Đồng lòng xây dựng ấp, khu phố văn hóa

(Mặt trận) -Phong trào xây dựng ấp, khu phố văn hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, góp phần chung tay xây dựng môi trường sống nề nếp, đời sống văn hóa khu dân cư văn minh.

Hội nghị Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ lần thứ Ba - khóa XV, nhiệm kỳ 2024- 2029

Uỷ ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, Hội thánh Tin lành Việt Nam và Tòa Giám mục Giáo phận Hưng Hóa

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Tiền Giang thăm, chúc mừng Lễ Giáng sinh

* Điểm sáng…

KP.8, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) có hơn 20 năm thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ông Phạm Quang Đỉnh, Trưởng KP.8, cho biết hiện khu phố có trên 900 hộ với khoảng 5 ngàn nhân khẩu. Đặc biệt, đây là địa bàn có đông đồng bào Công giáo sinh sống (chiếm 80%). Mặc dù số lượng dân cư đông, song người dân nơi đây luôn chấp hành tốt mọi quy định của địa phương, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, mọi người cùng đồng lòng xây dựng khu phố văn hóa.

 Tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp được người dân KP.8, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa hưởng ứng, gìn giữ và nhân rộng. 

“Hằng tháng, khu phố có những buổi họp, tuyên truyền đến bà con thực hiện các quy định xây dựng đời sống văn hóa mới như: không tệ nạn xã hội, bài trừ hủ tục, xóa bỏ mê tín dị đoan... KP.8 cũng được giáo xứ Thái Hiệp quan tâm trong việc tuyên truyền cho bà con giáo dân lối sống có văn hóa, bác ái, yêu thương và sẻ chia. Người dân hiểu vai trò, trách nhiệm chung trong việc giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Nhờ vậy, KP.8 được UBND tỉnh trao tặng bằng khen vì có 20 năm thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” - ông Phạm Quang Đỉnh chia sẻ.

Từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh phấn đấu trên 90% ấp, khu phố đạt chuẩn ấp, khu phố văn hóa; 90% nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố hoạt động hiệu quả; 100% thiết chế văn hóa cấp xã và huyện hoạt động hiệu quả.

Theo ông Phạm Quang Đỉnh, KP.8 đã và đang duy trì nhiều mô hình hiệu quả. Trong đó có mô hình camera an ninh (toàn khu phố có trên 500 điểm gắn camera trên các tuyến đường và hộ gia đình) được thực hiện phần lớn bằng nguồn xã hội hóa từ trong nhân dân; mô hình tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp; mô hình trồng rau sạch với sự tham gia của gần 200 hộ gia đình với tổng diện tích 27ha. 100% tuyến đường giao thông trên địa bàn khu phố đã bê tông hóa và có đèn chiếu sáng. Hiện nay, người dân đã ứng dụng công nghệ 4.0 để trao đổi, chia sẻ thông tin, nhất là những thông tin an ninh trật tự cũng như sử dụng vào mục đích lao động, học tập.

Còn tại xã Túc Trưng (H.Định Quán), từ đầu năm 2022 đến nay, đã vận động nhân dân tham gia nhiều phần việc ý nghĩa như: cam kết thực hiện vệ sinh môi trường; thực hiện đúng quy ước, hương ước; đăng ký bình xét gia đình văn hóa công khai, minh bạch, nhân rộng gương người tốt, việc tốt... Trong đó, xã Túc Trưng đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp 6/7 nhà văn hóa ấp với tổng kinh phí 900 triệu đồng, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất phục vụ cho tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, hội họp của người dân. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở VH-TTDL đã tổ chức rà soát, thẩm định tiêu chí văn hóa nông thôn mới nâng cao tại xã Túc Trưng. Các tiêu chí đều đạt kết quả theo đúng quy định.

* Người dân đồng lòng…

Theo Chủ tịch UBND P.Tân Phong Nguyễn Thị Thanh Thủy, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được P.Tân Phong triển khai rộng rãi với nhiều nội dung: đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa; xây dựng môi trường sạch đẹp, an toàn; xây dựng gia đình văn hóa… Đặc biệt, P.Tân Phong chú trọng mô hình xã hội hóa thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, xã hội hóa đường giao thông nông thôn.

“Trong đó, P.Tân Phong đã vận động xã hội hóa từ trong nhân dân, tham gia sửa chữa hơn 100km tuyến đường liên khu phố, đường hẻm với kinh phí hơn 15 tỷ đồng; gắn 150 camera an ninh và lắp đặt bộ dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời tại các nhà văn hóa với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hằng năm, ra quân trồng khoảng 1 ngàn cây xanh tạo mảng xanh cho đô thị Biên Hòa… Các phong trào được người dân đồng lòng, chung sức, nâng cao hiệu quả xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư” - bà Thanh Thủy nói.

 Ông Phạm Quang Đỉnh, Trưởng KP.8, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa  kiểm tra hoạt động của mô hình camera an ninh xã hội hóa tại khu phố

Tại H.Long Thành, 6 tháng đầu năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các xã, thị trấn phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; đồng thời, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung theo quy định, nhắc nhở nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ các công trình giao thông ngay trên địa bàn, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát quang đường làng ngõ xóm, góp phần bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Ngoài ra, còn nhắc nhở được 36 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông, tự nguyện tháo gỡ tạo đường thông hè thoáng, dọn dẹp, phát quang 17km đường bụi rậm, đường khuất che tầm nhìn của người tham gia giao thông...

Dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân toàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban chủ nhiệm các chương trình, Ban chỉ đạo phong trào các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện phong trào đảm bảo chỉ tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Đã có 932/932 ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 1.477/1.477 cơ quan, đơn vị và 865 doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 684.580/684.825 hộ gia đình đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 115/120 xã đăng ký đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 35/50 phường, thị trấn, đăng ký đạt chuẩn đô thị văn minh.

Theo Ly Na - Báo Đồng Nai