Đồng Nai: Tăng cường hoạt động phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết

(Mặt trận) -Phản biện xã hội là phương thức quan trọng để MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và thực hiện vai trò đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Việc phát huy vai trò của hoạt động phản biện xã hội đã và đang được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai cùng các cơ quan liên quan ngày càng chú trọng.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. 

Đối với các dự án văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), việc tăng cường hoạt động phản biện xã hội góp phần phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp. Từ đó, kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.

* Đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống xã hội

Xuất phát từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, yêu cầu của thực tiễn, đại hội Đảng toàn quốc qua nhiều thời kỳ đều khẳng định phải xây dựng cơ chế, quy định để phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Đối với hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, nếu như trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 chưa có quy định rõ về thẩm quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021) đã bổ sung, làm rõ quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai LƯU THỊ HÀ, việc gửi dự thảo các nội dung cần phản biện của HĐND tỉnh, UBND tỉnh cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh để tổ chức lấy ý kiến phản biện cần đảm bảo thời gian. Qua đó, giúp nội dung phản biện được sâu, đáp ứng được yêu cầu đặt ra; tránh quá gấp, không đủ thời gian và cơ sở để nghiên cứu và góp ý.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL đã khẳng định MTTQ Việt Nam có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng VBQPPL và dự thảo VBQPPL.

Cụ thể, Điều 6 quy định rõ, thời điểm thực hiện phản biện xã hội được thực hiện trong giai đoạn tổ chức lấy ý kiến về dự thảo VBQPPL và trường hợp dự thảo VBQPPL đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến phản biện xã hội khi chỉnh lý dự thảo văn bản. Các nội dung khác liên quan đến phản biện xã hội được thực hiện theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà, xác định rõ vai trò rất quan trọng của hoạt động phản biện xã hội đối với các văn bản pháp luật, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn nỗ lực thực hiện vai trò của mình.

Đơn cử như năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với nội dung về chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị này, các đại biểu đã đóng góp rất nhiều ý kiến sâu sát cho dự thảo nghị quyết. Các ý kiến đã phân tích rõ sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội khi nghị quyết được ban hành.

Bên cạnh đó, đóng góp thêm nhiều ý kiến bổ sung liên quan đến mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; mức hỗ trợ đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp… nhằm kiến nghị đơn vị soạn thảo xem xét chỉnh sửa, nghiên cứu bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyện vọng của cử tri. Các ý kiến đã được các cơ quan, đơn vị tiếp thu, hoàn thiện. Dự thảo nghị quyết sau đó đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 của HĐND tỉnh với sự thống nhất cao.

* Tăng cường hoạt động phản biện xã hội

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, phản biện xã hội đóng vai trò rất quan trọng đối với các văn bản pháp luật. Qua phản biện xã hội sẽ phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp... Từ đó, kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết khi ban hành, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, nhất là đối với các văn bản pháp luật có đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng.

Để hoạt động phản biện được thực hiện hiệu quả, thực chất, cần có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh về trình tự, thời gian, trách nhiệm của từng cơ quan liên quan đến hoạt động phản biện xã hội. Qua đó nhằm đảm bảo hoạt động phản biện xã hội vừa đúng quy định pháp luật, đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.

Theo HĐND tỉnh, ngoài những nội dung đã được thống nhất, trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung phát sinh cần phải phản biện xã hội, Thường trực HĐND tỉnh sẽ có văn bản đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội.

Vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có văn bản đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh một số nội dung phản biện xã hội trong năm 2022. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh thống nhất phản biện xã hội đối với 4 nội dung theo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh gồm: Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua đề án xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về thông qua đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 7-7-2020 của Quốc hội.

Căn cứ các nội dung tại văn bản của UBND tỉnh về đăng ký chương trình xây dựng nghị quyết năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã đề xuất bổ sung phản biện xã hội đối với 4 nội dung gồm: Tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; Tờ trình dự thảo Nghị quyết về đề án khai thác quỹ đất để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh bảng giá đất, lập hồ sơ điều chỉnh bảng giá đất tỉnh Đồng Nai 5 năm giai đoạn 2020-2024; Tờ trình, dự thảo Nghị quyết thông qua quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà, để làm tốt hơn nữa công tác phản biện xã hội trong năm 2022, trên cơ sở danh mục đăng ký chương trình xây dựng nghị quyết năm 2022 của UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam không đợi HĐND tỉnh và UBND tỉnh yêu cầu phản biện nội dung nào mà Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ động lựa chọn các nội dung để đề xuất ý kiến thống nhất Thường trực HĐND tỉnh thực hiện phản biện xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sau đó sẽ báo cáo với Ban TVTU cũng như báo với UBND tỉnh để có sự chuẩn bị hồ sơ, tài liệu.

Tiếp đó, trong quá trình nghiên cứu, xem xét các dự thảo nghị quyết, nếu như xét thấy dự thảo nghị quyết có phạm vi và đối tượng điều chỉnh rộng, cần thiết phải tổ chức hội nghị phản biện gồm các ban tư vấn, tổ tư vấn và các chuyên gia để lấy ý kiến thì Mặt trận sẽ tổ chức hội nghị phản biện. Mặt khác, dù đã đăng ký từ đầu, Thường trực HĐND tỉnh đã chấp thuận, UBND tỉnh đã có hồ sơ, song nếu sau đó xét thấy đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết không cần thiết phải tổ chức phản biện xã hội thì Mặt trận sẽ không cần tổ chức, mà thay vào đó sẽ góp ý bằng văn bản...            

Tùng Lâm