Đồng Nai: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

(Mặt trận) -Hoạt động của ban thanh tra nhân dân (BTTND), ban giám sát đầu tư cộng đồng (BGSĐTCĐ) được coi là một kênh tham gia quản lý xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thăm, chúc Tết tại Hà Giang

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tặng quà Tết tại phường Long Biên

An Giang: Mảnh đất giàu lòng nhân ái

 Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn, kinh phí để hoạt động của thiết chế ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng được thực chất, hiệu quả.

Hoạt động của BTTND, BGSĐTCĐ ở nhiều địa phương thời gian qua bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Song, thực tế cho thấy, hoạt động của các ban này vẫn còn gặp không ít vướng mắc, khó khăn.

Cần được gỡ khó trong hoạt động

Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn khảo sát của Trung ương liên quan đến việc thực hiện nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” trên địa bàn tỉnh vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, trong năm 2021, BTTND tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 369 cuộc giám sát những hạng mục công trình trong xây dựng nông thôn mới, giám sát việc lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, giám sát việc bình xét hộ nghèo hằng năm… Trong khi đó, BGSĐTCĐ đã giám sát được 676 công trình. Việc thực hiện nội dung nhân dân giám sát thông qua hoạt động của BTTND, BGSĐTCĐ theo Pháp lệnh số 34 /2007/PL-UBTVQH11 ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã bước đầu phát huy được hiệu quả.

Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh BÙI XUÂN THỐNG, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là dự án luật có phạm vi ảnh hưởng rộng, tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân. Dự án luật nhằm góp phần xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt tỉnh Đồng Nai Vũ Đình Trung, qua giám sát, nhân dân đã phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết nhiều vụ việc, góp phần khắc phục kịp thời các công trình sử dụng vật liệu không đúng chủng loại, tiến độ thi công chậm, ảnh hưởng đến môi trường, không đảm bảo chất lượng công trình... Dù vậy, trong thực tiễn hoạt động vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ đó, đòi hỏi cần phải có những sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp để gỡ khó cho hoạt động của các thiết chế này.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, dự thảo luật quy định BTTND có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở của cán bộ, công chức và chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, quy định 3 quyền hạn cụ thể cho BTTND. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vừa qua đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự án luật này và nhận được nhiều ý kiến tâm huyết từ thực tiễn.

Để hoạt động thực chất, hiệu quả

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Thống Nhất Phạm Đình Bang cho rằng, hiện nay trình tự thủ tục thành lập BTTND còn rườm rà. Chi phí hoạt động cho BTTND, BGSĐTCĐ còn hạn hẹp nên gây khó khăn cho hoạt động. Cùng với đó, thực tế ở nhiều nơi, địa phương chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các ban; từ đó gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động, thậm chí hoạt động nhiều khi còn rất hình thức.

Ông Bang nhấn mạnh, muốn dân chủ ở cơ sở được tốt hơn phải nâng cao hiệu quả hoạt động của BTTND gồm cả trong cộng đồng dân cư, trong doanh nghiệp và cơ quan nhà nước sao cho thực chất, hiệu quả. Phải có quy định để ban hoạt động thực quyền, tránh hoạt động chỉ dừng lại ở phản ánh, khuyến cáo. Có như thế thì mới sớm phát hiện được các vụ việc tham nhũng, tiêu cực nếu có để kịp thời xử lý.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) Tạ Đình Trung chia sẻ, P.Phước Tân có diện tích lớn, dân cư đông. Các dự án phường tương đối nhiều, trong khi kinh phí hoạt động cho BGSĐTCĐ hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn. “Mặt khác, nhiều trường hợp để thực hiện được chức năng của mình, BGSĐTCĐ phải đi “đòi” hồ sơ dự án. Nhiều trường hợp “đòi” được hồ sơ thì đơn vị đã thi công được nhiều phần, nên ban cũng chưa làm tròn được chức năng của mình. Thậm chí, có những công trình rất khó khăn để các thành viên của BGSĐTCĐ vào giám sát” - ông Trung nói.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Trà cho rằng, hoạt động của BTTND và BGSĐTCĐ tại các xã, phường, thị trấn được thực hiện tốt đã góp phần hạn chế được các sai phạm trong quá trình triển khai thi công các công trình, dự án, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, các nhà thầu, đơn vị thi công cũng ý thức rõ hơn về trách nhiệm bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công các công trình.

Dù vậy, theo bà Trà, do điều kiện cán bộ nhân lực của mặt trận phường có hạn, nhất là ở một “siêu phường” như Trảng Dài, công việc phải xử lý rất nhiều nên có lúc chưa thể sâu sát trọn vẹn được hoạt động của các ban nói trên. Mặt khác, bà Hà cho rằng, vai trò của BGSĐTCĐ cũng chưa thật sự được quan tâm coi trọng; mối liên hệ giữa các nhà thầu, đơn vị thi công với địa phương chưa được chặt chẽ.

“Thực tế, có nhiều công trình ngày mai khởi công thì hôm nay ban mới được mời đến dự, thậm chí có công trình đã thi công 1 tuần rồi, ban đi ngang qua thấy và hỏi thì mới được đưa hồ sơ để giám sát” - bà Trà nêu. Do đó, bà cho rằng, cần có nội dung quy định cụ thể để các chủ đầu tư dự án có sự liên hệ chặt chẽ với địa phương; bổ sung các quy định rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn làm sao nâng cao, phát huy thực chất hiệu quả hoạt động của ban.

Theo Hồ Thảo – Báo Đồng Nai