Đưa hàng Việt tới người tiêu dùng

(Mặt trận) -Ngày 19/9, Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện CVĐ năm 2023 tại quận Bắc Từ Liêm.

Hà Nam: Tập huấn kỹ năng tuyên truyền, vận động cho thành viên ban công tác Mặt trận

Hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ hai, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

 Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội kiểm tra tại Công ty bánh kẹo Bảo Minh.

Nâng tầm hàng Việt

Theo bà Văn Thúy Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Bắc Từ Liêm, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, Ban chỉ đạo CVĐ quận và các ngành, tổ chức thành viên đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng, phù hợp; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ, các kế hoạch của Ban chỉ đạo CVĐ TP Hà Nội. Các hoạt động tuyên truyền CVĐ đã đóng góp tích cực trong quảng bá sản phẩm hàng Việt Nam, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất.

Thông qua CVĐ, hàng Việt ngày càng được chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã; lợi ích của người tiêu dùng được đảm bảo hơn. CVĐ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp (DN) có thêm nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh, giá thành phù hợp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, quận Bắc Từ Liêm đã ban hành gần 100 văn bản để triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ quận tham mưu Ban chỉ đạo CVĐ quận thực hiện tốt công tác phối hợp với Ban Tuyên giáo Quận ủy hướng dẫn, định hướng các tổ chức thành viên tổ chức những hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân về kết quả thực hiện CVĐ trên địa bàn; giới thiệu các cách làm mới hiệu quả, mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện CVĐ...

Để triển khai thực hiện CVĐ tốt hơn, Ban Chỉ đạo quận Bắc Từ Liêm đề nghị các cấp tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho DN Việt Nam, nhất là DN nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh. Cùng với đó, nghiên cứu sớm phát động, mở rộng, nâng cao chất lượng CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng Việt chinh phục người Việt”. Đồng thời, thành phố sớm có cơ chế tạo điều kiện cho các DN trong khu công nghiệp vừa và nhỏ quận Bắc Từ Liêm về cải tạo nâng cấp đường giao thông, công bố quy hoạch để DN yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất...

Để người tiêu dùng tự hào khi chọn hàng Việt

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường ghi nhận việc triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại quận Bắc Từ Liêm đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và hành vi của người tiêu dùng trên địa bàn về việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa CVĐ trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý, quận có nhiều mô hình hay trong tuyên truyền vận động nhân dân về hàng Việt; công tác kiểm tra giám sát được MTTQ và các cơ quan chức năng quan tâm; việc kết nối hỗ trợ trong các DN cũng được đẩy mạnh.

Về những kiến nghị của quận, Phó Trưởng đoàn kiểm tra khẳng định, Đoàn sẽ báo cáo với Ban chỉ đạo thành phố để xem xét giải quyết. Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị Ban chỉ đạo CVĐ của quận tiếp tục đẩy mạnh quán triệt Chỉ thị 03 của Ban Bí thư; tăng cường chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên; ưu tiên sử dụng hàng Việt trong chính việc mua sắm các văn phòng phẩm, thiết bị trong các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng tự hào khi lựa chọn dùng hàng Việt; tăng cường kiểm tra giám sát việc lưu thông hàng hóa, đảm bảo chất lượng hàng Việt, hạn chế hàng giả, hàng nhái... để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Động viên hỗ trợ nhiều hơn tới các DN nhất là DN nhỏ và vừa, có giải pháp cụ thể hơn để hỗ trợ DN, có những diễn đàn quảng bá giới thiệu sản phẩm nhất là các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

“Đặc biệt, tổ chức nhiều hội chợ để đưa hàng Việt gần hơn tới người tiêu dùng nhưng tránh tình trạng đưa cả sản phẩm không phải hàng Việt hoặc hàng kém chất lượng vào hội chợ” - ông Nguyễn Sỹ Trường lưu ý.

TUỆ PHƯƠNG