(Mặt trận) -Ngoài việc góp ý nhiều vấn đề bổ sung thêm các nội dung trong dự thảo, nhiều đại biểu mong muốn cơ quan chủ trì khẩn trương điều chỉnh, hoàn thiện để đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sớm được triển khai.
|
Các đại biểu tham gia hội nghị. . |
Ngày 13/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị chủ trì đề án đã thông tin nhanh đến các đại biểu một số nội dung cơ bản của dự thảo, nhấn mạnh một số điểm cần sự góp ý hoàn thiện.
Đa số các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết của đề án, đồng thời góp ý nhiều nội dung dự thảo đề án như: Giải pháp về tuyên truyền, công tác thực tiễn, chế tài xử lý vi phạm đối với vi phạm về chất thải rắn sinh hoạt; Lưu ý đến các chỉ tiêu xử lý chất thải rắn sinh hoạt qua từng giai đoạn cho phù hợp với thực tiễn phát triển của địa phương; Công tác phân loại, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo từng giai đoạn cũng cần được tính toán cụ thể.
Một số nội dung cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý đó là triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, việc lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt (bao túi chứa), thời gian lấy rác, phương tiện thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được rà soát và đưa vào nội dung dự thảo đề án. Dự báo tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2035; đề xuất mục tiêu, định hướng và lộ trình điều chỉnh chức năng, phạm vi phục vụ của các khu xử lý chất thải theo các giai đoạn. Cần giảm bớt số liệu, gọn lại thông tin tham khảo, thống kê vì nhiều số liệu, thông tin không cần thiết đối với dự án; giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với hộ gia đình, các cơ quan, tổ chức...
Nhiều đại biểu mong muốn cơ quan chủ trì khẩn trương điều chỉnh, hoàn thiện để đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sớm được triển khai.
Đơn vị chủ trì đề án đã tiếp thu, giải trình những ý kiến góp ý của các đại biểu; khẳng định những ý kiến này sẽ được rà soát, bổ sung phù hợp để đề án được hoàn chỉnh, phù hợp với thực tiễn.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được ý kiến góp ý của 13/31 đơn vị trong toàn tỉnh đối với đề án. Trong đó, có 9 đơn vị thống nhất với nội dung dự thảo; 4 đơn vị có ý kiến góp ý đối với dự thảo và 18 đơn vị không có ý kiến.
MẠNH THÌN