay là vào một quán game nào đó, thậm chí tụ tập làm những chuyện phi pháp hoặc chích hút xì ke ma túy...
Cha cũng nêu thêm rằng: Rất ít bậc cha mẹ bỏ thời gian quan tâm, tìm hiểu những nhu cầu của con cái, ít tâm sự với con cái để nắm bắt hoặc tháo gỡ những thắc mắc của chúng. Thậm chí có những gia đình dùng bạo lực để dạy dỗ con cái.
Dạy con từ thuở còn thơ, bắt đầu từ việc dạy con biết làm dấu Thánh Giá, đến việc biết cám ơn Chúa trước khi đi ngủ, dạy con cách sống với mọi người xung quanh…lâu dần sẽ tạo nên nhân cách. Các bậc làm cha mẹ phải là tấm gương trong việc giáo dục con cái. Phải ý thức rằng: Tài sản chính mà cha mẹ để lại cho con cái là nhân cách, là niềm tin vào Thiên Chúa, còn của cải sau này con cái sẽ tự tìm kiếm. Con cái có nên người mới là chỗ dựa của cha mẹ lúc về già.
Vậy đã rõ, việc giáo dục con cái trong gia đình, nhất là giáo dục đức tin Kitô giáo phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của bậc làm cha mẹ. Một nhiệm vụ luôn được xem là cấp bách, quan trọng, khẩn thiết nhưng cũng đầy khó khăn vất vả.
Với cái nhìn của người làm cha mẹ, chúng tôi mạn phép đưa ra hai ý kiến sau:
1. Cha mẹ cần nhận thức tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin trong gia đình.
Từ xưa nay, người ta vẫn thường nói: “Bé không vin, cả gẫy cành” hoặc “Dạy con từ thủa còn thơ...” và “Tiên học lễ hậu học văn”. Phương pháp giáo dục hiệu quả luôn theo một “logic” tiệm tiến cơ bản, từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ điều ít quan trọng đến điều quan trọng hơn vv. Do đó, các gia đình nên bắt đầu dạy con ngay từ thời gian đầu cuộc đời, đó là chưa kể khi người mẹ mang thai đã phải giáo dục con từ trong bụng mẹ (thai giáo). Cha mẹ đưa con đi tham dự các lễ nghi Phụng vụ và các giờ đạo đức khác. Ông bà dạy cháu biết đọc kinh, biết cầu nguyện, biết hát thánh ca. Bên cạnh đó, ông bà cũng kể cháu nghe những câu truyện học-làm-người hay chuyện xử thế của người xưa. Đó là những việc khai tâm rất cần thiết trong việc giáo dục đức tin và giáo dục nhân bản.
Lớn lên một chút, khi trẻ đã bắt đầu đi học, cha mẹ tạo điều kiện để con em mình tham gia các đoàn thể trong giáo xứ. Chính các đoàn thể này sẽ tiếp tay gia đình hướng dẫn các em sống và thực hành những đức tính nhân bản, đồng thời giúp trẻ hiểu đạo, sống đạo và truyền đạo.
Tuy nhiên, vì các em còn nhỏ, nên việc dạy dỗ sẽ rất khó khăn và phức tạp. Việc huấn luyện này cần có một chiến lược lâu dài và theo những phương pháp thích hợp. Nhất là phía đội ngũ giáo lý viên hay hướng dẫn viên, họ cần được đào tạo và tái đào tạo thường xuyên cả về nội dung lẫn phương pháp sư phạm để có thể hoàn thành tốt vai trò mình. Bởi nếu không, tình hình dù lạc quan đến mấy cũng đáng quan ngại.
Thực tế cho thấy, “Các giáo xứ tổ chức các lớp giáo lý các cấp, trước hoặc sau thánh lễ Chúa nhật. Gần như 100% trẻ theo học các lớp giáo lý đến khi lãnh Bí tích Thêm sức, sau đó số % giảm dần. Điều cần là các giáo lý viên có quan tâm tạo điều kiện cho người trẻ thực hành Lời Chúa dạy, đặc biệt sống trong chân lý và trong tình bác ái đối với mọi người trong gia đình và xã hội.
Theo Nguyễn Mai/Báo Người Công giáo Việt Nam