(Mặt trận) -Thời gian gần đây, công tác vận động Nhân dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp quan tâm. Nổi bật là việc hướng dẫn, duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia thực hiện các công trình, phần việc tại cơ sở.
|
Các Ban Công tác Mặt trận khóm, ấp được nhận Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” giai đoạn 2003 - 2023 |
Từ đổi mới nội dung và phương thức hoạt động
Trải qua 93 năm ra đời và phát triển với nhiều tên gọi khác nhau, MTTQ Việt Nam do Đảng và Bác Hồ sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện từ Hội phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam đến MTTQ Việt Nam ngày nay. MTTQ Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Cùng với quá trình phát triển của cách mạng, nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua đó, tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 76 ngày 24/1/2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021 - 2025, gắn với hoạt động của các tổ chức thành viên của MTTQ, Ban Công tác Mặt trận, chi, tổ hội, Tổ Nhân dân tự quản, Hội quán. Tiêu biểu như tuyên truyền, vận động người dân nắm rõ các tiêu chí trọng tâm thuộc về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ đầu năm 2023 đến nay, MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp triển khai, vận động các nguồn lực thực hiện các công trình, phần việc hỗ trợ các địa phương thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới như xây dựng nhà đại đoàn kết, xây dựng mới và sửa chữa cầu giao thông nông thôn, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo... với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Hoạt động phản biện xã hội được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên quan tâm tổ chức nhiều hội nghị phản biện. Chẳng hạn, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cao Lãnh tổ chức Hội nghị phản biện về dự thảo Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị thành phố đến năm 2030 theo yêu cầu của UBND TP Cao Lãnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lấp Vò tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến (bằng phiếu) đối với cộng đồng dân cư nơi thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp; Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu... Qua kết quả khảo sát, đa số người dân đồng tình, ủng hộ việc thực hiện các dự án nêu trên, tuy nhiên vẫn có một số ý kiến đề nghị cần đầu tư đường dân sinh, hỗ trợ thêm nền tái định cư, đảm bảo hệ thống cấp thoát nước sau khi xây dựng để người dân có thể canh tác, sản xuất nông nghiệp được thuận lợi.
Phát huy tính tự quản trong cộng đồng dân cư
MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên quan tâm củng cố, hướng dẫn và duy trì hiệu quả hoạt động các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư. Qua đó, góp phần phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia thực hiện các công trình, phần việc tại cơ sở. Điển hình như mô hình Tổ Nhân dân tự quản, đến năm 2023, toàn tỉnh hiện có 12.438 tổ với gần 450.500 hộ thành viên; quy mô tổ đông nhất là 127 hộ, tổ ít nhất là 6 hộ. Qua kết quả đánh giá hoạt động năm 2022, toàn tỉnh có 10.918 tổ hoạt động ổn định (chiếm 87,9%); có 1.505 tổ hoạt động còn khó khăn (chiếm 12,1%). Kết quả phân loại chất lượng có 6.119 tổ hoạt động vững mạnh (chiếm 49,2%); có 5.040 tổ hoạt động khá (chiếm 40,5%)...
|
Các gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2023 của ấp Công Tạo được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND xã Bình Phú (huyện Tân Hồng) |
Đáng ghi nhận, toàn tỉnh có trên 80% Tổ Nhân dân tự quản ra quân thực hiện “Ngày Đại đoàn kết vì cộng đồng” đã thu hút gần 520.000 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư cùng tham gia. Hoạt động “Ngày Đại đoàn kết vì cộng đồng” tại Đồng Tháp đã trở thành mô hình tự quản của cộng đồng dân cư mang tính lợi ích chung, được người dân tự giác bàn bạc, tự nguyện tham gia. Nhất là thành viên các Tổ Nhân dân tự quản phát huy vai trò tích cực trong tham gia và vận động Nhân dân hưởng ứng các hoạt động tại địa phương, góp phần thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc tham gia các hoạt động, đảng viên duy trì thực hiện nghiêm túc Quy định số 213 ngày 2/1/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú.
Từ mô hình “Canh Tân Hội quán” đầu tiên ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành được thành lập vào ngày 3/7/2016 với 105 Hội viên, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 145 Hội quán, trong đó có 38 Hợp tác xã được thành lập trên nền tảng Hội quán với hơn 7.000 thành viên. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy tiếp tục đề ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả Kết luận số 243 ngày 3/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về hoạt động mô hình Hội quán trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chủ động xây dựng hướng dẫn về hoạt động giữa các Hội quán có cùng ngành nghề, lĩnh vực; thành lập Đoàn tiến hành khảo sát và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả hoạt động của các Hội quán trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới.
Nhằm góp phần tham gia định hướng người nông dân chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, tỉnh chọn 5 huyện thực hiện thí điểm mô hình phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” theo nhóm cây trồng (huyện Lấp Vò thí điểm trên hoa màu; huyện Cao Lãnh thí điểm trên cây xoài; huyện Châu Thành thí điểm trên cây nhãn; huyện Lai Vung thí điểm trên cây ăn quả có múi và huyện Tháp Mười thí điểm trên cây lúa). Kết quả bước đầu triển khai hiện nay có gần 1.100 hộ dân tham gia với diện tích trên 1.274ha. Ngoài 5 đơn vị được chọn thí điểm mô hình, có 2 đơn vị không chọn làm điểm (TP Cao Lãnh và huyện Tân Hồng) đã chủ động hưởng ứng thí điểm tại địa phương. Việc thí điểm mô hình phấn đấu trở thành “Người Nông dân chuyên nghiệp” của Đồng Tháp góp phần từng bước thay đổi từ thói quen, tập quán sản xuất chỉ tập trung vào sản lượng hướng đến tính hiệu quả, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, xây dựng giá trị thương hiệu, sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu của thị trường, người dân tự nguyện tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể nhiều hơn, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
DŨNG CHINH