(Mặt trận) - Từ khi con đường Sông Trầu nối ấp 7 và ấp 8 (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) dài khoảng 2km được thi công cho đến lúc hoàn thành, ông Lưu Đình Nguyên, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 8 cùng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ấp có mặt tại công trường. Trong quá trình này, ông cùng Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ấp đã yêu cầu đơn vị thi công thảm nhựa lại 100m vì xuất hiện tình trạng bong tróc.
|
Người dân H.Long Thành xem bản đồ dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) tại hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về thực hiện dự án này do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức tháng 7-2022. Ảnh: S.Thao |
Đây chỉ là một trong số gần 6,7 ngàn cuộc giám sát được Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện trong thời gian qua đối với các dự án được xây dựng trên địa bàn. Ngoài ra, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì tổ chức được 4,7 ngàn cuộc giám sát bằng nhiều hình thức. Riêng công tác phản biện xã hội, đã có 371 hội nghị được tổ chức.
* Chủ động triển khai hoạt động giám sát, phản biện
Những năm qua, Đồng Nai là đại công trường của cả nước khi nhiều dự án trọng điểm được triển khai. Từ thực tế đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động cùng các đơn vị liên quan thực hiện nhiều đợt lấy ý kiến, giám sát, phản biện xã hội đối với những dự án này.
Trong đó, ngày 13-7-2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về thực hiện dự án thành phần 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Tại hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì, giám sát việc cơ quan chức năng thông tin về số trường hợp nằm trong diện thu hồi đất phục vụ dự án, cung cấp thông tin cho người dân có liên quan. Đồng thời, ghi nhận ý kiến của người dân có đất nằm trong diện thu hồi phục vụ dự án. Những ý kiến này được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp chuyển đến cơ quan có thẩm quyền.
Bà Nguyễn Thị Hòa (ngụ xã Long An, H.Long Thành) cho hay, thông qua hội nghị bà trực tiếp nắm bắt thông tin dự án, quá trình hỗ trợ người dân nằm trong vùng dự án từ đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh, được tiếp cận tài liệu liên quan và nêu lên những vướng mắc của gia đình. Điều này góp phần ổn định tâm lý của người dân khi dự án được triển khai thay vì thấp thỏm không biết trường hợp mình sẽ ra sao.
Hay ngày 14-6-2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng ở TP.Long Khánh (giai đoạn 2), TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất), TT.Long Giao (H.Cẩm Mỹ) do UBND tỉnh thực hiện.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Long Khánh Võ Văn Thành cho hay, những ý kiến phản biện tại hội nghị như: tên đường và công trình công cộng phải có ý nghĩa, dễ nhớ, thuận tiện cho công tác quản lý; việc đặt tên đường và công trình công cộng đảm bảo nguyên tắc tên đường được đặt là những danh nhân lịch sử - văn hóa... đã góp thêm những tiếng nói khoa học và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, chính quyền địa phương.
Có được kết quả tích cực này, theo Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà, ngay sau khi Nghị quyết Liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTQVN về quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được triển khai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp triển khai các quyết định, chỉ thị của trung ương và của Ban TVTU về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đến cán bộ chủ chốt các cấp, người làm công tác Mặt trận.
Đồng thời, có 15,1 ngàn lượt cán bộ Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp được tập huấn, hướng dẫn về công tác giám sát, phản biện xã hội. Với phương châm: “Tỉnh bám huyện, huyện bám cơ sở, cơ sở bám địa bàn dân cư”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam chú trọng tăng cường vai trò, chất lượng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ấp, khu phố. Song song đó là vận động người tiêu biểu, có chuyên môn tham gia hoạt động này. Chủ động chọn những vấn đề xã hội người dân quan tâm để thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Việc theo dõi, đôn đốc, xử lý kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp theo dõi sát sao…
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh CAO VĂN QUANG, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác giám sát, phản biện xã hội thời gian qua được nâng cao. Thông qua giám sát, phản biện đã bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
* Nâng chất lượng giám sát, phản biện
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đồng chí Lưu Thị Hà, công tác giám sát, phản biện xã hội tại Đồng Nai vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Trước hết, hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chưa thực sự bài bản, nhất là ở cơ sở. Thêm vào đó, ở một số cơ sở việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát chưa hướng vào những vấn đề mà xã hội và nhân dân quan tâm. Tình trạng thiếu chủ động triển khai công tác phản biện xã hội, còn trông chờ sự chỉ đạo của cấp ủy, việc đề nghị của các cơ quan nhà nước vẫn tồn tại…
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Thống Nhất Vũ Thị Yến cho biết, quá trình thực hiện các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể cùng cấp có lúc còn chậm, chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao.
Từ thực tế đó, theo đồng chí Lưu Thị Hà, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tích cực tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đồng thời chủ trì phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải tự nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thường xuyên lắng nghe, tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần chủ động lựa chọn những nội dung giám sát theo các lĩnh vực mà nhân dân và xã hội đang quan tâm, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Việc phản biện tập trung vào những chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ chính đáng của nhân dân.
Bên cạnh đó, để tăng cường hoạt động giám sát, ngoài cán bộ chuyên trách Mặt trận cần có sự phối hợp mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia. Sau khi kết thúc giám sát, phải sớm có văn bản kiến nghị ngay với cơ quan có thẩm quyền, trong đó cần xác định thời gian yêu cầu các cơ quan liên quan phải trả lời theo quy định.
Đặc biệt, quá trình tổ chức giám sát và phản biện xã hội phải làm đúng quy trình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, các đoàn thể đảm bảo tính đúng, tính nhân dân, tính trung thực, tính khách quan và khoa học. Trong báo cáo giám sát cần đánh giá đúng kết quả làm được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém và đưa ra những kiến nghị yêu cầu đơn vị được giám sát rút kinh nghiệm, sửa chữa, bổ sung.
Toàn tỉnh hiện có932ban công tác Mặt trận với gần8ngàn thành viên và21ngàn người đang tham gia13,5ngàn tổ Mặt trận.
|
Theo Báo Đồng Nai